Kiểm toán Dự án Nhiệt điện Mông Dương 1: Kỳ II - Bất cập trong lập, phê duyệt Dự án và thu xếp vốn đầu tư

(BKTO) - Mặc dù việc đầu tư Dự án Nhiệt điện Mông Dương 1 đã cho thấy những hiệu quả nhất định về kinh tế - xã hội song theo kết quả kiểm toán của KTNN, quá trình triển khai đầu tư Dự án có một số bất cập, hạn chế đáng chú ý, chẳng hạn như việc xác định tổng mức đầu tư thiếu chính xác dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần; nguồn vốn đầu tư Dự án chủ yếu là vốn vay, không đảm bảo cơ cấu nguồn vốn theo quy định.



Ba lần điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án

Kết quả kiểm toán cho thấy, tổng mức đầu tư Dự án lần đầu được lập, thẩm định, phê duyệt theo Quyết định số 190/QĐ-HĐQT ngày 28/02/2007 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với giá trị 17.592,9 tỷ đồng (tương đương 1,099 tỷ USD) trên cơ sở khối lượng, công suất, quy mô đầu tư xác định từ hồ sơ thiết kế cơ sở và đơn giá vật tư, vật liệu, thiết bị tại thời điểm còn chưa phù hợp, thiếu chính xác, dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần (điều chỉnh tới lần thứ 3) lên 37.403,7 tỷ đồng (tương đương 1,769 tỷ USD).

Theo phân tích của KTNN, việc tăng tổng mức đầu tư Dự án chủ yếu do một số nguyên nhân khách quan như: do điều chỉnh quy mô đầu tư; thay đổi định mức lương tối thiểu chung; thay đổi chính sách Thuế Giá trị gia tăng (VAT) đối với vật tư, thiết bị nhập khẩu; thay đổi chính sách đền bù và đơn giá đền bù nhà đất; thay đổi một số chính sách, chế độ trong quản lý đầu tư xây dựng…Việc tăng chi phí do những nguyên nhân trên vượt quá khả năng cân đối nguồn vốn theo tổng mức đầu tư ban đầu dẫn đến phải bổ sung nguồn bằng cách vay ngân hàng thương mại với lãi suất cao hơn, làm tăng chi phí đi vay lên 1.384,9 tỷ đồng.

Lắp đặt thiết bị tại Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1. Ảnh: Tư liệu

Ngoài những nguyên nhân nêu trên, việc tăng chi phí đầu tư cũng làm tăng chi phí dự phòng theo tỷ lệ quy định với giá trị tăng là 1.440,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỷ giá chuyển đổi ngoại tệ thay đổi so với thời điểm lập tổng mức đầu tư ban đầu tăng 131,39% cũng là một trong những nguyên nhân lớn làm tăng tổng mức đầu tư.

Đặc biệt, kết quả kiểm toán cũng chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan dẫn đến chưa xác định đầy đủ các nội dung chi phí đầu tư và giá trị chi phí tương ứng để triển khai thực hiện Dự án, điều này cũng góp phần làm tăng tổng mức đầu tư. Báo cáo kiểm toán nêu rõ: Giá trị thiết bị, vật tư tham khảo một số nhà máy nhiệt điện khác ở phía Bắc như: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Phả lại 2, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh 1… tại thời điểm lập tổng mức đầu tư mới chỉ đạt 44,15% so với giá trị tương ứng của Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (Hợp đồng EPC) của Dự án (518,1 triệu USD/1,173 tỷ USD).

Cùng với đó, các chi phí khác bao gồm cả công tác đền bù giải phóng mặt bằng, trả lãi vay và chi phí quản lý Dự án… còn bị lập thiếu so với quy định, chỉ đạt 0,11% so với nhu cầu theo Quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư lần 3 (143,4 nghìn USD/130,3 triệu USD).

Dù đã điều chỉnh tổng mức đầu tư đến lần thứ 3 song kết quả kiểm toán cho thấy, quá trình điều chỉnh tổng mức đầu tư chưa kịp thời cập nhật và điều chỉnh khoản vay, chi phí đi vay với giá trị 249,1 tỷ đồng và gói thầu “Cải tạo nâng cấp nhà làm việc cho tư vấn và Ban Quản lý Dự án” với giá trị 4,3 tỷ đồng. Vì vậy, KTNN đã kiến nghị Tổng Công ty Phát điện 3 (chủ đầu tư Dự án) trình EVN thẩm định, phê duyệt bổ sung vào tổng mức đầu tư các khoản chi phí trên.

Không đảm bảo cơ cấu vốn đầu tư

Theo Báo cáo kiểm toán, Dự án Nhiệt điện Mông Dương 1 thuộc Chương trình vay vốn thông thường (OCR) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục các dự án do ADB tài trợ giai đoạn 2007-2009.

Năm 2017, EVN ban hành Quyết định số 190/QĐ-EVN-HĐQT phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 với tổng mức đầu tư là 17.592,9 tỷ đồng (tương đương 1,099 tỷ USD). Trong đó, cơ cấu vốn đầu tư được phê duyệt là 85% vốn vay ADB và 15% vốn đối ứng của EVN. Nguồn vốn vay ADB được thu xếp đầy đủ tại các Hiệp định vay vốn đã ký với ADB. Đến 15/11/2010, EVN có Quyết định số 755/QĐ-EVN ngày 15/11/2010 của EVN về việc phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư lần 2 là 32.739 tỷ đồng (tương đương 1,729 tỷ USD). Cơ cấu vốn đầu tư được duyệt bao gồm 87,27% (vốn ADB, vay thương mại còn thiếu gói 2 và gói EPC) và 12,73% vốn chủ sở hữu.

Tiếp đó, Quyết định số 210/QĐ-EVN ngày 06/11/2015 của EVN phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 3 là 37.403,7 tỷ đồng (tương đương 1,769 tỷ USD). Cơ cấu vốn đầu tư được duyệt bao gồm 81,39% (vốn vay ADB và vốn vay của Ngân hàng Korea Eximbank) và 17,69% vốn chủ sở hữu.

Kết quả kiểm toán cho thấy, trong công tác thu xếp, bố trí vốn, việc bố trí vốn chưa đúng cơ cấu (tỷ lệ) theo Quyết định phê duyệt Dự án. Theo đó, vốn vay nước ngoài là 89,9%, vượt quy định 8,51%; vốn đối ứng của EVN chỉ chiếm 7%, thấp hơn quy định 10,69%. Điều này dẫn đến làm phát sinh các khoản vay, chi phí đi vay ngoài cơ cấu được duyệt theo tổng mức đầu tư với trị giá là 249,1 tỷ đồng, trong đó, phần chi phí đi vay thuộc vốn chủ sở hữu là 218,6 tỷ đồng.

Kết quả kiểm toán cũng nêu rõ: Dự án không đáp ứng các điều kiện để được bảo lãnh theo quy định của Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12 do không bố trí đủ 20% vốn đầu tư là vốn chủ sở hữu và do EVN bị lỗ năm 2010. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn nêu rõ khoản lỗ năm 2010 của EVN là do thực hiện chính sách, đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng có Công văn đồng ý miễn giảm áp dụng điều kiện về vốn chủ sở hữu trong tổng vốn đầu tư của Dự án theo quy định của Luật Quản lý nợ công.

Từ kết quả kiểm toán trên, KTNN kiến nghị, EVN cần nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra sai sót trong công tác thẩm định, phê duyệt Dự án đầu tư và công tác thu xếp vốn cho Dự án. (Kỳ sau đăng tiếp)
ĐĂNG KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 12 ra ngày 22-3-2018
Cùng chuyên mục
Kiểm toán Dự án Nhiệt điện Mông Dương 1: Kỳ II - Bất cập trong lập, phê duyệt Dự án và thu xếp vốn đầu tư