
Ảnh: TS
Từ thông lệ quốc tế
Kiểm toán quản lý rác thải là một trong các biện pháp giúp giảm bớt những vấn đề do rác thải gây nên tại một quốc gia thông qua việc phơi bày bất cập của hệ thống quản lý lĩnh vực này và nhận diện những khu vực cần cải thiện.
Theo Hướng dẫn của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) và kinh nghiệm của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI), lựa chọn chủ đề kiểm toán quản lý rác thải đòi hỏi phải đánh giá kỹ lưỡng các rủi ro thiệt hại do rác thải gây ra, cũng như đánh giá mức độ trọng yếu dựa trên số người có thể bị ảnh hưởng và mức độ nghiêm trọng của các thiệt hại.
Rủi ro đối với tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực hay lòng tin của công chúng càng lớn thì vấn đề đó càng nghiêm trọng. Ở khâu này, kiểm toán viên cần lựa chọn chủ đề kiểm toán mang nhiều hàm nghĩa, có thể kiểm toán được và thể hiện chức trách của SAI.
Để lựa chọn được chủ đề kiểm toán phù hợp, việc xác định được rủi ro và phương pháp tiếp cận phù hợp đóng vai trò quan trọng. Trong quá trình lựa chọn chủ đề kiểm toán, kiểm toán viên cần đặt chủ đề đó dưới giác độ tác động đối với địa phương, quốc gia hay quốc tế bằng việc cân nhắc tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực.
Thông lệ tốt là kiểm toán viên đặt ra được các câu hỏi kiểm toán cụ thể nhằm xác định phạm vi và cách thức tổ chức cuộc kiểm toán. Kiểm toán cũng cần xác định phương pháp tiếp cận cho việc khảo sát để đáp ứng được mục tiêu kiểm toán.
Ví dụ, khi lựa chọn chủ đề chính sách, chiến lược và sự quan tâm của hệ thống chính trị về rác thải, kiểm toán viên xác định loại rủi ro gồm: tính tuân thủ, tính kinh tế, hiệu quả và phương pháp tiếp cận là định hướng hệ thống và đặt ra các câu hỏi liên quan đến chính sách về rác thải, việc áp dụng các biện pháp về quản lý rủi ro của Chính phủ, chiến lược thực hiện các mục tiêu liên quan đến rác thải.
Đến thực tiễn Việt Nam
Những năm gần đây, KTNN đã thực hiện một số cuộc kiểm toán môi trường, trong đó có chủ đề liên quan đến quản lý rác thải. Các cuộc kiểm toán này thường tập trung đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý môi trường, chỉ ra hạn chế, bất cập, lỗ hổng trong hệ thống pháp luật cũng như cơ cấu tổ chức để kiến nghị phù hợp, kịp thời.
Kết quả kiểm toán hoạt động quản lý và xử lý nước thải, chất thải các khu công nghiệp (4 cuộc kiểm toán cùng chủ đề này) cho thấy: Còn nhà máy xử lý nước thải không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, không có giấy phép xả thải, chất lượng nước thải không ổn định, có nhiều thời điểm vượt ngưỡng so với quy định; đa số người dân sống tại thôn, xã khu công nghiệp được phỏng vấn phản ánh nước thải khu công nghiệp ô nhiễm, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống; biện pháp quản lý về môi trường khu công nghiệp, nước thải công nghiệp chưa đồng bộ, khoa học, quyết liệt, chặt chẽ, chưa kịp thời phát hiện và ngăn ngừa triệt để các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường.
Qua kiểm toán hoạt động việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường và việc đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, rác thải trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2014-2018, KTNN chỉ rõ: Chưa có tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để xác định khối lượng cho việc duy trì vệ sinh môi trường cũng như giám sát tần suất thực hiện làm cơ sở xác định nghiệm thu khối lượng, chất lượng công việc... Việc đầu tư một số nhà máy chất thải, nước thải còn gặp khó khăn khi kêu gọi đầu tư...
Đáng lưu ý, cuộc kiểm toán hoạt động quét, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2019 được KTNN thực hiện trong bối cảnh sự phát triển kinh tế những năm gần đây đặt lên một áp lực rất lớn đối với môi trường, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường tại các đô thị và ngày càng vượt quá tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý. Qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện nhiều hạn chế, bất cập, trong đó có việc xây dựng và ban hành các văn bản quản lý hoạt động quét, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.
Thực tế cho thấy, việc lựa chọn chủ đề kiểm toán quyết định rất lớn đến sự thành công của cuộc kiểm toán. Có thể thấy, các chủ đề kiểm toán việc quản lý rác thải nói riêng và kiểm toán môi trường nói chung mà KTNN lựa chọn đều đảm bảo tính thời sự, tập trung vào những vấn đề đã và đang được dư luận quan tâm.
Chủ đề kiểm toán đã được lựa chọn trên cơ sở định hướng của Ngành, đề xuất của các KTNN chuyên ngành, khu vực, tham khảo ý kiến của các cơ quan có liên quan, ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Điều đó bước đầu đã tạo tiền đề cho sự thành công của cuộc kiểm toán.
Theo KTNN khu vực IV - đơn vị đã thực hiện thành công một số cuộc kiểm toán môi trường, trong đó có cả cuộc kiểm toán liên quan đến rác thải, khi lựa chọn chủ đề, cần có sự cân đối giữa tính khả thi của cuộc kiểm toán và tầm quan trọng của vấn đề. Nếu chủ đề quan trọng, được nhiều người quan tâm, có ngân sách lớn nhưng quá khó để thực hiện kiểm toán thì cũng không khả thi, hoặc ngược lại, vấn đề dễ thực hiện nhưng kết quả kiểm toán không được sự quan tâm của dư luận thì đó cũng là một cuộc kiểm toán thất bại.
Để tăng tính khả thi, cần có nguồn chủ đề kiểm toán giúp cho việc lựa chọn chủ đề được dễ dàng. Nguồn chủ đề nên tập trung vào các chương trình mục tiêu của quốc gia, của địa phương liên quan đến vấn đề môi trường. Ngoài ra, có thể tham khảo các thông tin, các vấn đề thời sự, dư luận xã hội về môi trường từ các kênh thông tin truyền thông để lựa chọn chủ đề kiểm toán.
Đồng thời, cần phân biệt giữa chủ đề kiểm toán và mục tiêu kiểm toán, trong đó mục tiêu kiểm toán cụ thể, rõ ràng hơn chủ đề. Có thể cân đối mục tiêu kiểm toán sao cho mục tiêu vẫn đảm bảo nằm trong chủ đề nhưng dễ thực hiện hơn./.