Ảnh minh họa - Nguồn: internet |
Covid-19 mang đến nhiều thách thức cho kiểm toán nội bộ
Theo khảo sát của Galvanize về tác động của kiểm toán trong thời kỳ khủng hoảng, 74% nhóm KTNB đang phải cập nhật kế hoạch kiểm toán của họ để giải quyết rủi ro Covid-19. Trong thực tế, cách tiếp cận kiểm toán truyền thống và việc không thích ứng cũng như thay đổi sẽ khiến cho các nhóm kiểm toán trở nên lỗi thời.
Đại dịch đã buộc các KTV phải làm việc từ xa và tạo ra những rủi ro mới cũng như làm gián đoạn các cuộc kiểm toán tại chỗ. Đồng thời, các KTV nội bộ cũng khó cung cấp cho các tổ chức sự hỗ trợ cần thiết, đây là một thách thức và tổn hại lớn đối với DN ngay cả khi không có khủng hoảng toàn cầu.
Ngoài ra, các KTV cũng phải đối mặt với thách thức về giao tiếp. Duy trì kết nối với đồng nghiệp và các bên liên quan trong khi phải làm việc hoàn toàn từ xa không phải là điều dễ dàng. Cùng với đó, việc phải dựa vào các công nghệ như nguồn cấp dữ liệu video trực tiếp về vị trí kiểm kê của khách hàng hoặc ảnh bằng chứng cũng mang lại không ít rủi ro cho các KTV về độ chính xác, an toàn dữ liệu, lẫn hiệu quả công việc.
Trước khi đại dịch bùng phát, các nhóm kiểm toán đã luôn phải cố gắng làm mọi thứ nhanh hơn và hiệu quả hơn, bởi họ thường không có đủ nguồn lực. Đến nay, tình trạng quá tải càng trở nên trầm trọng, bởi KTV phải làm nhiều việc hơn với nguồn nhân lực ít ỏi bị cắt giảm. Theo khảo sát của Galvanize, khoảng 1/3 các chức năng KTNB đã bị cắt giảm ngân sách do hậu quả của Covid-19 và 1/4 đang giải quyết tình trạng giảm biên chế.
Trong khi nhân lực bị hạn chế, KTNB lại gặp phải áp lực ngày càng gia tăng bởi các rủi ro mới nổi. Theo khảo sát của Viện Quản lý cung ứng (ISM) về tác động của Covid-19 đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, gần 75% DN đã trải qua sự gián đoạn với nguồn lực không đủ để tiếp tục hoạt động hoặc rủi ro từ bên thứ ba...
Rủi ro về an ninh mạng trong thời kỳ khủng hoảng như Covid-19 vừa là rủi ro hiện hữu vừa là rủi ro tiềm ẩn. Khi mọi người phải làm việc từ xa, tính an toàn của thiết bị cá nhân khó được đảm bảo. Ngoài ra, vấn đề bảo mật của các công cụ cộng tác dựa trên đám mây và quyền truy cập của người dùng cũng khó được xác định...
Để hỗ trợ cho tổ chức, KTNB cần phải đánh giá nhận thức của Ban Giám đốc về tất cả các rủi ro Covid-19 gián tiếp và trực tiếp. Trong một môi trường chuyển động nhanh và linh hoạt như hiện nay, các nhóm kiểm toán sẽ bị tụt hậu nếu họ nhất quyết tuân thủ theo một kế hoạch kiểm toán truyền thống.
Kiểm toán nhanh nhưng vẫn hiệu quả
Thay vì lập kế hoạch dài như kiểm toán truyền thống, quy trình kiểm toán linh hoạt tập trung vào việc lập kế hoạch lặp đi lặp lại, linh hoạt trong “nước rút” (các đợt lập kế hoạch, công việc và tăng cường cộng tác). Phương pháp kiểm toán linh hoạt mang lại nhiều lợi thế cho KTNB, trong đó có một số ưu điểm nổi bật như:
Giao tiếp nâng cao:Với cách tiếp cận kiểm toán linh hoạt, thông tin liên lạc sẽ phải thường xuyên hơn và đôi khi sẽ là thông tin không chính thức. Các cuộc họp trực tuyến độc lập diễn ra ngắn gọn và giúp các KTV nhanh chóng hiểu được những gì đã hoàn thành ngày hôm qua, những gì sẽ hoàn thành hôm nay và những nội dung nào có thể cản trở tiến trình kiểm toán.
Nhận biết nhanh chóng rủi ro mới xuất hiện: Kiểm toán nhanh dựa rất nhiều vào phân tích dữ liệu, việc thiết lập các chỉ số rủi ro và phân tích xu hướng sẽ cảnh báo cho KTV về các xu hướng mới nổi có thể tích cực hoặc tiêu cực. Việc phản ứng kịp thời với những xu hướng đó khi chúng bắt đầu xuất hiện sẽ giảm thiểu tác động sớm hơn nhiều so với các kỹ thuật kiểm toán truyền thống.
Đảm bảo thời gian thực: KTVcó thể đánh giá lại công việc của mình sau hai đến ba tuần. Điều này có nghĩa là kết quả và thông tin chi tiết được cập nhật nhanh hơn và phản hồi cũng nhanh hơn. Các KTV cũng có thể kết hợp ngay phát hiện của mình trong quá trình kiểm toán.
Trong thực tế, mọi khởi đầu đều sẽ khó khăn, nhưng các KTV cần hiểu rằng kiểm toán nhanh không phải là một cách tiếp cận tất cả hoặc không có gì. Họ có thể bắt đầu với quy mô nhỏ và vẫn sử dụng các phương pháp kiểm toán truyền thống bất cứ khi nào thấy cần thiết.
Theo nghiên cứu của Galvanize, để chuyển đổi sang kiểm toán nhanh, các nhóm KTNB có thể bắt đầu từ việc tự đánh giá các quy trình của riêng mình để xem vị trí và cách điều chỉnh nào phù hợp nhất. Ngoài ra, các nhóm cần tự đánh giá đội ngũ nhân viên hiện tại và xác định khả năng thích ứng của họ.
Thay vì chuyển ngay lập tức, KTNB có thể thực hiện trước một lộ trình minh họa cách tiếp cận nhanh và bắt đầu với bản dùng thử hoặc thử nghiệm để đánh giá và cập nhật khi cần thiết. Đồng thời, cần tích hợp một bộ công cụ hiện đại, bao gồm quy trình làm việc tự động, các mẫu được chuẩn hóa, đường dẫn kiểm tra tích hợp và báo cáo thời gian thực...
Đại dịch Covid-19 đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và tài chính trên khắp thế giới, đồng thời làm gián đoạn và thay đổi thói quen hằng ngày của chúng ta, bao gồm cả công việc và giao tiếp. Tuy nhiên, nó cũng đã làm cho các tổ chức trở nên linh hoạt và chủ động hơn. Khi bắt đầu tập trung vào kế hoạch hồi phục hậu Covid-19, toàn bộ DN - bao gồm cả KTNB càng nhanh nhẹn hơn càng tốt./.
THÙY LÊ
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).