Không để vi phạm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm, sai phạm lớn

(BKTO) - Nghị quyết Trung ương 4, khóa XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Chủ động phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực”. Và “Chú trọng công tác tự kiểm tra, tự giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, kịp thời phát hiện từ nội bộ để chấn chỉnh ngay những vi phạm từ khi mới phát sinh, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm, sai phạm lớn”.

2-.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Ảnh: TTXVN

Quy định chặt chẽ, hướng dẫn, triển khai kịp thời, tích cực

Để có thể ngăn chặn, xử lý, sửa chữa khuyết điểm nhỏ ngay từ sớm, không để khuyết điểm nhỏ đó dẫn đến những sai phạm, khuyết điểm lớn, đòi hỏi phải có các giải pháp tích cực, đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, trước hết cần phải có những quy định, quy chế kịp thời, chặt chẽ, phù hợp, khả thi, hiệu quả trong mọi lĩnh vực của công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng. Đồng thời, các quy chế, quy định đó cần phải được tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cách làm, phương pháp tổ chức thực hiện theo đúng quy định đến các tổ chức đảng và đảng viên của Đảng. Chỉ có trên cơ sở nắm được nội dung các quy chế, quy định của Đảng thì các tổ chức đảng và đảng viên mới có thể có cơ sở để triển khai thực hiện hiệu quả. Ngày 13/7/2023 vừa qua, Bộ Chính trị đã có Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Tại Điều 9 có quy định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan tham mưu, cụ thể ở điểm 3: “Kịp thời phát hiện, báo cáo bằng văn bản với cấp có thẩm quyền những dấu hiệu tiêu cực, sai phạm trong công tác cán bộ ở địa bàn, lĩnh vực được phân công theo dõi và kiến nghị việc xử lý”. Đồng thời, Quy định này cũng xác định rõ: “Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, nghiên cứu, phổ biến, quán triệt và tuyên truyền thực hiện Quy định này”. Và “Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư”.

Thực tế công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng vừa qua cho thấy, các quy định của Đảng dù chặt chẽ, phù hợp đến đâu, nhưng nếu không được kịp thời hướng dẫn, phân công, triển khai đồng bộ, tích cực, có đôn đốc, kiểm tra, giám sát… chặt chẽ thì khó có thể đạt kết quả tốt.

Cán bộ, đảng viên gương mẫu, nhân dân tích cực giám sát

Để phòng tránh có hiệu quả, ngăn chặn sớm, dứt điểm những vi phạm của cán bộ, đảng viên thì đòi hỏi rất cao ý thức tự giác, tính gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Họ phải là những người tiên phong đồng thời làm gương để gia đình, người thân, cán bộ nhân viên trong cơ quan, đơn vị học tập, noi theo.

Đảng đã có các quy định rất chặt chẽ để cán bộ, đảng viên phải thực hiện. Ví dụ trong Quy định hiện hành về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, thì: “Cán bộ, đảng viên, đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân có trách nhiệm phát hiện và lắng nghe ý kiến của Nhân dân để phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”.

Theo quy định hiện hành của Đảng thì cán bộ, đảng viên bị cấm không được làm những việc vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, như: Bị cấm không được không báo cáo, không xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; hay bị cấm không được can thiệp, tác động hoặc để vợ (chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng) và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để trục lợi. Làm tốt những quy định trên sẽ giúp cho cán bộ, đảng viên tránh được sai phạm, thật sự trở thành những tấm gương tốt trong Đảng, trong xã hội.

Đơn cử như những năm gần đây, Quy định về những điều đảng viên không được làm đã được phổ biến rất sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng, thiết thực giúp cho việc thực hiện có nhiều tiến bộ, trong đó đáng chú ý là đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu. Cụ thể, Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm, tại Điều 11 quy định rất rõ về trách nhiệm của cán bộ: Điều 11. Vi phạm đạo đức công vụ, bao che, báo cáo sai sự thật khi thực hiện nhiệm vụ; thiếu trách nhiệm để cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân do mình trực tiếp quản lý xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các vi phạm khác.

Sự giám sát của nhân dân luôn có ý nghĩa quan trọng cần được quan tâm, chú ý. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ rõ: “Lãnh đạo, chỉ đạo phát huy mạnh hơn nữa vai trò của các cơ quan, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Trong đó có biện pháp: “Tăng cường các phiên chất vấn, giải trình về việc phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực; chú trọng giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý và đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị”; đồng thời “tạo thuận lợi để nhân dân trực tiếp phản ánh, tố giác tham nhũng, tiêu cực, góp ý với cấp ủy về công tác cán bộ”.

Kiên quyết, kiên trì xử lý từ sớm, từ xa

Một yêu cầu quan trọng đặt ra là cần sớm phát hiện, xử lý dứt điểm các vi phạm từ sớm và sửa chữa để khắc phục, tiến bộ. Điều này đòi hỏi sự tự giác, chủ động phát hiện vi phạm trong nội bộ. Thời gian qua, đây là một hạn chế cần kịp thời khắc phục. Có rất ít các vi phạm được phát hiện trong nội bộ, hay qua tự phê bình và phê bình; mà chủ yếu qua phát hiện của nhân dân, báo chí hay kiểm tra, thanh tra của cấp trên và cơ quan chức năng. Ngày 19/6/2023, phát biểu kết luận tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ một trong những mục tiêu, giải pháp quan trọng cần thực hiện là: “Tập trung chỉ đạo, phát hiện, xử lý kịp thời, dứt điểm những khâu yếu, việc khó, điểm nghẽn; những vấn đề cấp bách, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm; tạo chuyển biến tích cực hơn nữa trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở”. Trong đó, Tổng Bí thư yêu cầu trước hết: “Cần tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về tham nhũng, tiêu cực để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm từ sớm, từ xa không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn”.

Từ kinh nghiệm thực tế cho thấy phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa kỷ luật về Đảng, chính quyền và pháp luật để thực hiện nghiêm minh, đúng người, đúng tội, công khai, minh bạch các sai phạm, vi phạm. Chúng ta cần kiên quyết, kiên trì thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Khi phát hiện thấy sai phạm thì phải xử lý kiên quyết, nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, và không chịu sự tác động không trong sáng của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”./.

Cùng chuyên mục
Không để vi phạm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm, sai phạm lớn