Khơi thông, phát triển thị trường mua bán nợ xấu

(BKTO) - Thị trường mua bán nợ xấu bước đầu đã được tạo lập với sự ra đời của Sàn giao dịch nợ thuộc Công ty Quản lý tài sản (VAMC) vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, thị trường này vẫn còn sơ khai, chưa thu hút được nhiều chủ thể tham gia. Do vậy, việc hoàn thiện hành lang pháp lý và bổ sung nhiều điều kiện khác sẽ giúp thị trường mua bán nợ xấu được khơi thông, phát triển mạnh mẽ hơn.

11.jpg
Cần có Nghị định về thị trường mua bán nợ. Ảnh sưu tầm

Thị trường mua bán nợ đã được tạo lập nhưng còn sơ khai

Ông Vũ Ngọc Minh - Giám đốc Sàn giao dịch nợ VAMC - cho biết, tháng 10/2021, VAMC thành lập Sàn giao dịch nợ với nhiệm vụ tư vấn, môi giới mua bán các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTC) tại Việt Nam. Sau một năm hoạt động, Sàn giao dịch nợ đã bước đầu tạo lập cơ sở dữ liệu trên cơ sở ký các hợp đồng nguyên tắc với các TCTD; đăng tải gần 32.000 tỷ đồng, bao gồm các khoản nợ chào bán và các tài sản chào bán trên website, qua đó gần 1.000 tỷ đồng đã được xử lý.

Con số trên chưa phải là lớn nhưng đã bước đầu tạo lập một địa điểm mua bán nợ tập trung - một mô hình chưa từng có tiền lệ trong hoạt động xử lý nợ của Việt Nam. Tuy vậy, theo đánh giá của đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), VAMC cũng như nhiều chuyên gia, thị trường mua bán nợ về cơ bản vẫn còn khá sơ khai, các chủ thể tham gia chỉ có VAMC, AMC (Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản ngân hàng thương mại) và các TCTD. Trong khi đó, một thị trường mua bán nợ phát triển cần sự tham gia của các chủ thể khác như: Tổ chức xếp hạng tín nhiệm, tổ chức định giá, tổ chức môi giới. Chưa kể, nếu thực hiện chứng khoán hóa nợ xấu thì số lượng chủ thể còn phải nhiều hơn, đa dạng hơn.

Bên cạnh đó, quy mô thị trường còn khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực. Hàng hóa giao dịch trên thị trường mua bán nợ chưa đa dạng và mới chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong số các khoản nợ xấu cần xử lý. Chưa kể, kỹ thuật phương pháp định giá còn thiếu tính thị trường; hạ tầng công nghệ thông tin còn nhiều bất cập, chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các chủ thể tham gia vào thị trường.

Theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính, ngân hàng, thách thức với thị trường mua bán nợ tại Việt Nam là chưa có hành lang pháp lý cho hoạt động mua bán nợ của những chủ thể không phải là VAMC, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) hay các TCTD chưa có nhà đầu tư tư nhân, nhất là nước ngoài.

Ông Nguyễn Tiến Đông - Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC - cũng cho rằng, khuôn khổ pháp lý, quy định về luật và hệ thống văn bản dưới luật cho việc phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam hiện chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ. Trong đó, khó khăn lớn nhất là định hình thị trường mua bán nợ thông qua chứng khoán hóa khoản nợ, bởi định giá khoản nợ hiện nay chưa có các quy định hướng dẫn.

Cần hành lang pháp lý đồng bộ

Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu “nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD dưới 3% vào năm 2025”. Cùng với đó, diễn biến khó lường của kinh tế thế giới, tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và những bất ổn về chính trị, xung đột vũ trang ở một số khu vực trên thế giới đã làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp, làm suy giảm khả năng trả nợ của khách hàng vay, dẫn tới nợ xấu của các TCTD có nguy cơ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Chính vì vậy, việc thúc đẩy sự phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam sẽ hỗ trợ rất lớn cho hoạt động xử lý nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng.

Để phát triển thị trường mua bán nợ đúng nghĩa, theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN Phạm Thanh Ngọc, cần một văn bản có tầm lớn hơn, mang tính chất vĩ mô hơn, ví dụ như chiến lược quốc gia. Từ đó, các cơ quan mới có thể xác định rõ mục tiêu, các bước và thời gian hoàn thiện thị trường mua bán nợ. Ông Andrew Godwin - chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) - cũng đồng tình cho rằng Chính phủ nên xem xét xây dựng một chiến lược quốc gia để phát triển thị trường mua bán nợ.

Cũng từ góc độ pháp luật, TS. Cấn Văn Lực đề xuất, yêu cầu trước mắt là cần có Nghị định về thị trường mua bán nợ. Về lâu dài, các quy định liên quan đến mua bán nợ có thể được luật hóa, trong đó bổ sung các chủ thể tham gia thị trường như nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, mở rộng phương thức mua bán nợ, cho phép chứng khoán hóa khoản nợ. Đặc biệt, cần Luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD trên cơ sở tiếp thu, chỉnh sửa những vướng mắc từ thực tiễn triển khai.

Ông Johannes Raschke - chuyên gia Công ty Tài chính quốc tế - khuyến nghị, khung pháp lý về mua bán nợ xấu cần được hoàn thiện để giúp nhà đầu tư có khả năng xác định rõ ràng dòng tiền trong các kịch bản xử lý nợ và trong thẩm định tình trạng pháp lý của tài sản. Ngoài ra, theo ông Johannes Raschke, việc thiết lập các nền tảng giao dịch dễ sử dụng có thể thu hút thêm các nhà đầu tư trong quá trình mua bán tài sản, người bán cũng được thuận lợi về giá cả hơn.

Xây dựng nền tảng hạ tầng công nghệ nhằm kết nối giữa người mua và người bán, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, minh bạch cũng là 1 trong 3 điều kiện phát triển thị trường mua bán nợ được Phó Tổng Giám đốc VAMC Đỗ Giang Nam chỉ ra. Cùng với đó, theo ông Nam, để phát triển thị trường mua bán nợ xấu hoàn chỉnh, phải có cơ chế thu hút rộng rãi các chủ thể tham gia và cần tổ chức giàu kinh nghiệm, đủ tiềm lực tài chính, có khả năng kết nối để dẫn dắt thị trường./.

Đến hết quý III/2022, tổng nợ xấu nội bảng của 27 ngân hàng được khảo sát tăng 28,4% so với đầu năm, lên mức gần 129.800 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh tới 62,5% so với đầu năm, lên gần 72.400 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng nợ xấu ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tăng từ 1,87% lên 2,36%, trong đó, 15/27 thành viên ghi nhận tỷ lệ nợ xấu gia tăng.

Cùng chuyên mục
Khơi thông, phát triển thị trường mua bán nợ xấu