KTNN ngày càng hỗ trợ đắc lực, hiệu quả cho hoạt động của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Các báo cáo của KTNN gửi đến Quốc hội cung cấp số liệu, thông tin rất đầy đủ, kịp thời. Ngoài Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Hội đồng Dân tộc... thường xuyên sử dụng báo cáo của KTNN thì một số Ủy ban khác của Quốc hội cũng sử dụng nhiều số liệu của KTNN trong quá trình thảo luận, thẩm tra.
Trong các kỳ họp, tôi nhận thấy rất nhiều đại biểu sử dụng thông tin, số liệu mà KTNN cung cấp để thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN). Một số đại biểu cũng lồng ghép, dẫn chứng số liệu của KTNN khi phát biểu ý kiến để phản biện báo cáo của Chính phủ.
Bên cạnh đó, vừa qua, KTNN cũng đã nâng cao vai trò của mình trong thực hiện kiểm toán hoạt động, đưa ra ý kiến đánh giá về chủ trương đầu tư các công trình, dự án quan trọng quốc gia, làm căn cứ để Quốc hội xem xét, quyết định.
Có thể thấy, hiện nay, ngoài những đại biểu chuyên trách ở trung ương thường xuyên cập nhật số liệu, thông tin trong báo cáo kiểm toán thì các đại biểu Quốc hội ở địa phương cũng đã quen dần với việc tham khảo sử dụng thông tin từ báo cáo kiểm toán để phục vụ các bài phát biểu hay đặt câu hỏi chất vấn. Tôi cho rằng, đó là điều rất tốt mà KTNN cần phát huy để ngày càng hỗ trợ đắc lực, hiệu quả cho hoạt động của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội.
Báo cáo, số liệu kiểm toán là căn cứ quan trọng cho công tác thẩm tra
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.
Đối với Ủy ban Tài chính - Ngân sách và một số Ủy ban của Quốc hội, các báo cáo, số liệu của KTNN là một trong những căn cứ, thông tin đầu vào quan trọng để chúng tôi chuẩn bị nội dung các báo cáo thẩm tra, đánh giá các dự án luật và các nội dung Chính phủ trình Quốc hội.
Tại Kỳ họp thứ 5, KTNN đã gửi tới đại biểu Quốc hội Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021; Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2022; Báo cáo kết quả kiểm toán Quỹ bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế năm 2021; Báo cáo kết quả kiểm toán việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, trong các kỳ họp, KTNN còn cung cấp nhiều báo cáo kết quả kiểm toán một số chuyên đề được các đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội quan tâm như: Vấn đề đất đai, các dự án BOT, giám sát chuyên đề tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là các tài liệu quan trọng phục vụ cho công tác thẩm tra và cung cấp thông tin, số liệu để đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tham khảo, thảo luận, chất vấn, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước như: Tình hình thực hiện kinh tế - xã hội và dự toán NSNN, quyết toán NSNN, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội...
Bên cạnh đó, Báo Kiểm toán, Tạp chí Nghiên cứu Khoa học kiểm toán và các cơ quan báo chí khác cũng cung cấp nhiều thông tin cho đại biểu Quốc hội cũng như bạn đọc về hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán… Qua đó, tạo hiệu ứng tích cực, góp phần nâng cao vai trò, uy tín của ngành KTNN.
Kết quả kiểm toán là cơ sở để xem xét, hoàn thiện chính sách an sinh xã hội
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Lam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội
Trong các kỳ họp Quốc hội, KTNN thường gửi cho các đại biểu Quốc hội khá nhiều báo cáo với những thông tin, số liệu rất đầy đủ và tin cậy để các đại biểu nghiên cứu vấn đề mà mình quan tâm.
Tại Kỳ họp thứ 5, tôi rất quan tâm đến kết quả kiểm toán Quỹ Bảo hiểm xã hội. Những số liệu, đánh giá trong báo cáo kiểm toán là cơ sở để tôi và các đại biểu Quốc hội trao đổi, đánh giá về công tác quản lý nhà nước đối chính sách an sinh xã hội này, từ đó đề xuất với Chính phủ, Quốc hội để có giải pháp, chính sách kịp thời hơn.
Hơn nữa, sắp tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội thì những thông tin đánh giá của KTNN về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế càng có ý nghĩa quan trọng hơn.
Rõ ràng, những vấn đề bất cập, hạn chế đã được KTNN chỉ ra cần phải được xem xét, thảo luận kỹ lưỡng để đưa ra những chính sách phù hợp hơn, bảo đảm quyền lợi của người lao động. Qua báo cáo kiểm toán, tôi đặc biệt quan tâm đến chính sách hỗ trợ cho người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp hiện nay còn nhiều bất cập, chủ yếu mới giải quyết được phần trợ cấp, còn các chính sách dạy nghề, tư vấn việc làm chưa phát huy được hiệu quả. Bên cạnh đó, KTNN cũng chỉ ra các quỹ ngắn hạn còn kết dư lớn, điều này đòi hỏi chúng ta phải đánh giá về hiệu quả, tính thiết thực của các quỹ này.
Thông tin từ KTNN là căn cứ để đại biểu Quốc hội theo dõi, giám sát hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp)
Tôi rất ấn tượng với hoạt động kiểm toán và đánh giá cao vai trò, trách nhiệm cũng như những đóng góp của ngành KTNN trên các lĩnh vực.
Trong thời gian qua, KTNN đã tham gia sâu và đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống tiêu cực trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách. Hằng năm, KTNN ban hành kế hoạch kiểm toán, thực hiện nhiều cuộc kiểm toán chuyên sâu; chỉ rõ những vấn đề nổi cộm trong công tác tài chính ở địa phương, Bộ, ngành thực hiện chưa đúng theo Luật NSNN và pháp luật liên quan. Trên cơ sở đó có những đề xuất, kiến nghị để các đơn vị quản lý nhà nước, doanh nghiệp chấn chỉnh công tác quản lý, góp phần ổn định ngân sách, ổn định đầu tư công, giảm thiểu thấp nhất tiêu cực trong chi thường xuyên, chi đầu tư công và các lĩnh vực khác.
Từng KTNN khu vực, theo sự chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, hằng năm cũng thực hiện tích cực nhiệm vụ kiểm toán, nhằm giúp cơ sở làm tốt nhiệm vụ của mình trong quản lý, sử dụng ngân sách.
Đặc biệt, trong mỗi kỳ họp Quốc hội, ngoài các báo cáo thường niên theo quy định, Tổng Kiểm toán nhà nước còn gửi nhiều báo cáo về kết quả kiểm toán một số chuyên đề. Các báo cáo đã nêu ra những đơn vị, địa phương làm tốt, cũng như chỉ đích danh những nơi làm chưa tốt công tác quản lý, sử dụng ngân sách.
Những báo cáo đó đã góp phần giúp cho các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, hiểu rõ hơn về hoạt động kiểm toán cũng như hoạt động của NSNN, đầu tư công…, từ đó có thể tham gia, đóng góp trong quá trình thảo luận tại Quốc hội.
Đó cũng là căn cứ để các đại biểu Quốc hội theo dõi, giám sát các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực, cũng như tại địa phương. Cá nhân tôi nghiên cứu rất kỹ các báo cáo này để có ý kiến tham gia, góp ý với Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành quản lý việc sử dụng ngân sách, đầu tư công đạt được hiệu quả tốt nhất./.