Nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán ngân sách địa phương

THU HƯỜNG - NGUYỄN LY | 11/08/2023 19:26

(BKTO) – Năm 2024 và giai đoạn 2024-2026, kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP) và kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP sẽ tiếp tục được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chú trọng, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ được Quốc hội giao.

sep-tho-phat-bieu-khai-mac-toa-dam.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, tìm ra các giải pháp có tính khả thi cao để áp dụng vào thực tế hoạt động kiểm toán NSĐP. Ảnh: Hường Ly

Chiều 11/8, Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về các sai sót thường gặp trong hoạt động kiểm toán lĩnh vực NSĐP.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ, Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI Vũ Khánh Toàn đồng Chủ trì Tọa đàm.

Tọa đàm diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 13 KTNN khu vực. 

Tiếp tục đổi mới kiểm toán ngân sách địa phương

Tại Tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ nhấn mạnh: Kiểm toán NSĐP là cuộc kiểm toán quan trọng trong kế hoạch kiểm toán hằng năm của KTNN.

Kết quả kiểm toán NSĐP giúp nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước tại các địa phương, phục vụ công tác quản lý, điều hành NSNN, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.

quang-canh-toa-dam.jpg
Quang cảnh Tọa đàm tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Hường Ly

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ Quốc hội giao liên quan đến kiểm toán NSNN tại các địa phương, KTNN đã đổi mới hoạt động đào tạo, trong đó đẩy mạnh hình thức tọa đàm và giao cho các đơn vị có kinh nghiệm và kết quả kiểm toán tốt chủ trì tổ chức Tọa đàm.

Theo kế hoạch kiểm toán năm 2023, định hướng xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2024 và kế hoạch kiểm toán trung hạn giai đoạn 2024-2026, kiểm toán NSĐP và kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP tiếp tục được KTNN chú trọng, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ được Quốc hội giao.

Trong bối cảnh nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra đối với hoạt động kiểm toán nói chung và kiểm toán NSĐP nói riêng ngày càng cao, việc đảm bảo thực hiện tốt các khâu liên quan trực tiếp đến hoạt động kiểm toán sẽ góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc kiểm toán, giúp các địa phương nâng cao chất lượng công tác quản lý tài chính, ngân sách, kiến nghị với các cơ quan chức năng của Nhà nước bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý tài chính, ngân sách.

Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Quốc hội yêu cầu: Thời gian tới, khi kiểm toán NSNN hằng năm tại các địa phương, KTNN cần tăng cường kiểm toán các khoản chi chuyển nguồn NSNN; tập trung kiểm toán các hoạt động khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN; xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm toán quyết toán NSNN hằng năm trước thời điểm cấp có thẩm quyền phê chuẩn quyết toán NSNN…

Củng cố cơ sở chắc chắn cho kết quả, kiến nghị kiểm toán

Để nâng cao chất lượng công tác tổ chức kiểm toán NSĐP, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ Quốc hội giao, theo bà Nguyễn Thanh Bình - Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, các đoàn kiểm toán cần chú trọng hơn nữa công tác khảo sát thu thập thông tin phục vụ lập kế hoạch kiểm toán (KHKT) tổng quát; thu thập toàn diện các thông tin về các đơn vị trực thuộc và các dự án đầu tư dự kiến đưa vào đầu mối kiểm toán nhằm đảm bảo thông tin được đầy đủ, chính xác, hạn chế việc điều chỉnh nội dung, đầu mối khi lập KHKT tổng quát cũng như phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện kiểm toán.

cac-ktnn-khu-vuc-tham-du-truc-tuyen.jpg
Các KTNN khu vực kết nối trực tuyến với Tọa đàm. Ảnh: Hường Ly

Đồng thời, theo bà Bình, Thủ trưởng đơn vị chú trọng, nâng cao vai trò của tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán ngay từ khâu lập KHKT tổng quát, hạn chế sai sót trong trình bày và biên tập các nội dung trong KHKT tổng quát, đảm bảo tính logic trong việc đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu phù hợp với thông tin trình bày trong KHKT tổng quát.

Thông qua thông tin thu thập được, cần phân tích, đánh giá rủi ro để rút ra những trọng yếu đối với các nội dung được đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ở mức cao, các vấn đề nhạy cảm có thể sai sót; rà soát các mục tiêu, trọng yếu và nội dung kiểm toán hằng năm của Ngành phù hợp với cuộc kiểm toán.

le-hoai-nam-vu-tong-hop.jpg
TS. Lê Hoài Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - kiến nghị phân cấp công tác kiểm tra, rà soát việc phát hành báo cáo kiểm toán. Ảnh: Hường Ly

Liên quan đến tổng hợp kết quả, kiến nghị và phát hành báo cáo kiểm toán, TS. Lê Hoài Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN - cho rằng, KTNN cần đẩy mạnh phân cấp việc kiểm tra, rà soát việc phát hành báo cáo kiểm toán cho các KTNN chuyên ngành, khu vực theo hướng: Kiểm toán trưởng và đoàn kiểm toán chịu trách nhiệm về việc rà soát ý kiến tham gia của các đơn vị tham mưu, đơn vị được kiểm toán và trình bày đầy đủ các nội dung thay đổi chính trên dự thảo báo cáo; Vụ Tổng hợp chịu trách nhiệm rà soát và tham mưu Lãnh đạo KTNN về các nội dung thay đổi chính được nêu trong tờ trình phát hành báo cáo...

Bên cạnh đó, KTNN nghiên cứu bổ sung hướng dẫn về xác định nguyên nhân (khách quan, chủ quan) và trách nhiệm của kiểm toán viên, tổ kiểm toán, đoàn kiểm toán trong trường hợp phải điều chỉnh đánh giá, kiến nghị kiểm toán tại các dự thảo báo cáo kiểm toán, đặc biệt là việc điều chỉnh do không thu thập đủ bằng chứng kiểm toán; đưa ra nhận định, đánh giá sai...

Để báo cáo kiểm toán đạt chất lượng, đúng thời hạn, các đoàn kiểm toán phải thu thập bằng chứng kiểm toán hợp lý, hợp lệ, cơ sở pháp lý chắc chắn để củng cố cho các kết quả và kiến nghị kiểm toán. Hồ sơ phát hành đảm bảo đầy đủ, logic đòi hỏi công tác tổng hợp, hoàn thiện phải được theo dõi, cập nhật thường xuyên các thay đổi - TS. Lê Hoài Nam nhấn mạnh.

vu-phap-che.jpg
Đại diện Vụ Pháp chế nhấn mạnh về cơ sở pháp lý cho các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Ảnh: Hường Ly

Đưa ra kiến nghị về cơ sở pháp lý cho các kết luận, kiến nghị kiểm toán, theo đại diện Vụ Pháp chế, các đơn vị cần nâng cao kiến thức và trình độ hiểu biết pháp luật cho đội ngũ kiểm toán viên.

Đồng thời, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, văn bản quản lý điều hành liên quan đến lĩnh vực NSĐP, cụ thể như: Luật Ngân sách nhà nước và nghị định, thông tư hướng dẫn quy trình chung; hệ thống văn bản điều hành ngân sách thuộc trách nhiệm các cơ quan quản lý tổng hợp; hệ thống các quy định, hướng dẫn điều hành quản lý ngân sách hằng năm; hệ thống văn bản hướng dẫn, chỉ thị quy định về điều hành ngân sách, kế hoạch vốn trong niên độ thực hiện...

Xây dựng, cập nhật các cơ sở dữ liệu quan trọng

Tại Tọa đàm, các đại biểu đều cho rằng, việc xây dựng và thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu về các đơn vị được kiểm toán, ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ công tác khảo sát, thu thập thông tin và lập kế hoạch tổng quát là nhiệm vụ quan trọng, đảm bảo tính chính xác, giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả của hoạt động kiểm toán.

Đặc biệt, KTNN cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổng hợp kết quả và dự thảo kiến nghị kiểm toán để phục vụ công tác tổng hợp, tham mưu cho lãnh đạo KTNN sớm có chỉ đạo, điều hành.

Ngoài ra, KTNN cần xây dựng cơ sở dữ liệu pháp luật về KTNN và pháp luật liên quan đến các lĩnh vực kiểm toán; trang bị các phương tiện tin học hiện đại giúp kiểm toán viên truy cập để cập nhật và áp dụng pháp luật được chuẩn xác trong quá trình thực thi công vụ.

Các kiểm toán viên cũng cần tự xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu pháp luật khoa học và được cá nhân hóa nhằm phục vụ việc tra cứu thông tin nhanh khi tham gia đoàn kiểm toán./.

Cùng chuyên mục
Nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán ngân sách địa phương