Hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước

(BKTO) - Đến nay, nhiệm vụ chủ yếu đặt ra tại Nghị quyết số 103-NQ/ĐU của Đảng ủy Kiểm toán nhà nước (KTNN) về “Lãnh đạo hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của KTNN” (Nghị quyết 103) đã cơ bản hoàn thành, trong đó có một số nhiệm vụ hoàn thành trước hạn, đạt chất lượng cao.

2e.jpg
KTNN đã ban hành Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Ảnh: Nguyễn Ly

Thống nhất, đồng bộ giữa Luật Kiểm toán nhà nước và các luật chuyên ngành

Theo Báo cáo sơ kết kết quả triển khai, thực hiện Nghị quyết 103, các nhiệm vụ chủ yếu đề ra đã được cụ thể hóa thành các hoạt động, phân công đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực hiện.

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 103, nhiều đơn vị đã chủ động đề xuất Tổng Kiểm toán nhà nước bổ sung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý ngoài Chương trình hằng năm để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, khắc phục khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ.

Năm 2022, KTNN đã tập trung nghiên cứu các quy định của Luật KTNN, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, các luật có liên quan và khuyến nghị của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI). Đây là cơ sở để năm 2023-2024 tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Luật KTNN và 5 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, hoàn thiện lập báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đặc biệt, ngày 28/02/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2023. Đây là bước tiến quan trọng trên phương diện lập pháp đối với lĩnh vực KTNN, tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kiểm toán. Đồng thời, Pháp lệnh có tác dụng răn đe đối với đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tuân thủ pháp luật KTNN, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán và tính nghiêm minh của pháp luật.

Bên cạnh đó, KTNN đã tham gia và đề xuất, góp ý sửa đổi, bổ sung nhiều dự án luật quan trọng có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật KTNN và các luật chuyên ngành.

KTNN đã ban hành hướng dẫn kiểm toán thuộc các lĩnh vực: Đầu tư xây dựng công trình, báo cáo quyết toán ngân sách, quản lý nợ công, chương trình mục tiêu quốc gia, doanh nghiệp, công nghệ thông tin, tổ chức tài chính - ngân hàng, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư,  môi trường...

Cùng với đó, KTNN tích cực xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý liên quan đến tổ chức và hoạt động của KTNN. KTNN đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ soạn thảo sửa đổi, bổ sung Hệ thống chuẩn mực KTNN. Theo kế hoạch, Hệ thống chuẩn mực KTNN sửa đổi, bổ sung sẽ được ban hành trong quý II/2024.

KTNN cũng đã xây dựng và ban hành Hướng dẫn tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu đối với kiểm toán: Báo cáo tài chính doanh nghiệp, báo cáo tài chính ngân hàng, báo cáo quyết toán dự án đầu tư, báo cáo quyết toán đơn vị hành chính, báo cáo tài chính đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối với quy trình kiểm toán, ngoài quy trình kiểm toán được ban hành ngày 16/10/2020, KTNN đã ban hành Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng để thực hiện quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN.

Để đảm bảo an ninh, an toàn mạng trong hoạt động kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Quy chế quản lý, khai thác và sử dụng Cổng trao đổi thông tin của KTNN và phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin.

Hiện nay, Trung tâm Tin học đang xây dựng Dự thảo Quy chế hoạt động của Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin, an ninh mạng KTNN, dự kiến sẽ trình Tổng Kiểm toán nhà nước ký, ban hành trong quý III/2023.

1e.jpg
KTNN tổ chức các kháo đào tạo chuyên sâu về pháp luật. Ảnh: TS

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Kiểm toán nhà nước

Hằng năm, KTNN xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KTNN và các văn bản Luật khác có liên quan cho cán bộ, công chức và kiểm toán viên nhà nước. Các nội dung tuyên truyền bao gồm các luật mới được ban hành, các luật có liên quan đến tổ chức và hoạt động của KTNN; các văn bản pháp luật do Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành.

Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật, KTNN đã kết hợp tổ chức các buổi hội nghị tuyên truyền và gửi tài liệu tuyên truyền để các đơn vị trực thuộc tự xây dựng phương án đảm bảo hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị mình. Đồng thời, đưa nội dung tập huấn kiến thức về Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước vào chương trình, kế hoạch phổ biến pháp luật để tổ chức thực hiện.

Đối với các lĩnh vực chuyên môn sâu về pháp luật, KTNN mời các báo cáo viên có kinh nghiệm từ Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) tham gia giảng dạy và giải đáp các vướng mắc. Thông qua công tác tuyên truyền, các kiểm toán viên, công chức, viên chức của KTNN kịp thời cập nhật các luật mới, đồng thời nâng cao kiến thức pháp luật để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thể chế hóa Nghị quyết của Đảng vào tổ chức, hoạt động kiểm toán

Thời gian tới, KTNN sẽ tiếp tục quán triệt và thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào tổ chức và hoạt động của Ngành, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN.

Bám sát yêu cầu của Đề án: “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” và Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 để xác định các nhiệm vụ xây dựng thể chế thuộc trách nhiệm của KTNN; đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển và đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam và hệ thống văn bản pháp luật của KTNN.

Cùng với đó, KTNN tập trung nghiên cứu, cụ thể hóa đầy đủ và toàn diện quy định về KTNN trong Hiến pháp 2013, Luật KTNN hiện hành nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm toán đầy đủ, thống nhất và đồng bộ. Hoàn thiện Hệ thống chuẩn mực KTNN đảm bảo tiến độ; xây dựng quy định về việc truy cập, khai thác trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán.

Nâng cao chất lượng công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ xây dựng văn bản theo kế hoạch được ban hành. Các đơn vị được giao chủ trì soạn thảo văn bản phải xác định xây dựng thể chế là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, từ đó bố trí nhân lực, thời gian hợp lý để hoàn thành. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm về tiến độ và chất lượng văn bản và bố trí nhân sự tham gia Ban chỉ đạo, Tổ soạn thảo các văn bản pháp luật của KTNN.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và thực hiện pháp luật về KTNN bằng nhiều hình thức, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Tăng cường năng lực cho các đơn vị tham mưu, trong đó chú trọng tăng cường công chức có trình độ pháp luật, chuyên môn kiểm toán, kỹ năng, kinh nghiệm xây dựng pháp luật cho Vụ Pháp chế và các đơn vị tham mưu xây dựng thể chế.

KTNN sẽ tiếp tục triển khai các dự án, hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của các nhà tài trợ; khai thác, vận động các dự án dài hạn từ các nhà tài trợ và các đối tác phát triển song phương, đa phương; tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ quan kiểm toán tối cao khu vực và thế giới./.

KTNN đã vận động Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phê duyệt Chương trình hỗ trợ Tăng cường năng lực cho công chức KTNN giai đoạn 2023-2025; hoàn thiện các thủ tục và chính thức triển khai Dự án hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực và chia sẻ kiến thức về quản lý tài chính công do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ.

Bên cạnh đó, KTNN đã phối hợp với EU, KPMG và các đơn vị trong Ngành tổ chức 3 khóa đào tạo nâng cao cho 21 học viên về phần mềm phân tích dữ liệu lớn (IDEA) do EU tài trợ.

Cùng chuyên mục
Hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước