Kiểm toán điều tra hữu ích cho công tác phòng, chống tham nhũng

(BKTO) - Song song với việc cập nhật các hướng dẫn, chuẩn mực kiểm toán của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) đối với lĩnh vực kiểm toán điều tra (như Báo Kiểm toán số 17+18, phát hành ngày 27/4/2023 đã đề cập), Kiểm toán nhà nước (KTNN) còn tích cực học hỏi kinh nghiệm của các nước đang thực hiện tốt hoạt động kiểm toán điều tra để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm quý.

trang-10.jpg
KTNN tích cực học hỏi kinh nghiệm của các nước đang thực hiện tốt hoạt động kiểm toán điều tra. Ảnh minh họa

Kết hợp Hướng dẫn của INTOSAI với thực tiễn quốc tế

Trao đổi với các đơn vị kiểm toán của Ngành, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, KTNN cần thiết phải học hỏi, nghiên cứu kỹ những kinh nghiệm quốc tế để phát triển các lĩnh vực kiểm toán mới nhằm đáp ứng yêu cầu của hội nhập và đòi hỏi của thực tiễn, trong đó có lĩnh vực kiểm toán điều tra.

Dành nhiều thời gian và tâm huyết nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, TS. Lê Hoài Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Trưởng nhóm công tác về kiểm toán lĩnh vực mới của KTNN - đánh giá, KTNN Indonesia là một minh chứng tiêu biểu với đặc trưng đẩy mạnh phát triển lĩnh vực kiểm toán điều tra và sử dụng kiểm toán điều tra như một công cụ quan trọng trong phòng, chống tham nhũng.

Theo chia sẻ của KTNN Indonesia, cơ quan này chia ra 2 hoạt động kiểm toán rõ ràng. Một là, các hoạt động kiểm toán truyền thống (gồm: Kiểm toán tuân thủ, kiểm toán tài chính, kiểm toán chuyên đề) và gọi đó là các cuộc kiểm toán không có điều tra.

Đối với các cuộc kiểm toán này, KTNN Indonesia thực hiện theo các quy định, tiêu chuẩn, quy trình kiểm toán và các chuẩn mực kiểm toán của INTOSAI, trong đó có vận dụng Hướng dẫn về kiểm toán phòng, chống tham nhũng (Hướng dẫn số 5270).

Hai là, tổ chức thực hiện hoạt động kiểm toán điều tra thông qua việc thành lập Cục Kiểm toán điều tra từ tháng 11/2016 dựa trên Điều 13 Luật KTNN Indonesia, trong đó quy định KTNN Indonesia có thể tiến hành một cuộc kiểm toán điều tra để phát hiện các dấu hiệu hành vi phạm tội, gây thất thoát tài sản nhà nước.

Nhóm công tác về kiểm toán lĩnh vực mới của KTNN cho biết, các cuộc kiểm toán điều tra được KTNN Indonesia thực hiện trên 4 cơ sở, gồm: Yêu cầu của Hạ viện và các hội đồng khu vực; kết quả từ báo cáo kiểm toán nội bộ; các hoạt động kiểm toán không có điều tra và các khiếu nại công khai.

Kết quả kiểm toán điều tra được gửi đến các cơ quan phòng, chống tham nhũng chuyên trách để thực hiện các thủ tục điều tra, truy tố và xét xử. Ngoài ra, thông qua chức năng xác định tổn thất tài sản nhà nước, KTNN Indonesia sẽ cung cấp các kết quả xác định với tư cách là chuyên gia về tổn thất của nhà nước tại các phiên tòa.

Học hỏi những sáng kiến của KTNN Indonesia

Để tăng cường kiểm toán điều tra, KTNN Indonesia thực hiện 4 nhóm sáng kiến cụ thể - TS. Lê Hoài Nam chia sẻ. Nhóm sáng kiến thứ nhất là nâng cao năng lực kiểm toán điều tra, được thực hiện bằng cách tăng số lượng kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề; đẩy mạnh kê khai tài sản và đánh giá kê khai tài sản.

Đồng thời phát triển phòng thí nghiệm về điều tra kỹ thuật số, điều tra máy tính, điện thoại di động và điện toán đám mây để hỗ trợ tìm kiếm bằng chứng kiểm toán.

Cùng với đó là tăng cường phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi, giám sát các cuộc kiểm toán điều tra, các công việc xác định thiệt hại tài sản nhà nước, thu thập ý kiến chuyên gia…

Nhóm sáng kiến thứ hai là thành lập đội đặc nhiệm kiểm toán điều tra để thực hiện việc xác định thiệt hại tài sản nhà nước và cung cấp ý kiến chuyên gia trong quy trình kiện tụng.

Nhóm sáng kiến thứ ba là tăng cường năng lực phòng, chống tham nhũng cho toàn Ngành thông qua việc hợp tác chặt chẽ giữa Cục Kiểm toán điều tra với các đơn vị trong Ngành để nâng cao nhận thức của kiểm toán viên khi thực hiện các cuộc kiểm toán không có điều tra.

Nhóm sáng kiến thứ tư là tổ chức kiểm toán hoạt động về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, cụ thể là kiểm toán Ủy ban Xóa bỏ tham nhũng, Bộ Nội vụ và chính quyền 24 khu vực để đánh giá kết quả của Chính phủ trong việc thực thi pháp luật và Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng.

Ngoài ra, thông qua chức năng xác định tổn thất tài sản nhà nước, KTNN Indonesia sẽ cung cấp những kết quả với tư cách là một chuyên gia về tổn thất tài sản nhà nước tại các phiên tòa.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, các kiểm toán viên có thể thực hiện chức năng xác định tổn thất của nhà nước trong các vụ việc, vụ án hoặc các vấn đề có liên quan đến quản lý tài chính công, tài sản công.

Đúc rút ra 5 bài học kinh nghiệm quý

Qua học hỏi, tham khảo từ thực tiễn, Nhóm công tác về kiểm toán lĩnh vực mới của KTNN đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm từ INTOSAI và KTNN Indonesia.

Thứ nhất, kiểm toán điều tra là một lĩnh vực kiểm toán mới được một số cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trên thế giới tiến hành thực hiện, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn chung của INTOSAI về lĩnh vực này.

Thứ hai, việc thực hiện kiểm toán điều tra nói riêng, việc xử lý phát hiện, gian lận, vi phạm pháp luật nói chung được thực hiện phụ thuộc nhiều vào thể chế của mỗi quốc gia, đặc biệt là việc quy định chức năng, nhiệm vụ của mỗi SAI.

Thứ ba, các hoạt động kiểm toán truyền thống không được thiết kế để phát hiện các hành vi gian lận, song trong quá trình kiểm toán, kiểm toán viên cần quan tâm đến rủi ro, sai phạm trọng yếu do gian lận… để đảm bảo thực hiện các phương pháp phù hợp, nếu phát hiện gian lận cần trao đổi với đơn vị được kiểm toán và báo cáo cấp có thẩm quyền, chuyển cơ quan có chức năng xử lý.

Thứ tư, việc tiến hành kiểm toán điều tra đòi hỏi kiến thức, nguồn lực và phương pháp phù hợp như: Điều tra hỗ trợ tìm kiếm bằng chứng, thu thập chứng cứ điện tử, điều tra di động…, nhưng INTOSAI khuyến nghị kiểm toán viên nên tránh rủi ro pháp lý thông qua việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền để cung cấp thông tin về dấu hiệu vi phạm, gian lận trong trường hợp không thể tiến hành các bước điều tra đầy đủ.

Thứ năm, kinh nghiệm của KTNN Indonesia cho thấy, kiểm toán điều tra có thể coi là một bước làm sâu hơn các kết quả kiểm toán thông thường bằng các phương pháp và thẩm quyền điều tra. Song KTNN Indonesia vẫn phối hợp chặt chẽ với Cơ quan phòng, chống tham nhũng để thực hiện các thủ tục điều tra, tố tụng và cung cấp bằng chứng kiểm toán trước tòa.

Đánh giá cao những kết quả học hỏi, nghiên cứu bước đầu của Nhóm công tác về kiểm toán lĩnh vực mới của KTNN, lãnh đạo KTNN yêu cầu Nhóm công tác tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều kinh nghiệm quốc tế và có những đề xuất, kiến nghị, giải pháp để phát triển lĩnh vực kiểm toán điều tra.

Theo đó, một mặt, Nhóm công tác cần nghiên cứu sâu hơn về lĩnh vực kiểm toán điều tra, mặt khác, cần tăng cường trách nhiệm, năng lực của các thành viên để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong việc phổ biến, chia sẻ kiến thức, tiến tới áp dụng kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực kiểm toán điều tra vào thực tiễn của Ngành, nhằm tăng cường năng lực cho KTNN./.

Thông qua kết quả kiểm toán điều tra và xác định tổn thất tài sản nhà nước, từ năm 2016 đến nay, KTNN Indonesia đã phát hiện 336 trường hợp có dấu hiệu tham nhũng, xác định thiệt hại cho nhà nước là 57.530 tỷ Rupi, tương đương 3,8 tỷ USD; cung cấp lời khai về 336 trường hợp trong các phiên xét xử liên quan đến tham nhũng.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán điều tra hữu ích cho công tác phòng, chống tham nhũng