Kiểm toán Quỹ đầu tư phát triển nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực công

(BKTO)- Việc kiểm toán Quỹ Đầu tư phát triển (ĐTPT) chủ yếu được KTNN khu vực I thực hiện trong quá trình kiểm toán ngân sách địa phương của 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Hòa Bình và Vĩnh Phúc). Qua kiểm toán Quỹ ĐTPT giai đoạn 2012-2018, đơn vị phát hiện nhiều bất cập trong hoạt động của Quỹ.



                
   

Ban Chủ nhiệm Đề tài cho biết: KTNN khu vực I đã kiến nghị Hội đồng quản lý Quỹ ĐTPT nghiêm túc đánh giá hoạt động để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực công

   
Thông tin trên được ThS. Vũ Thị Bắc và ThS. Đoàn Thanh Nhàn (KTNN khu vực I) cho biết tại buổi nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở: “Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán Quỹ đầu tư phát triển (Quỹ ĐTPT) do KTNN khu vực I thực hiện” mới đây.

Quỹ Đầu tư phát triển chưa thực hiện nghiêm quy định về cho vay, ứng vốn, cổ phần hóa...

KTNN khu vực I đã vận dụng quy trình kiểm toán của KTNN; Quy trình kiểm toán các tổ chức tài chính, ngân hàng và Quy trình kiểm toán NSNN khi tổ chức kiểm toán Quỹ ĐTPT.

Qua kiểm toán Quỹ ĐTPT giai đoạn 2012-2018, KTNN khu vực I đã phát hiện: Một số Quỹ cho vay, tạm ứng đã quá hạn nhưng không thu hồi các khoản cho vay, tạm ứng theo đúng quy định; một số Quỹ giải ngân cho vay, tạm ứng không đúng đối tượng; cho vay, ứng vốn cho các dự án đúng đối tượng song không có phương án hoàn trả cụ thể. Một số Quỹ chưa nghiêm thúc thoái vốn các khoản đầu tư; chưa thu nộp đầy đủ, kịp thời các khoản thu từ cổ phần hóa theo đúng quy định.

Một số Quỹ có tỷ lệ giải ngân, cho ứng vốn thấp song Hội đồng Quản lý Quỹ chưa đề xuất, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền điều chỉnh các nguồn lực đã giao cho các Quỹ. UBND một số tỉnh, thành phố không bố trí hoặc chưa trích lập đầy đủ vốn điều lệ cho các Quỹ; chưa trích lập đầy đủ kết dư ngân sách cho Quỹ dự trữ tài chính. Việc nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành các dự án sai đơn giá, định mức, khối lượng.

Từ các phát hiện này, KTNN khu vực I đã kiến nghị: các Quỹ ĐTPT nghiêm túc thực hiện quy định về cho vay, ứng vốn; thu hồi vốn vay, vốn tạm ứng; tuân thủ các quy định của Chính phủ đối với việc cổ phần hóa DN, tái cơ cấu nền kinh tế. Cơ quan có thẩm quyền xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan đến những sai phạm trong việc quản lý, sử dụng Quỹ. Hội đồng quản lý Quỹ nghiêm túc đánh giá hoạt động của các Quỹ để đảm bảo sử dụng nguồn lực công có hiệu quả…

Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động kiểm toán việc quản lý, sử dụng Quỹ ĐTPT cũng đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi KTNN phải đa dạng các loại hình kiểm toán, có các giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán.

Mặt khác, theo nhận định của Chính phủ, hoạt động của Quỹ còn những bất cập cơ bản như: mục tiêu chồng chéo, trùng lặp; chủ yếu phụ thuộc NSNN; một số Quỹ hoạt động không hiệu quả, bộ máy quản lý yếu kém; việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với các Quỹ còn nhiều hạn chế; chỉ một số quỹ có quy định về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Điều này đặt ra yêu cầu phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán đối với các Quỹ.

Chính vì vậy, việc hoàn thiện công tác kiểm toán Quỹ ĐTPT của KTNN khu vực I nói riêng và KTNN nói chung là cần thiết nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực công.

Cần hoàn thiện công tác kiểm toán Quỹ Đầu tư phát triển
                
   

Ban Chủ nhiệm Đề tài báo cáo tại buổi nghiệm thu

   
Để đảm bảo hiệu quả trong hoạt động kiểm toán nói chung và hoạt động kiểm toán Quỹ ĐTPT nói riêng, nhóm tác giả đề xuất KTNN nghiên cứu, xây dựng Quy trình kiểm toán Quỹ ĐTPT, trong ngắn hạn, có thể ban hành Đề cương kiểm toán hoặc hướng dẫn chi tiết. KTNN cần xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn để đẩy mạnh loại hình kiểm toán hoạt động nhằm đánh giá (hoặc xác nhận) tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động của các Quỹ ĐTPT, đặc biệt là sự cần thiết phải thành lập hoặc duy trì hoạt động của Quỹ; xây dựng hệ thống thông tin về đối tượng, hồ sơ và kết quả kiểm toán Quỹ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần được tiếp tục tăng cường nhằm nâng cao năng lực và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên nhà nước khi kiểm toán Quỹ ĐTPT.

Trong thời gian đầu, KTNN nên thực hiện những cuộc kiểm toán tuân thủ đối với vấn đề quản lý, sử dụng các nguồn tài chính của Quỹ ĐTPT, phân tích tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của các công trình, dự án sử dụng nguồn tài chính từ Quỹ này. Khi đã có đủ kinh nghiệm, kỹ năng và nguồn lực cần thiết như kinh phí, máy móc thiết bị, công nghệ…, KTNN cần đẩy mạnh việc thực hiện các cuộc kiểm toán hoạt động đối với vấn đề về quản lý, sử dụng nguồn tài chính từ Quỹ ĐTPT.

Bên cạnh kiểm tra, xác nhận việc tuân thủ các quy tắc về quản lý, sử dụng nguồn vốn của Quỹ, KTNN phải chú trọng đánh giá tác động của các chủ trương, chính sách, các chương trình/dự án khi sử dụng nguồn tài chính từ Quỹ ĐTPT; kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính của Quỹ ĐTPT.
         
Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở: “Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán Quỹ đầu tư phát triển do KTNN khu vực I thực hiện” do ThS. Vũ Thị Bắc và ThS. Đoàn Thanh Nhàn (KTNN khu vực I) đồng Chủ nhiệm. Hội đồng khoa học của KTNN vừa nghiệm thu và xếp loại Khá đối với Đề tài. Theo đánh giá của Hội đồng, Đề tài có thể được sử dụng và tham khảo khi xây dựng hướng dẫn kiểm toán Quỹ ĐTPT của KTNN.
Bài và ảnh: THÙY ANH
Cùng chuyên mục
Kiểm toán Quỹ đầu tư phát triển nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực công