Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là sứ mệnh của Kiểm toán nhà nước
Phòng, chống tham nhũng, lãng phí là chức năng, nhiệm vụ của KTNN và đã được thể hiện rõ trong Hiến pháp 2013, Luật KTNN, Chuẩn mực KTNN và các văn bản pháp luật có liên quan. Điều 118 Hiến pháp quy định: “KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”. Như vậy, KTNN chính là công cụ kiểm soát quan trọng của Nhà nước đối với mọi cơ quan, tổ chức, đơn vị có quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Cùng với đó, Luật KTNN và các luật khác đã quy định cụ thể về đối tượng kiểm toán, loại hình kiểm toán cũng như quyền hạn, trách nhiệm của KTNN trong tổ chức hoạt động kiểm toán… Luật Thực hành tiết kiệm, CLP cũng nêu rõ “trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, KTNN có trách nhiệm thực hiện kiểm toán nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, CLP”. Đây là cơ sở pháp lý thuận lợi để KTNN thực hiện tốt hơn chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với nhữngvi phạm về thực hành tiết kiệm, CLP trong quản lý tài chính công, tài sản công.
Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, pháp luật, các chuẩn mực kiểm toán của KTNN đã ban hành nêu rõ mục tiêu của KTNN là kiểm tra, đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả, tính hiệu lực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và đưa ra kiến nghị góp phần tích cực vào việc tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các đơn vị, tổ chức và cá nhân, qua đó chủ động phòng, CLP.
Nhận thức rõ trọng trách của mình, trong suốt những năm qua, KTNN đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước để tổ chức triển khai, cụ thể hóa các yêu cầu đặt ra bằng các kế hoạch khoa học để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Đặc biệt, trong những năm gần đây, với vai trò thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, KTNN đã liên tục đổi mới hoạt động kiểm toán, tăng cường thực hiện công tác phòng, CLP thông qua hoạt động kiểm toán.
Qua 30 năm hoạt động, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý 722.290 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 2.181 văn bản không phù hợp để bịt các “lỗ hổng” cơ chế, chính sách làm thất thoát nguồn lực công; chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Kết quả kiểm toán góp phần tích cực trong phòng, chống lãng phí
KTNN đã và đang tích cực đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thông qua hoạt động kiểm toán. Quyết tâm này được thể hiện rõ thông qua việc KTNN tập trung kiểm toán các chủ đề lớn gắn với quản lý, điều hành ngân sách nhà nước (NSNN), các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, được cử tri và xã hội quan tâm...
Trung bình mỗi năm, KTNN thực hiện khoảng 250 cuộc kiểm toán, qua đó đã phát hiện những hiện tượng, dấu hiệu lãng phí, sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực công. Đơn cử, trong lĩnh vực chi thường xuyên, KTNN đã phát hiện và chỉ rõ tình trạng phân bổ dự toán chậm, nhiều lần, không sát thực tế, không có nhiệm vụ chi cụ thể, phân bổ khi chưa đủ điều kiện... dẫn đến không giải ngân được phải hủy dự toán; phân bổ vượt định mức...
Đối với chi đầu tư, việc bố trí vốn cho một số dự án chưa đủ điều kiện, không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, phân bổ vượt khả năng thực hiện, vượt nhu cầu... dẫn đến không giải ngân được phải điều chỉnh giảm hoặc tỷ lệ giải ngân thấp, kế hoạch vốn phải hủy bỏ lớn; thiết kế chưa tiết kiệm; nhiều dự án đầu tư chậm tiến độ làm giảm hiệu quả vốn đầu tư; xây dựng khu tái định cư vượt quy mô cần thiết, không phù hợp nhu cầu và nguyện vọng của người dân, gây lãng phí...
Trong quản lý, sử dụng tài sản, KTNN phát hiện một số đơn vị chưa sử dụng hết diện tích đất được giao hoặc sử dụng không hiệu quả, chưa đúng mục đích, để bị lấn chiếm, tranh chấp; thực hiện liên doanh, liên kết, cho thuê, mượn đất không đúng quy định...
Thông qua các phát hiện kiểm toán, KTNN kiến nghị xử lý tài chính tăng thu, giảm chi NSNN hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan; chuyển nhiều hồ sơ kiểm toán cho các cơ quan chức năng để điều tra, xử lý theo quy định, qua đó giúp đơn vị chấn chỉnh kịp thời, tạo sự răn đe, cảnh báo, ngăn ngừa vi phạm nghiêm trọng hơn.
Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ được giao, hằng năm, KTNN đều có báo cáo ý kiến gửi Quốc hội về dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương, chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia. Tiêu biểu như ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Dự án đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, Dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Dự án Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột... Theo đó, KTNN đã đưa ra nhiều khuyến nghị quan trọng nhằm tiết kiệm tối đa chi phí song vẫn đạt được mục tiêu mong muốn.
Đặc biệt, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã chỉ ra hàng loạt những kẽ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật, những “điểm nghẽn”, rào cản ảnh hưởng đến động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững để kiến nghị các cơ quan chức năng hoàn thiện, “bịt” lỗ hổng, góp phần ngăn chặn các hành vi tham nhũng, lãng phí từ chính sách, tạo cơ sở pháp lý, điều kiện thuận lợi hơn cho công tác quản lý, sử dụng nguồn lực công được hiệu quả, tiết kiệm.
Qua đó, KTNN đã khẳng định được vị trí, vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong việc kiểm tra hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và là công cụ sắc bén trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả phòng, chống lãng phí
Từ những thành tựu đã đạt được, trong xu hướng đổi mới của đất nước với mục tiêu phát triển bền vững và ổn định nền kinh tế vĩ mô gắn với sử dụng hiệu quả nguồn lực của quốc gia; cũng như yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay đặt ra trách nhiệm của KTNN trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân ngày càng lớn hơn. Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, KTNN sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, bám sát chỉ đạo của Trung ương Đảng, các nghị quyết, yêu cầu của Quốc hội để tổ chức hoạt động kiểm toán có hiệu quả, gia tăng giá trị và đặc biệt là nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu lực ý kiến kiểm toán đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động kiểm toán nhà nước. Tổ chức thật tốt việc thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để lựa chọn đúng, trúng các chủ đề kiểm toán; trong đó, đặc biệt quan tâm lựa chọn kiểm toán các lĩnh vực có nhiều nguy cơ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, những vấn đề “nóng” được dư luận xã hội và cử tri quan tâm để xây dựng kế hoạch kiểm toán khoa học, có trọng tâm, trọng điểm. Trên cơ sở đó, phát hiện kịp thời những bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật cũng như những rào cản làm ảnh hưởng đến động lực phát triển kinh tế để kiến nghị với Đảng, Nhà nước hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, góp phần nâng cao việc quản lý, sử dụng nguồn lực công và ngăn ngừa thất thoát, lãng phí.
Thứ ba, để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán cũng như cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin đáng tin cậy phục vụ đắc lực cho Trung ương, Quốc hội, Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương, chính sách vĩ mô và giám sát việc thực hiện NSNN, chính sách tài chính của quốc gia, KTNN sẽ đẩy mạnh loại hình kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, chú trọng nâng cao chất lượng ý kiến về dự toán ngân sách, phương án phân bổ NSNN, ý kiến về chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia và thực hiện kiểm toán các lĩnh vực dễ phát sinh và có nguy cơ cao về lãng phí nguồn lực như tài nguyên khoáng sản, đất đai, mua sắm trang thiết bị, đầu tư xây dựng.
Thứ tư, tăng cường công khai kết quả kiểm toán, đặc biệt là công khai các vụ việc thất thoát, lãng phí và trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan, tạo áp lực và tác động mạnh mẽ mang tính hiệu ứng, tạo nên dư luận xã hội rộng rãi đến đông đảo công chúng để cùng tham gia vào quá trình giám sát hoạt động của các đơn vị trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Thứ năm, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của các kiểm toán viên; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kiểm toán; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp để không ngừng nâng cao uy tín của Ngành, đáp ứng lòng tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với KTNN. Đồng thời, thường xuyên cập nhật, hoàn thiện khuôn khổ quy định về chuyên môn nghiệp vụ, nhất là hệ thống chuẩn mực, quy trình và phương pháp, hướng dẫn nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán nói chung và kiểm toán các hành vi lãng phí nói riêng./.