Công khai kết quả kiểm toán để đảm bảo tuân thủ pháp luật
Tại Họp báo công bố công khai Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2022 của KTNN diễn ra vào chiều 02/7, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết: Năm 2023, KTNN đã hoàn thành 135 nhiệm vụ kiểm toán với 174 đoàn kiểm toán và phát hành 248 báo cáo kiểm toán (BCKT). Trong đó, kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách tại 25 Bộ, cơ quan trung ương và 52 địa phương; thực hiện 33 nhiệm vụ kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, chiếm 26% tổng số nhiệm vụ kiểm toán theo đúng lộ trình thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 với một số cuộc kiểm toán trọng tâm, có phạm vi kiểm toán nhiều bộ, ngành và địa phương.
Điều 50, 51 Luật KTNN quy định về công khai BCKT và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Căn cứ vào quy định này, KTNN tổ chức Họp báo để công khai: Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2022. Đồng thời, để báo chí có thêm nguồn thông tin, KTNN cũng đăng đầy đủ Báo cáo này trên Cổng thông tin điện tử của KTNN. Đây cũng là một hình thức công khai kết quả kiểm toán theo quy định tại Điều 50, 51 Luật KTNN - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết.
KTNN đã ban hành Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Đây là một tài liệu rất quan trọng của KTNN để đảm bảo khi kiểm toán viên phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, vi phạm pháp luật thì KTNN sẽ có quy trình kiểm toán riêng.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung
Bên lề Họp báo, trả lời phỏng vấn của Báo Kiểm toán, các nhà báo đều khẳng định, kiểm toán là ngành đặc thù, do đó, người dân, các cơ quan nhà nước cũng như báo chí rất mong đợi các thông tin từ cuộc họp báo.
Có thể nói, vấn đề công khai kết quả kiểm toán được quy định trong nhiều Luật, không chỉ Luật KTNN mà còn cả Luật Ngân sách nhà nước năm 2002. Trong những năm qua, KTNN đã từng bước thực hiện vấn đề này để đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Đến nay, các BCKT đều được công khai trên Cổng thông tin điện tử của KTNN, ngoại trừ BCKT đóng dấu Mật hoặc Tuyệt mật. Việc KTNN công khai kết quả kiểm toán cũng phù hợp với thông lệ quốc tế bởi theo Tuyên bố Lima của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao, sức mạnh của cơ quan kiểm toán là sức mạnh của truyền thông và công chúng. “Điều này hàm ý: Kết quả kiểm toán phải được công khai để truyền thông, công chúng có thể tiếp cận và dưới áp lực của công chúng, của dư luận và truyền thông, các cơ quan quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công phải thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Việc công khai kết quả kiểm toán cũng chính là một phần minh bạch tài chính quốc gia”, theo Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Lê Đình Thăng.
Góp phần tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng
Với tin thần công khai như vậy, tại Họp báo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung và lãnh đạo các đơn vị có liên quan đã thẳng thắn trả lời, làm rõ nhiều vấn đề được các nhà báo, phóng viên hết sức quan tâm như: Kết quả kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; kết quả kiểm toán điều hành lãi suất, tín dụng; đặc biệt là việc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua kiểm toán…
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Công an nhân dân liên quan đến việc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra khi KTNN phát hiện vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung nhấn mạnh: “Trước tiên, phải khẳng định rằng, hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN tập trung chủ yếu ở khía cạnh phòng ngừa, phát hiện ra sai phạm và kiến nghị xử lý tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước cũng như kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách và chấn chỉnh trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách, tài chính, tài sản công. Trong quá trình kiểm toán, khi phát hiện những vấn đề, vụ việc có dấu hiệu tội phạm, KTNN sẽ kiến nghị hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xem xét xử lý theo quy định”.
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung, trong những năm qua, KTNN đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan điều tra các cấp; 2 vụ việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp gần 2.000 hồ sơ, BCKT cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan điều tra và các cơ quan khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát. Trong tổng số 40 vụ việc, đến nay, các cơ quan điều tra đã xử lý, giải quyết xong 35 vụ việc (14 vụ việc đã khởi tố, điều tra, xử lý; 21 vụ việc có ý kiến để điều tra, giám định) và một số vụ việc khác cần có thời gian để tiếp tục điều tra, xác minh trong thời gian tới.
Trong quá trình phối hợp với các cơ quan điều tra xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, KTNN luôn nhận được sự hỗ trợ rất tích cực, kịp thời của các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan điều tra. Tuy nhiên, xử lý dứt điểm tất cả các vụ việc không phải là việc đơn giản, nhiều vấn đề cần có thời gian để điều tra, xác minh. Vì vậy, trong thời gian tới, KTNN sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa và có các văn bản, quy chế phối hợp với các cơ quan - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết.
Không chỉ góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN còn chú trọng công tác này trong nội bộ Ngành. Cũng tại Họp báo, Chánh Thanh tra KTNN Lưu Trường Kháng thông tin: KTNN đã xây dựng những văn bản liên quan đến hoạt động thanh tra nội ngành như quy chế giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra KTNN, quy chế tổ chức và hoạt động kiểm tra của KTNN, quy trình thanh tra và quy trình tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo của KTNN. Trong thời gian tới, KTNN sẽ tập trung thanh tra công chức công vụ, nâng cao chất lượng công tác các đoàn, tổ kiểm toán, từ đó tăng cường ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán./.