Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ và công tác Đảng năm 2025 của KTNN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, ông ấn tượng với 10 sự kiện nổi bật của KTNN, đặc biệt năm 2024, KTNN Kỷ niệm 30 năm thành lập và đã khẳng định được sự phát triển trong 30 năm qua.
KTNN và Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả
Năm 2024, kinh tế - xã hội nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức do tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế trong nước bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu và các yếu tố tác động tiêu cực đến tất cả các ngành, các lĩnh vực, trong đó có ngành kiểm toán và ngành tài chính.
Thế nhưng, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, trong bối cảnh đó, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Quốc hội, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của KTNN trong việc phối hợp với Bộ Tài chính để đôn đốc thu nộp ngân sách. Đến thời điểm này, thu ngân sách nhà nước (NSNN) đã cán mốc 2 triệu tỷ đồng.
Năm 2024, Bộ Tài chính thực hiện thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra; kiểm toán của KTNN, đã thực hiện kiến nghị 165.000 tỷ đồng và thu hồi nợ 65.000 tỷ đồng, trong đó kiến nghị nộp ngân sách gần 20.000 tỷ, trong đó đã nộp ngân sách gần 15.000 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng, KTNN và Bộ Tài chính có chức năng, nhiệm vụ khác nhau nhưng có mối quan hệ rất mật thiết, gắn bó với nhau để cùng thực hiện mục tiêu quản lý tài chính, ngân sách quốc gia chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả.
Trong những năm qua, KTNN và Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả để thực hiện các nhiệm vụ, trong đó có 4 nhiệm vụ rất quan trọng.
Thứ nhất, phối hợp trong việc xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm toán và kế hoạch thanh tra tài chính. Hằng năm, Bộ Tài chính và KTNN đã cùng góp ý kiến để xây dựng kế hoạch kiểm toán và kế hoạch thanh tra tài chính nhằm tránh sự chồng chéo và kế thừa kết quả làm việc của nhau để có thể rút ngắn thời gian cũng như nâng cao hiệu quả làm việc.
Thứ hai, 2 cơ quan phối hợp trong công tác xây dựng dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương. Trong quá trình xây dựng dự toán NSNN, KTNN đã phối hợp với Bộ Tài chính ngay từ khâu tổ chức thảo luận dự toán với các Bộ, cơ quan trung ương, các địa phương.
Các ý kiến của KTNN đã giúp Bộ Tài chính có thêm thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu, lập và thuyết minh dự toán NSNN đảm bảo dự toán NSNN được xây dựng sát thực tế, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và mọi nguồn lực NSNN - Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn
Thứ ba, 2 bên phối hợp trong việc thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN. Hằng năm, trong quá trình kiểm toán NSNN và quyết toán NSNN, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với KTNN ngay từ khâu khảo sát, thu thập thông tin đến khâu lập và gửi báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN.
Sự phối hợp này thực hiện thông qua việc cung cấp các tài liệu, báo cáo giải trình vấn đề có liên quan đến quyết toán NSNN và đối chiếu, xác nhận số liệu quyết toán NSNN làm cơ sở cho KTNN lập báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN. Đồng thời, KTNN cũng đã xem xét, xác nhận tính trung thực, đầy đủ, hợp pháp của báo cáo quyết toán ngân sách hằng năm giúp Bộ Tài chính hoàn thiện báo cáo quyết toán ngân sách trình Chính phủ và Quốc hội.
2 cơ quan phối hợp trong việc xử lý các kết luận, kiến nghị của KTNN. Trong các năm qua, Bộ Tài chính luôn đôn đốc các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN, đảm bảo kết quả thực hiện hằng năm luôn đạt tỷ lệ trung bình trên 80% tổng số kết luận, kiến nghị của KTNN - Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn
Phối hợp kiểm toán các vấn đề dư luận quan tâm và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, trong năm 2025, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với KTNN trong thực hiện kế hoạch kiểm toán, đặc biệt trong việc kiểm toán các vấn đề dư luận quan tâm, gây nhiều bức xúc trước công luận, các nội dung liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hoặc là kiểm toán các tỉnh, thành phố có số thu, chi NSNN chiếm tỷ trọng lớn, các dự án, công trình đầu tư xây dựng cơ bản nhóm A, các chương trình mục tiêu quốc gia... Việc tham gia phối hợp này cũng sẽ nhằm đảm bảo tính toàn diện của kế hoạch kiểm toán, nhằm tăng độ tin cậy, giúp Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN.
Cùng với đó, để Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội và Chính phủ giao là đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật NSNN và các luật có liên quan để rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN, Bộ Tài chính mong muốn KTNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ để sửa Luật NSNN, Luật KTNN và các luật có liên quan.
Việc sửa đổi, bổ sung các luật nói trên là công việc khó khăn nhưng cũng rất thuận lợi do 2 cơ quan đang tinh gọn bộ máy để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả.
Hơn nữa, 2 cơ quan đang thực hiện chuyển đổi số rất tốt. Điều này cũng sẽ tạo thuận lợi trong việc rút ngắn thời gian quyết toán ngân sách - Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết./.