Khơi thông “điểm nghẽn”, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững

(BKTO) - Thị trường bất động sản hiện đang trải qua giai đoạn khó khăn, do còn tồn tại khá nhiều “điểm nghẽn”. Do đó, cùng với sự vào cuộc của các Bộ, ngành chức năng và các địa phương, các doanh nghiệp bất động sản cũng cần nỗ lực, chung sức để từng bước tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.

Chia sẻ tại Diễn đàn “Phát triển bền vững thị trường bất động sản” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trong những năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng, tạo tác động lan tỏa đến nhiều lĩnh vực và có những sự đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

dd.jpg
Diễn đàn “Phát triển bền vững thị trường bất động sản” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào ngày 15/12. Ảnh: D.THIỆN

Tuy nhiên, gần đây, thị trường bất động sản Việt Nam đã bộc lộ một số dấu hiệu phát triển không ổn định.

Biểu hiện là, thị trường vẫn còn tình trạng “lệch pha” cung - cầu khá lớn; cơ cấu sản phẩm bất động sản vẫn mất cân đối theo hướng nhà ở thương mại trung cấp, cao cấp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường, thiếu các dự án nhà ở có giá trung bình phù hợp với khả năng tài chính của đại đa số người dân, trong khi đây lại là phân khúc có nhu cầu rất lớn, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Bên cạnh đó, giá nhà vẫn còn neo ở mức khá cao, khiến người dân khó có cơ hội tiếp cận nhà ở. Ngoài ra, số lượng dự án đầu tư bị vướng thủ tục pháp lý, buộc phải dừng triển khai còn khá lớn, kéo theo làm suy giảm mạnh nguồn cung. Đơn cử, trong 9 tháng năm 2022, cả nước chỉ có 104 dự án đầu tư nhà ở đang triển khai, chỉ bằng 51% so với cùng kỳ năm trước…

Về phía các doanh nghiệp bất động sản, phần lớn các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, khiến cho nhiều dự án bất động sản bị đình trệ vì thiếu vốn.

Mặt khác, các yếu tố khách quan như giá nguyên vật liệu tăng, lãi suất cho vay tăng, áp lực tỷ giá… cũng đã làm gia tăng những khó khăn cho doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp quy mô đầu tư, cắt giảm lao động…

Ngoài ra, lòng tin của các nhà đầu tư, khách hàng vào doanh nghiệp, thị trường cũng có phần bị suy giảm, do chịu tác động từ những vụ việc dự án không đảm bảo tính pháp lý hoặc vi phạm các quy định về đầu tư, kinh doanh xuất hiện trên thị trường…

Chia sẻ thêm góc nhìn về thị trường bất động sản, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI đánh giá thị trường và các doanh nghiệp địa ốc đã trải qua năm 2022 đầy khó khăn, toàn thị trường rơi vào tình trạng khá trầm lắng. Theo đó, khó khăn của ngành bất động sản cũng đã, đang tạo tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề liên quan như ngành vật liệu xây dựng, trang trí nội - ngoại thất…

Chỉ ra nguyên nhân, Chủ tịch VCCI cho rằng, bên cạnh yếu tố khách quan do chịu tác động từ tình hình kinh tế trong nước và thế giới có những biến động phức tạp, khó lường, thì cũng còn những nguyên nhân chủ quan xuất phát từ phía các doanh nghiệp.

Cụ thể là, nhiều doanh nghiệp còn chú trọng đầu tư vào các phân khúc sản phẩm kỳ vọng đem lại lợi nhuận lớn, chứ chưa xuất phát từ nhu cầu thực của thị trường. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn đầu tư theo xu hướng đầu cơ, trông chờ vào sự tăng giá của đất đai để thu lợi nhuận lớn, do đó dễ gặp rủi ro khi thị trường phát triển không thuận lợi…

Trước thực trạng trên của thị trường bất động sản, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vừa qua đã có những chỉ đạo quyết liệt và đã thành lập "Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp".

Theo đó, Tổ công tác đã làm việc với một số địa phương, doanh nghiệp, ghi nhận một số nhóm vấn đề vướng mắc tác động đến thị trường bất động sản và đã bước đầu báo cáo Chính phủ để đưa ra các giải pháp tháo gỡ phù hợp.

Về phía Bộ Xây dựng, ông Vương Duy Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - cho biết, Bộ Xây dựng cũng đang rà soát, nghiên cứu tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực xây dựng, quy hoạch…, cũng như trong quy trình, thủ tục triển khai đầu tư dự án.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đang dự kiến trình Chính phủ nghị định sửa đổi các nghị định, trong đó có các nghị định về quy hoạch, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội…/.

Cùng chuyên mục
Khơi thông “điểm nghẽn”, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững