Mọi hoạt động kiểm toán luôn cần được công khai, minh bạch

Tại cuộc họp giao ban công tác toàn Ngành tháng 8/2023, dưới sự chủ trì của Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, nhiều nội dung quan trọng đã được đề cập, thảo luận, trong đó, công tác chuẩn bị cho Phiên giải trình “Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị Kiểm toán nhà nước đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021” tại Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội là một nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8.

52f8e6f432b6e0e8b9a7.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp giao ban tháng 8/2023. Ảnh: N.Lộc

Hoàn thành việc rà soát thực hiện kiến nghị kiểm toán

Thực hiện Công văn số 1085/UBTCNS15 ngày 31/3/2023 của Ủy ban TCNS của Quốc hội về việc chuẩn bị tài liệu phục vụ Phiên giải trình, Ban cán sự đảng Kiểm toán nhà nước (KTNN), Tổng Kiểm toán nhà nước đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiêm túc kiểm tra, rà soát, tổng hợp báo cáo thông tin, số liệu thực hiện kiến nghị kiểm toán đến hết niên độ ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, cập nhật đến ngày 31/3/2023. “Trong quá trình chuẩn bị, KTNN đã phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ủy ban TCNS để trao đổi, hoàn thiện báo cáo; đơn vị kiểm toán giữ liên hệ thường xuyên với đơn vị được kiểm toán để kịp thời nắm bắt tình hình” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ nhấn mạnh.

Qua rà soát, phân tích đối với các kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác chưa thực hiện đến ngày 31/3/2023 cho thấy, các nhóm nguyên nhân và trách nhiệm chưa thực hiện kiến nghị gồm: Nhóm nguyên nhân thuộc trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán chiếm 56%; nhóm nguyên nhân thuộc trách nhiệm của KTNN chiếm 2,1%; nhóm nguyên nhân chưa thực hiện do trách nhiệm của bên thứ ba chiếm 15,7%; nhóm nguyên nhân khác chiếm 26,2%.

Thông tin cụ thể về vấn đề này tại cuộc họp giao ban toàn Ngành diễn ra ngày 07/8, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn cho biết, đến nay, Vụ Tổng hợp đã hoàn thành công tác tổng hợp kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của các KTNN chuyên ngành, khu vực để xây dựng báo cáo gửi Ủy ban TCNS phục vụ Phiên giải trình. “Vụ cũng sẽ xin ý kiến của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc gửi thông báo kết quả thực hiện kiến nghị đến các Bộ, ngành, địa phương để các bên cùng theo dõi” - ông Tuấn nêu rõ.

Đồng thời với công tác rà soát, KTNN cũng tiếp tục đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị quản lý thu, chi NSNN khẩn trương thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN và công khai danh sách các tổ chức, cá nhân không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Là một trong những đơn vị hoàn thành việc rà soát, tổng hợp tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán từ khá sớm, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V Nguyễn Đức Tín cho biết, công tác này được đơn vị thực hiện từ sớm và đạt kết quả tốt. “Qua công tác kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị cũng giúp đơn vị, kiểm toán viên ý thức, nâng cao trách nhiệm hơn nữa với nhiệm vụ kiểm toán, theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán trong tình hình mới” - ông Tín cho biết; đồng thời khẳng định đơn vị sẵn sàng tham gia giải trình khi được yêu cầu.

Giải pháp đối với vấn đề chênh lệch số liệu thực hiện kiến nghị kiểm toán

Bên cạnh thuận lợi, các đơn vị cũng cho biết, số liệu kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán giữa đơn vị được kiểm toán và KTNN còn có sự chênh lệch, trong đó, chủ yếu là các số liệu do đơn vị được kiểm toán cung cấp thấp hơn con số được KTNN tổng hợp qua đầu mối của Bộ, ngành, địa phương, cơ quan chủ quản.

Đây là dịp để chúng ta đánh giá chất lượng việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN trong thời gian qua, qua đó tìm ra nguyên nhân và các giải pháp giải quyết những nội dung còn tồn đọng. Mọi hoạt động kiểm toán luôn cần được công khai, minh bạch và hướng tới mục tiêu đảm bảo chất lượng, chất lượng hơn nữa trong hoạt động của KTNN.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn

Lý giải về vấn đề này, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI Vũ Khánh Toàn cho rằng, nhiều địa phương chủ yếu quan tâm đến việc theo dõi thực hiện kiến nghị xử lý tài chính, trong khi các kiến nghị khác chưa thực sự được chú ý. Bên cạnh đó, còn tình trạng đơn vị đã thực hiện kiến nghị, nhưng không lưu giữ đủ chứng từ để được ghi nhận kết quả… “KTNN khu vực VI đã đề nghị các địa phương được kiểm toán cần bố trí bộ phận tham mưu tổng hợp số liệu thực hiện kiến nghị lên hệ thống điện tử để tiện theo dõi và đôn đốc” - ông Toàn cho biết.

Trong khi đó, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Lê Đình Thăng cho rằng, việc thống nhất số liệu đã thực hiện kiến nghị kiểm toán giữa KTNN và đơn vị được kiểm toán là rất tốt, song rất khó để đạt được điều này. Điều quan trọng hơn là đơn vị kiểm toán cần đảm bảo chắc chắn các kết luận, kiến nghị được đưa ra một cách đúng đắn, đủ bằng chứng; cũng như kết quả thực hiện kiến nghị có đủ cơ sở để ghi nhận là hoàn thành…

Trên cơ sở lắng nghe ý kiến trao đổi, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn yêu cầu từng đơn vị bám sát nội dung các vấn đề theo yêu cầu của Ủy ban TCNS, tiếp tục rà soát, trao đổi với các đơn vị được kiểm toán về tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước tiếp tục làm việc với từng đơn vị phụ trách về kết quả rà soát, đảm bảo hoàn thành trước ngày 15/8 gửi Vụ Tổng hợp để tổng hợp trình Tổng Kiểm toán nhà nước ký gửi Ủy ban TCNS trước ngày 25/8.

Lưu ý việc chuẩn bị cho Phiên giải trình là nhiệm vụ trọng tâm của Ngành trong tháng 8, trong đó có việc rà soát làm rõ, thống nhất số liệu trước khi đưa vào báo cáo, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng nhấn mạnh, vấn đề chênh lệch về số liệu là khó tránh khỏi. Điều cần quan tâm là mỗi đơn vị kiểm toán đều phải đề cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, minh bạch trong hoạt động kiểm toán; công khai tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán để hạn chế mọi rủi ro, cũng như qua đó góp phần nâng cao vị thế, vai trò của KTNN./.

Cùng chuyên mục
Mọi hoạt động kiểm toán luôn cần được công khai, minh bạch