Gian nan tiếp cận vốn vay
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ trọng vốn tín dụng nông nghiệp trong tổng tín dụng của toàn ngành sau 3 năm thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP chỉ khoảng 18-19%, nếu cộng cả dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội thì chiếm khoảng 20-22%. Tính đến cuối tháng 6, tổng dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước đạt 886 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 18% tổng dư nợ nền kinh tế.
Các ngân hàng thương mại ít ưu tiên cho vay khu vực nông nghiệp vì rủi ro cao Ảnh: TK
Khó tiếp cận tín dụng chính thức khiến người dân nhiều nơi phải tìm đến tín dụng đen với các khoản vay nặng lãi để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. TS. Hoàng Cầm - Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) - dẫn thực tế đáng báo động, hiện nay phần lớn các hộ nông dân dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đang phải gánh các khoản nợ khác nhau với mức độ nợ từ 50 - 240 triệu đồng. Nguy hại ở chỗ, đó chủ yếu là các khoản vay nặng lãi từ tín dụng đen với lãi suất lên tới 50-60%/năm để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp thay vì có thể vay ở các ngân hàng với lãi suất thấp như chính sách quy định. Lý do người dân vay nặng lãi từ tư nhân là do không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng, do thủ tục vay ngân hàng quá phức tạp và giải ngân chậm. Trong khi đó, vay từ tư nhân thủ tục rất đơn giản, không yêu cầu thế chấp, đáp ứng ngay với lượng tiền cho vay cao hơn.
Điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn vay
Để khắc phục những hạn chế trên, nhiều chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại ưu tiên nhiều hơn cho nông nghiệp, nông thôn, nhất là các khoản vay trung hạn và dài hạn. Để khắc phục tình trạng các ngân hàng thương mại không muốn cho vay khu vực nông nghiệp vì rủi ro thì Chính phủ nên có các chương trình cho vay đầu tư nông nghiệp trung, dài hạn và ủy thác cho các ngân hàng thương mại tham gia. Chính phủ có thể hỗ trợ một phần lãi suất và phí thực hiện giải ngân. Đồng thời tăng cường hỗ trợ và phát triển bảo hiểm nông nghiệp đối với một số nông sản chủ lực trong các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Bên cạnh đó, có giải pháp đơn giản các thủ tục và điều kiện vay vốn; đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng nông nghiệp, nông thôn phù hợp với đặc thù của chu kỳ sản xuất từng sản phẩm trong nông nghiệp.
Các chuyên gia cũng cho rằng, các tổ chức tài chính vi mô (loại hình tổ chức tín dụng thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và DN siêu nhỏ) cóvai trò ngày càng lớn trong việc cung ứng nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Phát triển mô hình tài chính vi mô đã được chứng minh thành công và hiệu quả tại nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản. TS. Yoshihara Kiyotsugu (Đại học Kyoto, Nhật Bản) khuyến nghị, với tỷ lệ dân số hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm đa số, Việt Nam rất phù hợp để các hoạt động tài chính vi mô phát huy tác dụng. Bởi mô hình tín dụng này thực sự hiệu quả trong việc cung cấp các khoản vay nhỏ và các dịch vụ, sản phẩm tài chính cho các hộ gia đình có vốn sản xuất - kinh doanh thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Đồng tình với ý kiến này, ông Lê Đức Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cũng cho rằng, thời gian qua, tài chính vi mô đang phát huy khá hiệu quả việc cung ứng vốn cho nông dân. Các HTX đã tự xoay vốn bằng cách huy động tín dụng nội bộ, có những HTX huy động được hàng chục tỷ đồng. Hiện cả nước có khoảng 80 nghìn tổ tín dụng tiết kiệm và cho vay ở nông thôn, nhưng khoảng 73 nghìn tổ chức thuộc Hội phụ nữ và cho vay theo cơ chế của Ngân hàng Chính sách xã hội. “Bản thân người dân đánh giá các tổ chức tín dụng vi mô này cho vay ít nhưng đi kèm là đào tạo nghề, giúp đa dạng hóa nguồn thu nhập, hỗ trợ giảm nghèo tốt, tỷ lệ nợ xấu gần như không có, thu hoàn vốn đạt trên 99,9%” - ông Thịnh nhấn mạnh.
THANH TÙNG