Gia tăng giá trị của các ngành công nghiệp văn hóa
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng, với đặc trưng sáng tạo và công nghệ, CNVH đang đóng góp ngày càng lớn vào GDP của cả nước, đồng thời mang đến sự thay đổi cơ cấu của các ngành có liên quan, cũng như cơ cấu ngành kinh tế. Đơn cử, năm 2021, đóng góp của ngành CNVH đạt 3,92% GDP; năm 2022 tăng lên 4,04% GDP. Đáng chú ý, sự xuất hiện của các trung tâm CNVH, các thành phố sáng tạo đã và đang làm thay đổi cơ cấu vùng kinh tế; đồng thời tạo nên các kết quả đáng ghi nhận ở cả 12 ngành CNVN. Như trong giai đoạn 2018-2022, ngành kiến trúc có giá trị gia tăng bình quân 7,37%; ngành điện ảnh, giá trị gia tăng bình quân 7,94%... Nhiều sản phẩm có giá trị cao, tạo được tiếng vang trong nước và quốc tế.
Thông tin cụ thể về vấn đề này, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Trần Hoàng cho biết, các sản phẩm CNVH trên các lĩnh vực ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của công chúng, trong đó nhiều sản phẩm có giá trị cao, tạo được tiếng vang trong nước và quốc tế. Nhiều di sản văn hóa được khai thác có hiệu quả… Giai đoạn 2018-2022, số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong ngành CNVH tăng khá cao ở mức 7,2%/năm (hiện có trên 70.000 cơ sở kinh tế). Lực lượng lao động thuộc các ngành CNVH tăng khá nhanh ở mức 7,4%/năm (hiện chiếm 4,42% tổng lực lượng lao động của toàn nền kinh tế).
Bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển các ngành CNVH vẫn còn nhiều bất cập như: Chưa có một văn bản pháp luật (luật, nghị định) quy định thực hiện nội dung quản lý nhà nước về CNVH; thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn để hỗ trợ, thúc đẩy các ngành CNVH phát triển toàn diện… Tất cả những vấn đề này đang đặt ra thách thức trong thực hiện mục tiêu gia tăng giá trị của các ngành CNVH, đạt mức đóng góp 7% GDP theo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã đề ra.
Theo Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn, trên cơ sở nhận diện những rào cản, vướng mắc, các ngành chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo cơ sở pháp lý, khơi thông nguồn lực thúc đẩy CNVH phát triển trong thời kỳ hội nhập như: Chính sách ưu đãi về vốn, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp…
Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan, trong đó có chính sách ưu đãi đầu tư, hợp tác công - tư, thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào các ngành CNVH. Các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi (trước mắt khoảng 20.000-30.000 tỷ đồng) cho ngành CNVH.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Sớm có chính sách ưu đãi về thuế cho đơn vị văn hóa
Cùng với việc nâng cao nhận thức về phát triển, khơi thông nguồn lực về cơ chế, chính sách cho phát triển CNVH, một trong những yêu cầu bức thiết được các đơn vị văn hóa mong mỏi, đó là cần có chính sách ưu đãi về thuế. Đây cũng là ý kiến được nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, chuyên gia đề cập tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành CNVH Việt Nam diễn ra mới đây.
Đại diện Công ty BHD - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điện ảnh - cho biết, hiện tại, tổng quan thị trường điện ảnh, các hệ thống rạp có phim Việt chiếm khoảng 30% thị phần và đang phấn đấu lọt vào top 10 nước có doanh thu phòng vé lớn nhất thế giới. Để đạt được mục tiêu này, các ngành chức năng cần sớm khơi thông nguồn vốn vay cho doanh nghiệp. Đối với hoạt động kinh doanh điện ảnh ở khu vực vùng sâu, vùng xa, cần miễn tiền thuê đất, giảm tiền thuê đất, giảm tiền thuế cho doanh nghiệp...
Chung ý kiến, đại diện Tập đoàn Sun Group hoạt động trong lĩnh vực du lịch cho biết, các dự án về du lịch, văn hóa là những dự án đòi hỏi các nhà đầu tư quan tâm chấp nhận việc đầu tư tài chính dài hạn, với thời gian thu hồi vốn chậm. Do đó, cần có cơ chế, chính sách cụ thể nhằm thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này, ví dụ: Về cơ chế ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, cơ chế khuyến khích đối với các nhà đầu tư tham gia đầu tư lĩnh vực du lịch, văn hóa và hạ tầng kết nối.
Khẳng định không gian sáng tạo là yếu tố gắn chặt với CNVH, bà Trương Uyên Ly - chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa đương đại - cho biết, hiện nay, các không gian sáng tạo đang phải thực hiện các nghĩa vụ thuế giống các doanh nghiệp khác, trong khi nhiều không gian sáng tạo hoạt động theo mô hình kinh doanh phi lợi nhuận. Do đó, chuyên gia này kiến nghị cần miễn thuế thu nhập cho doanh nghiệp lĩnh vực văn hóa trong 3 năm đầu tiên và miễn giảm thuế thu nhập đối với các dự án công - tư lĩnh vực văn hóa...
PGS,TS. Đỗ Thị Thanh Thủy (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) cho biết, hầu hết các quốc gia châu Âu đã áp dụng thuế suất đặc biệt cho các tổ chức văn hóa; thực hiện khấu trừ thuế VAT đối với một số văn hóa phẩm... Từ kinh nghiệm quốc tế, Bộ VHTTDL đang nghiên cứu để đề xuất những cơ chế huy động đa dạng nguồn lực cho phát triển CNVH như ưu đãi thuế, áp dụng thí điểm mô hình hợp tác công - tư trong các ngành CNVH ở một số địa phương như: Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh... “Hy vọng trong thời gian không xa, các chính sách này sớm đến với đơn vị văn hóa, không chỉ trong phạm vi thí điểm mà cần rộng rãi trên cả nước” - bà Thủy cho biết.
Khẳng định các chính sách thuế dành cho phát triển CNVH đã có, song chưa đạt được mức mong muốn của các ngành CNVH, đại diện Bộ Tài chính ghi nhận các ý kiến phản ánh, đồng thời khẳng định sẽ tiếp thu, nghiên cứu và sửa các quy định pháp luật thuế liên quan đến lĩnh vực CNVH, tạo điều kiện cho các ngành CNVH phát triển./.