Quảng Ninh: Khách du lịch tăng gấp 1,54 lần, doanh thu tăng gấp 1,66 lần

BKTO) - Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết: 7 tháng qua, khu vực dịch vụ tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

quang-ninh-du-lich-287.jpg
7 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh Quảng Ninh tăng 17,5% so với cùng kỳ. Ảnh: Thuỳ Anh

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 17,5%, tổng lượng khách du lịch đến tỉnh tăng gấp 1,54 lần, doanh thu du lịch tăng gấp 1,66 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Cùng với đó, các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng, ngành điện phục hồi mạnh mẽ, sản lượng điện sản xuất tăng 15,3%. Đặc biệt, thu hút FDI đạt 60,4% kế hoạch năm 2023, tổng vốn thu hút trong nước ngoài ngân sách đạt 104,8% kế hoạch, vượt chỉ tiêu đề ra...

Các nhiệm vụ khác như quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, tài nguyên và môi trường, chuyển đổi số toàn diện được thúc đẩy; công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án trọng điểm, động lực, các dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp được tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ…

Qua cuộc kiểm toán ngân sách địa phương năm 2021 tỉnh Quảng Ninh và kiểm toán hoạt động việc thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư giai đoạn 2018-2021 tại Khu kinh tế Vân Đồn, Kiểm toán nhà nước kiến nghị chủ đầu tư và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Dân dụng và Công nghiệp kiểm điểm làm rõ lý do và xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với việc tạm ứng các gói thầu xây lắp nhưng không có thỏa thuận kế hoạch giải phóng mặt bằng theo quy định.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nhiệm vụ, kế hoạch, vẫn còn một số hạn chế như: tỷ lệ giải ngân vẫn còn thấp; việc phân khai vốn của các địa phương và tiến độ thu tiền sử dụng đất còn chậm đã làm ảnh hưởng đến chi đầu tư; tiến độ triển khai hoàn thiện các thủ tục đầu tư còn hạn chế so với chỉ đạo thực hiện.

Đến nay, còn 15/18 dự án cấp tỉnh chưa khởi công mới, trong đó có 6 dự án đã bố trí vốn từ đầu năm vẫn chưa khởi công.

Bên cạnh đó, phát triển doanh nghiệp có dấu hiệu chững lại do ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường và nền kinh tế...

Theo kế hoạch kiểm toán năm 2023, Kiểm toán nhà nước (KTNN) kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2022 của tỉnh Quảng Ninh; công tác quản lý, bảo vệ môi trường đối với các nhà máy nhiệt điện than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018-2022; việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tại Quảng Ninh giai đoạn 2020-2022.

Ông Cao Tường Huy - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung giải quyết ngay những khó khăn; tiếp tục nỗ lực, quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và quản lý chặt chẽ đầu tư công, phát huy vai trò của Ban chỉ đạo cấp tỉnh, rà soát khó khăn, giải quyết triệt để các vấn đề, tìm ra giải pháp để tăng thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công.

Triển khai ngay việc xây dựng dự toán ngân sách năm 2024, thực hiện lập đề án, đưa vào dự toán để thực hiện phân khai vốn sớm; đảm bảo tiến độ thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trong tháng 9/2023 theo đúng chỉ đạo, kế hoạch; triển khai sớm, đồng bộ, hiệu quả công tác chuẩn bị chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh 30/10 (1963-2023) thông qua việc đăng ký các công trình chào mừng, đẩy mạnh công tác tuyên tuyền để nhân dân tự hào về hành trình phát triển của tỉnh.

Các lực lượng chức năng nắm chắc tình hình, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; thực hiện quyết liệt các giải pháp đảm bảo an toàn lao động, phòng ngừa cháy nổ, cháy rừng; chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong mùa mưa bão.../.

Cùng chuyên mục
Quảng Ninh: Khách du lịch tăng gấp 1,54 lần, doanh thu tăng gấp 1,66 lần