Vai trò của Kiểm toán nhà nước với việc thực hiện SDGs
Đóng vai trò là cơ quan giám sát bên ngoài độc lập cốt yếu, KTNN có chức năng và vai trò chủ đạo trong việc theo dõi và giám sát việc thực hiện SDGs; đồng thời hạn chế, ngăn chặn việc quản lý, sử dụng các nguồn lực kém hiệu quả, thậm chí có nguy cơ bị thất thoát, lãng phí hoặc tham nhũng; tăng cường tính minh bạch thông tin, gia tăng trách nhiệm giải trình của các đơn vị được kiểm toán cũng như nâng cao tính hiệu lực, tính độc lập trong thực thi nhiệm vụ, chức năng.
Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN góp phần thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả và hiệu lực SDGs; xây dựng một nền tảng môi trường tài chính ổn định, minh bạch tạo động lực thực hiện SDGs; góp phần ngăn chặn kịp thời các hạn chế trong quản lý, kịp thời chấn chỉnh tồn tại, sai phạm trong quản lý tài chính công, tài sản công của các đơn vị kiểm toán, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị, thúc đẩy việc thực hiện SDGs của Việt Nam.
KTNN luôn bám sát, đồng hành cùng Chính phủ và gián tiếp đóng góp một phần không nhỏ vào các kết quả Việt Nam đạt được trong thực hiện SDGs; qua đó góp phần duy trì tỷ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội ở mức tương đối cao; đảm bảo tính ổn định và bền vững của nền tài chính quốc gia; nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong hội nhập với thế giới.
Trong thời gian qua, KTNN đã tích cực, chủ động tổ chức các hoạt động đào tạo nội bộ cũng như tham gia vào các nhóm công tác, hoạt động của các tổ chức kiểm toán khu vực và quốc tế nhằm tăng cường năng lực của kiểm toán viên liên quan đến kiểm toán việc thực hiện SDGs.
Đối với hoạt động hợp tác quốc tế, KTNN đã chú trọng chia sẻ nhiều nội dung chuyên môn về kiểm toán công tác ứng phó với đại dịch Covid-19, kiểm toán công nghệ thông tin; phối hợp tổ chức các khóa đào tạo về “Kiểm toán việc thực hiện SDGs”; tăng cường cử công chức, kiểm toán viên tham dự các khóa đào tạo, hội thảo trực tuyến do KTNN các nước và các đối tác tổ chức nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế về kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường, kiểm toán việc thực hiện SDGs; tham gia các hoạt động của các tổ chức khu vực và quốc tế liên quan đến kiểm toán việc thực hiện SDGs…
Bên cạnh đó, với vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, KTNN đã thể hiện năng lực, chủ động, sáng tạo, linh hoạt thông qua các hoạt động chuyên môn, đóng góp tích cực và trách nhiệm vào sự phát triển chung của khu vực và thế giới, đặc biệt thông qua việc đề ra sáng kiến xây dựng Tuyên bố Hà Nội thể hiện tầm nhìn dài hạn của ASOSAI thời gian tới về việc thúc đẩy kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững.
Định hướng của Kiểm toán nhà nước với việc thực hiện SDGs
KTNN xác định việc kiểm toán việc thực hiện SDGs là một trong những hoạt động quan trọng, nhằm đánh giá mức độ hiệu quả, hiệu lực đối với các nỗ lực của Chính phủ trong việc áp dụng SDGs vào bối cảnh của Việt Nam, cũng như duy trì, đảm bảo các nguồn lực, năng lực cần thiết, thiết lập một cơ chế giám sát, theo dõi, đánh giá và báo cáo tiến độ thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030.
Để thực hiện tốt công việc này, KTNN dự kiến xây dựng kế hoạch kiểm toán chiến lược và kế hoạch kiểm toán hằng năm, chú trọng và ưu tiên dành nguồn lực phát triển công tác kiểm toán đối với việc thực hiện SDGs, đặc biệt là kiểm toán công tác chuẩn bị của Chính phủ trong việc thực hiện SDGs thông qua việc bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phát triển bền vững để xây dựng kế hoạch kiểm toán nhằm hỗ trợ tốt nhất cho Chính phủ, Quốc hội trong các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội.
Một trong những lĩnh vực cụ thể KTNN tham gia là cuộc chiến chống tham nhũng trong khu vực công. Thông qua kiểm toán chi tiêu công và tài khoản Chính phủ, KTNN đảm bảo việc sử dụng hợp lý các nguồn lực công, giúp tạo môi trường thuận lợi cho quản trị tốt nhằm thúc đẩy phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, KTNN xác định cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động kiểm toán để tăng cường chất lượng và hiệu lực kiểm toán trong lĩnh vực liên quan đến đánh giá việc thực hiện SDGs; chú trọng phát triển các phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán mới, phù hợp với yêu cầu và mục tiêu kiểm toán đối với việc thực hiện SDGs. KTNN sẽ tập trung xây dựng và tăng cường năng lực cho đội ngũ kiểm toán viên kiểm toán việc thực hiện SDGs nói chung và kiểm toán môi trường nói riêng cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của cuộc kiểm toán.
Trên phương diện hợp tác quốc tế, KTNN Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác song phương, đa phương với các cơ quan kiểm tối cao (SAI) trên thế giới trong việc kiểm toán các vấn đề liên quan tới SDGs nói chung và kiểm toán việc thực hiện SDGs nói riêng. KTNN cần tăng cường hợp tác thúc đẩy chia sẻ kiến thức qua các tổ chức, cộng đồng khu vực; tăng cường hợp tác giữa các SAI thông qua việc tổ chức các cuộc kiểm toán hợp tác giữa các SAI đối với các vấn đề liên quan tới SDGs.
Phát triển bền vững vừa là nhu cầu cấp bách vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển xã hội. Với quyết tâm và cam kết chính trị cao, Việt Nam sẽ thực hiện thành công Chương trình nghị sự năm 2030 vì cuộc sống tốt đẹp hơn, không chỉ của người dân Việt Nam mà còn vì lợi ích chung của toàn nhân loại. Trong thời gian tới, KTNN sẽ tăng cường vai trò, giúp Chính phủ tiếp tục là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung để không một cá nhân, quốc gia nào bị tụt hậu, đặc biệt không ai bị bỏ lại phía sau./.