Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính lập ‘đỉnh’ 22 năm

(BKTO) - Hoạt động KTNN có rất nhiều tiến bộ, tính chuyên nghiệp được khẳng định, nâng cao. Cùng với đó, chất lượng kết luận, kiến nghị kiểm toán ngày càng tốt hơn, góp phần giải đáp những yêu cầu, đòi hỏi bức xúc của công tác quản lý kinh tế nhà nước nói chung và tài chính - ngân sách nói riêng.




Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá khi phát biểu tại buổi làm việc với Kiểm toán Nhà nước (KTNN) ngày 3/10.

Năm 2016, kiến nghị xử lý tài chính 38.776 tỷ đồng

Báo cáo của KTNN cho biết, năm 2016 và 8 tháng đầu năm 2017, hoạt động kiểm toán đã có bước chuyển biến tích cực, đổi mới mạnh mẽ toàn diện về nội dung, phương pháp và cách thức thực hiện; nhờ đó, hiệu lực, hiệu quả, chất lượng kiểm toán không ngừng được nâng cao, góp phần quan trọng trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính công, tài sản công, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo đó, năm 2016, Kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính 38.776 tỷ đồng, cao nhất trong 22 năm hoạt động, tăng gấp 2 lần so với năm 2015. Chỉ tính trong 8 tháng đầu năm 2017, tổng hợp từ 108 dự thảo báo cáo kiểm toán cho thấy, sơ bộ, KTNN đã đề nghị xử lý tài chính 22.954 tỷ đồng; riêng tăng thu về NSNN gấp 4,05 lần so với 8 tháng cùng kỳ năm 2016.

Kết quả kiểm toán đã góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của nhà nước và góp phần tích cực vào việc phòng, ngừa tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, đơn vị được kiểm toán thông qua việc kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Năm 2016, KTNN đã kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 150 văn bản.

Ngoài ra, kiểm toán 27 dự án giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án so với phương án tài chính ban đầu 107,4 năm. Kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, KTNN xác định giá trị vốn nhà nước tại 7 doanh nghiệp đã làm tăng thêm giá trị vốn nhà nước 20.818 tỷ đồng.

Cũng trong 8 tháng đầu năm 2017, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.302 tỷ đồng trong quản lý và sử dụng đất dự án khu đô thị; qua kiểm toán việc định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa đã xác định khoản phải nộp NSNN tăng thêm 6.374,7 tỷ đồng, giá trị thực tế doanh nghiệp tăng 7.172,3 tỷ đồng.

Kiểm toán ngân sách địa phương của 23 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, KTNN đã có nhiều phát hiện việc sử dụng sai nguồn kinh phí số tiền 1.216 tỷ đồng; tạm ứng dự toán từ ngân sách trung ương kéo dài, quá thời hạn đến 31/12/2016 chưa hoàn trả ngân sách trung ương 1.133 tỷ đồng. Ngân sách địa phương cho vay, tạm ứng kéo dài nhiều năm, chậm thu hồi xảy ra tại một số tỉnh, thành phố được kiểm toán nhưng chậm khắc phục, trong đó 9/23 địa phương tạm ứngxây dựng cơ bảnvà tạm ứng khác đã quá hạn nhưng chưa được thu hồi 3.256 tỷ đồng trong khi hàng năm địa phương vẫn phải đi vay và trả lãi vay......

Nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp, chính quy, hiện đại

Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ghi nhận và đánh giá rất cao kết quả đạt được của KTNN. Hoạt động của KTNN đã có rất nhiều tiến bộ, tính chuyên nghiệp được khẳng định và nâng cao. Cùng với đó, chất lượng của kết luận, kiến nghị kiểm toán ngày càng tốt hơn, góp phần giải đáp những yêu cầu, đòi hỏi bức xúc của công tác quản lý kinh tế nhà nước nói chung và quản lý tài chính - ngân sách nói riêng.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành Kiểm toán tiếp tục phát huy kết quả đạt được, lưu ý tới những khó khăn, thuận lợi của tình hình kinh tế trong nước cũng như sự thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới để chủ động, sáng tạo hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, KTNN phải luôn quán triệt và thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để hoạt động đúng định hướng, đúng mục tiêu, đúng trọng tâm. Trên cơ sở đó, cung cấp thông tin xác thực, kịp thời, giúp Quốc hội xem xét, quyết định khi thực hiện các chức năng lập pháp, giám sát hoạt động các cơ quan nhà nước và cũng như các vấn đề quan trọng của quốc gia ….

Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội đã cho ý kiến về kiến nghị của KTNN về việc cần ban hành Nghị quyết của UBTVQH quy định chi tiết một số điều Luật KTNN 2015 và Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, nhằm tạo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý cho KTNN hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Dẫn chiếu lại Điều 7 Luật KTNN năm 2015 rằng, kết luận kiểm toán có giá trị bắt buộc thực hiện, nhưng Luật Xử phạt vi phạm hành chính thì chưa có quy định trong lĩnh vực kiểm toán. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi: “Nếu cơ quan, đơn vị được kiểm toán không thực hiện nghiêm túc kết luận KTNN thì có chế tài gì để xử lý? Đây có phải là “khoảng trống” của pháp luật hay không?”. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nghiên cứu kỹ đề xuất này.

Đánh giá cao việc KTNN đã ban hành Hệ thống 39 Chuẩn mực KTNN và các quy trình kiểm toán, cũng như áp dụng công nghệ thông tin; tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu KTNN cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa trong công tác của mình.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh: “KTNN và từng kiểm toán viên khi hoạt động cần tuân thủ nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; không ngừng công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy, từng bước hiện đại hóa trong hoạt động”… Theo Chủ tịch Quốc hội, KTNN có vai trò lớn và cần phát huy hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí trên khắp cả nước.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị KTNN liên tục mở rộng và tăng cường về chiều sâu, chủ động hội nhập sâu, rộng vào các hoạt động hợp tác quốc tế, trong đó nổi bật là Đại hội lần thứ 14 của Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI 14).

Theo DUY THÁI
thoibaotaichinhvietnam.vn
Cùng chuyên mục
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính lập ‘đỉnh’ 22 năm