Kiểm toán góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

(BKTO) - Với việc thực hiện các cuộc kiểm toán chương trình xóa đói giảm nghèo và các chương trình mục tiêu, các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) của châu Á, trong đó có Kiểm toán nhà nước Việt Nam đã góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

muc-tieu.jpg
Kiểm toán các chương trình xóa đói giảm nghèo góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Ảnh: TS

Kiểm toán xóa đói giảm nghèo và các chương trình mục tiêu

Thời gian qua, nhiều SAI đã chú trọng thực hiện các cuộc kiểm toán để góp phần hoàn thành SDGs tại mỗi quốc gia. Tại Trung Quốc, SAI nước này đã kiểm toán các chương trình xóa đói giảm nghèo, phát huy hiệu quả vai trò giám sát việc thực hiện các chương trình này.

Việc kiểm toán xóa đói giảm nghèo ở Trung Quốc nhằm xác định quy mô, mức độ nghèo đói của mỗi địa phương và cộng đồng; phân tích xem các quyết định có tạo ra sự khác biệt trong xóa đói giảm nghèo hay không và đánh giá hiệu quả của việc thực hiện các mục tiêu xóa đói giảm nghèo ở các địa phương cũng như các chương trình, chính sách của Trung ương.

Các cuộc kiểm toán xóa đói giảm nghèo của Trung Quốc thường tập trung vào các chương trình giáo dục để đánh giá tính phù hợp của các chương trình này với mỗi địa phương, khả năng tiếp cận giáo dục của người dân, công tác hỗ trợ cho học sinh địa phương; kiểm tra tình hình học sinh bỏ học và việc thuyết phục những đối tượng này quay trở lại trường lớp.

Đồng thời, SAI Trung Quốc còn tập trung vào các chính sách hỗ trợ y tế, mức độ tiếp cận với y tế cũng như tình trạng sức khỏe của người dân, đặc biệt là người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó, tính hiệu quả của các chương trình hiện đại hóa nhà ở và các quỹ xóa đói giảm nghèo cũng được cơ quan kiểm toán quan tâm, đánh giá.

Cùng với SAI Trung Quốc, SAI Myanmar đã rất chú trọng kiểm toán việc thực hiện SDGs. Là một trong những cơ quan kiểm toán tối cao quan tâm tới SDGs, SAI Philippines đã kiểm toán 4 chương trình mục tiêu về sức khỏe, phủ xanh, sữa và hiện đại hóa những cơ quan phòng cháy. Trong đó, các chương trình về sức khỏe, phủ xanh và sữa đều có mối liên hệ với SDG số 1 của Liên hợp quốc. Ngoài ra, SAI Philippines đã kiểm toán việc thực hiện các mục tiêu để tạo ra khung phát triển hệ thống y tế bền vững của quốc gia (SDG số 3) và chú ý đến chương trình xử lý nước thải, chất thải cấp quốc gia.

Trong nỗ lực hướng tới SDGs, SAI Indonesia đã đánh giá tất cả kế hoạch hành động của Chính phủ liên quan đến vấn đề này, nhận định về nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện SDGs và xác định lĩnh vực cần phải được Chính phủ ưu tiên trong vòng kiểm toán tiếp theo.

Thức đẩy thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững

Tại Việt Nam, với vai trò là cơ quan kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã gián tiếp đóng góp vào việc cải thiện nhiều mục tiêu mà Chính phủ đề ra.

Minh chứng là, những năm gần đây, các hoạt động kiểm toán của KTNN Việt Nam đều tập trung đánh giá việc thực hiện những mục tiêu và nhiệm vụ trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Nổi bật trong đó là việc triển khai kiểm toán các chuyên đề về lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường… nhằm đánh giá công tác triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của các Bộ, ngành, thành phố trực thuộc T.Ư.

Thứ hai, hoạt động của KTNN góp phần xây dựng một nền tảng môi trường tài chính ổn định, minh bạch, tạo động lực thực hiện SDGs của Việt Nam.

Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong các văn bản quản lý điều hành ngân sách, cơ chế quản lý tài chính công, tài sản công và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền kịp thời ban hành, hủy bỏ, sửa đổi, thay thế 563 văn bản không phù hợp với thực tiễn.

Đồng thời, KTNN cũng đưa ra nhiều kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ của các đơn vị được kiểm toán, góp phần nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quản lý tài chính công, tài sản công, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc quản lý và sử dụng các nguồn lực quốc gia để thực hiện SDGs.

Năm 2019, qua kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017-2020, KTNN đánh giá, hầu hết các địa phương được kiểm toán đã cơ bản thực hiện đầy đủ nội dung của Chương trình và đạt được mục tiêu về tỷ lệ giảm nghèo, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, một số mục tiêu chưa đạt hoặc đạt thấp nên Chương trình khó hoàn thành các mục tiêu đặt ra đến năm 2020.

Qua kiểm toán các chương trình mục tiêu quốc gia, KTNN đã chỉ ra một số bất cập, hạn chế trong tổ chức thực hiện như: Cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương và huy động sự tham gia của các bên chưa thực sự hiệu quả; nguồn lực huy động đáp ứng nhu cầu tài chính còn hạn chế; việc sử dụng kinh phí của nhiều địa phương còn chưa đúng nội dung, đối tượng; công tác phân bổ vốn còn chậm, chưa đảm bảo thứ tự ưu tiên...

Năm 2023, KTNN kiểm toán Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và 12 địa phương: Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Cao Bằng, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bến Tre. Cuộc kiểm toán tập trung đánh giá việc quản lý và sử dụng kinh phí; việc tuân thủ chính sách, chế độ, pháp luật của nhà nước; công tác quản lý, chỉ đạo, phối hợp thực hiện; tình hình thực hiện mục tiêu Chương trình; tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của Chương trình.

Đặc biệt, KTNN đã chú trọng kiểm toán môi trường, đây là lĩnh vực kiểm toán mới nhưng có tác động lan tỏa tích cực đến nhiều mục tiêu trong phát triển bền vững. Kết quả kiểm toán cho thấy nhiều vấn đề nổi bật như: Các văn bản hướng dẫn công tác quản lý môi trường thiếu đồng bộ; công tác thẩm định, phê duyệt hồ sơ cấp phép đề án bảo vệ môi trường còn hạn chế; thiếu biện pháp quản lý, giám sát các cơ sở vi phạm; nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh chưa xây dựng, lắp đặt đầy đủ các công trình bảo vệ môi trường đối với nước thải, khí thải...

Từ các phát hiện trên, KTNN đã kiến nghị đối với các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, hoàn thiện các quy định và chế tài xử phạt vi phạm về môi trường, góp phần nâng cao nhận thức của DN, chính quyền và người dân về bảo vệ môi trường, từng bước cải thiện chất lượng sống của người dân.

Việc thúc đẩy các cuộc kiểm toán hướng tới SDGs đã thể hiện sự nỗ lực của KTNN Việt Nam và các SAI trong triển khai thực hiện Tuyên bố Bangkok 2021“Không ai bị bỏ lại phía sau”, góp phần hoàn thành các mục tiêu tại Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc đối với mỗi quốc gia./.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững