Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Quản lý nhà đất, tài sản thiếu chặt chẽ

(BKTO) - Qua kiểm toán, đánh giá công tác quản lý, sử dụng tài sản năm 2021 của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Kiểm toán nhà nước (KTNN) phát hiện tình trạng nhiều diện tích nhà, đất chưa được theo dõi đầy đủ, kịp thời, còn tình trạng bị lấn chiếm; việc quản lý, hạch toán tài sản cũng chưa đầy đủ theo quy định.

quan-ly-tai-chinh_20211105174818.jpg
KTNN phát hiện nhiều diện tích nhà, đất chưa được Tổng LĐLĐ Việt Nam theo dõi đầy đủ, kịp thời. Ảnh: TL

Nhà, đất chưa được theo dõi đầy đủ

Theo báo cáo, đến ngày 31/8/2021, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang quản lý và sử dụng 598 cơ sở nhà đất (tăng lên 93 cơ sở sau khi Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức rà soát, kiểm tra hiện trạng năm 2021). Trong đó, có 408 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chiếm 68%; còn 190 cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận. Tổng diện tích đất quản lý và sử dụng là hơn 3.508.857m2.

Qua kiểm toán cho thấy, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sử dụng, sắp xếp lại, xử lý theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg đối với 111/598 cơ sở nhà, đất (tương đương 19%), trong đó có 62 cơ sở nhà đất đã phê duyệt, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng không đề xuất phương án sắp xếp lại. Tổng số cơ sở nhà, đất phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP là 536 cơ sở, chiếm 89,7%.

Đến thời điểm kiểm toán (tháng 10/2022), Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thành lập 3 Tổ công tác, phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố lập biên bản kiểm tra hiện trạng cơ sở nhà, đất tại 43/63 tỉnh, thành phố; đã ký biên bản kiểm tra hiện trạng 412 cơ sở nhà, đất và đang tiếp tục thực hiện đối với số còn lại. Tuy nhiên, còn có sự chênh lệch so với báo cáo, thống kê diện tích nhà, đất, dẫn đến một số cơ sở nhà, đất hiện đang quản lý hoặc cho thuê, liên doanh, liên kết nhưng không được theo dõi đầy đủ, kịp thời.

Bên cạnh đó, một số đơn vị sử dụng tài sản nhà, đất để liên doanh, liên kết, hợp tác góp vốn kinh doanh và cho thuê, nhà dân lấn chiếm và phân nhà ở cho cán bộ. Qua kiểm toán chi tiết cho thấy, một số đơn vị ký hợp đồng cho thuê, giao khoán cho cá nhân ngoài đơn vị, liên doanh, liên kết chưa phù hợp với chức năng của đơn vị; chưa xây dựng phương án sử dụng tài sản nhà, đất liên kết, hợp tác kinh doanh, cho thuê để trình Tổng LĐLĐ Việt Nam phê duyệt và tổ chức đấu giá theo quy định; chưa nộp tiền thuê đất tương ứng với phần cho thuê; đồng thời, chưa chấm dứt hợp đồng cho thuê theo kiến nghị của KTNN và Bộ Tài chính.

KTNN cũng chỉ ra tình trạng các hộ dân lấn chiếm đất, song chưa có biện pháp thu hồi; giao quản lý tài sản cho đơn vị trực thuộc chưa phù hợp với chức năng của đơn vị; Ban Tài chính và một số đơn vị chưa theo dõi đầy đủ diện tích nhà, đất, chưa xác định được giá trị quyền sử dụng đất để hạch toán vào báo cáo tài chính của đơn vị.

Từ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam quản lý, sử dụng các cơ sở nhà đất theo đúng quy định pháp luật; tiếp tục tự rà soát, phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương kiểm tra hiện trạng để theo dõi, hạch toán đầy đủ các cơ sở nhà, đất hiện đang quản lý, sử dụng của các đơn vị trực thuộc. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị xây dựng phương án sử dụng tài sản nhà, đất liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh, cho thuê trình Tổng LĐLĐ phê duyệt, tổ chức đấu giá theo quy định; có biện pháp giải quyết cơ sở nhà, đất bị lấn chiếm; xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý đối với cơ sở nhà, đất còn lại.

Chưa theo dõi, quản lý và công khai tài sản theo quy định

Trong công tác quản lý tài sản, kết quả kiểm toán xác nhận, tại thời điểm ngày 31/12/2021, tổng nguyên giá tài sản của 98 đơn vị trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam là 8.344,5 tỷ đồng và của 55 doanh nghiệp là 1.436,5 tỷ đồng, giá trị hao mòn lũy kế 782,8 tỷ đồng.

Qua kiểm toán cho thấy, Tổng LĐLĐ Việt Nam chưa lập, theo dõi, báo cáo công khai đầy đủ và chưa theo dõi, quản lý tài sản năm 2021 của các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở thuộc tài sản của tổ chức công đoàn theo quy định. Đối với tài sản của 55 doanh nghiệp, ngoài giá trị hao mòn lũy kế, giá trị còn lại 653,6 tỷ đồng nhưng chưa phân loại Quỹ trích khấu hao phân bổ vào chi phí và giá trị hao mòn.

Ngoài ra, Tổng LĐLĐ Việt Nam và các đơn vị trực thuộc chưa báo cáo kê khai và cập nhật thông tin kê khai vào cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công theo quy định; chưa hạch toán ghi tăng giá trị tài sản kịp thời. Điển hình như, theo Báo cáo tài chính, số dư Tài khoản 241 (xây dựng cơ bản dở dang) số tiền 709,2 tỷ đồng đã hoàn thành quyết toán và bàn giao đưa vào sử dụng 3 dự án với số tiền gần 180 tỷ đồng nhưng chưa hạch toán tăng tài sản cố định. Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh Đắk Lắk chưa rà soát, sắp xếp lại máy móc thiết bị và tài sản công khác hiện có để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định nếu dôi dư.

Đối với quản lý, sử dụng xe ô tô, KTNN chỉ rõ, so với tiêu chuẩn định mức sử dụng, xe ô tô của công đoàn các cấp còn dôi dư 152 xe. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã gửi Bộ Tài chính phương án điều chuyển 4 xe, thanh lý 28 xe, phục vụ kinh doanh không tính theo định mức 12 xe, đề xuất bổ sung cho các tỉnh miền núi, cơ sở hành chính sự nghiệp 41 xe, còn dôi dư 92 xe. KTNN kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục rà soát, có phương án sắp xếp lại số xe ô tô còn dôi dư./.

Cùng chuyên mục
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Quản lý nhà đất, tài sản thiếu chặt chẽ