Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 chậm tiến độ do các vướng mắc về chế độ, chính sách và huy động vốn. Ảnh: TTXVN
Chưa có chuyển biến tích cực tại một số dự án
Đối với Dự án Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ - một trong những dự án kém hiệu quả của PVN, nhìn chung, PVN và Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) đã xây dựng Kế hoạch hành động ban hành theo Quyết định số 4269/QĐ-BCĐDADNCT ngày 14/11/2017 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ và đã có một số kết quả nhất định. Đến thời điểm thông báo kết quả kiểm toán (tháng 12/2018), theo báo cáo của đơn vị thì PVTex đã khởi động vận hành lại 3 dây chuyền DTY của phân xưởng sợi Filament vào ngày 20/4/2018 và tiếp tục bảo dưỡng máy móc thiết bị, mua các hóa chất, xúc tác, phụ kiện để vận hành 6 dây chuyền DTY.
Hạn chế trong xử lý Dự án này là công tác định giá tài sản PVTex để làm cơ sở triển khai thực hiện phương án chuyển đổi chủ sở hữu Công ty chưa thực hiện được do PVTex chưa quyết toán dự án; PVN/PVTex đã làm việc với BIDV và các ngân hàng đồng tài trợ về cơ cấu nợ, giãn nợ, giảm lãi suất đối với khoản vay 221,3 triệu USD để đầu tư Dự án nhưng chưa đạt được kết quả. PVTex chưa có kế hoạch giải quyết dứt điểm đối với nghĩa vụ phải trả tiền cung cấp dịch vụ và thuê đất, bao gồm nợ gốc chưa trả và lãi trả chậm cho Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Đình Vũ và nợ quá hạn (chưa bao gồm lãi trả chậm) cần thanh toán theo khiếu kiện của hơn 110 nhà cung cấp khác.
Tại Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), đến thời điểm thông báo kết quả kiểm toán, các đơn vị liên quan mới bước đầu triển khai thực hiện phương án chuyển đổi chủ sở hữu và đang tiến hành xác định giá trị tàu 104.000 DWT; chưa tìm kiếm các đối tác tiềm năng để thực hiện phương án chuyển đổi chủ sở hữu Công ty; chưa chuẩn bị các thủ tục sẵn sàng trong trường hợp thực hiện phương án phá sản Công ty theo luật định. Điều này là chưa tuân thủ thời gian thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ của Kế hoạch hành động ban hành theo Quyết định số 4269/QĐ-BCĐDADNCT.
Đối với 3 dự án nhiên liệu sinh học (NLSH), với các diễn biến thực tế của thị trường, việc đưa Nhà máy NLSH Bình Phước của Công ty TNHH NLSH Phương Đông (OBF) vào vận hành thương mại sau khi hoàn thành công tác bảo dưỡng, sửa chữa như dự kiến ban đầu tại phương án vận hành lại Nhà máy đã được các cổ đông phê duyệt là không thể thực hiện được do không đảm bảo điều kiện doanh thu đủ bù đắp biến phí.
Khả năng PV Oil thoái vốn thành công tại OBF này rất khó khăn do hiện nay, giá trị tài sản cố định (nhà máy) xác định lại thấp hơn nợ gốc và lãi vay phải trả cho các ngân hàng tài trợ vốn. Với Dự án Nhà máy NLSH Phú Thọ thuộc Công ty Cổ phần Hóa dầu và NLSH Dầu khí (PVB), PVB đã triển khai việc mời thầu công khai các đối tác có năng lực và quan tâm đề xuất phương án hợp tác đầu tư hoàn thành Dự án nhưng kết quả không thành công do nhà thầu đã không đáp ứng được nguyên tắc và yêu cầu của chủ đầu tư đề ra trong Hồ sơ mời thầu.
Đến nay, PVB/PV Oil cũng chưa tìm được thêm đối tác nào quan tâm và đáp ứng được yêu cầu hợp tác đầu tư hoàn thành Dự án và phương án thoái vốn hoặc dừng triển khai, phá sản Công ty đều được đặt ra nhưng không thực hiện được do có nhiều vướng mắc tranh chấp Hợp đồng EPC và quyết toán Dự án. Còn với Dự án Nhà máy NLSH Dung Quất thuộc Công ty Cổ phần NLSH Dầu khí miền Trung, Tổng thầu PTSC đã chủ động ứng trước kinh phí xây hồ cigar để khắc phục bất cập của hệ thống xử lý nước thải trong khi chờ xử lý tranh chấp Hợp đồng EPC. Đến thời điểm kiểm toán, PTSC đã cơ bản hoàn thành hồ cigar, có thể tiếp nhận nước thải khi Nhà máy vận hành lại. Theo báo cáo của đơn vị, Nhà máy đã vận hành lại từ ngày 14/10/2018, sản xuất gần 1.500 m3 ethanol theo Hợp đồng hợp tác gia công với đối tác.
Một số vướng mắc tiềm ẩn rủi ro và giảm hiệu quả hoạt động của PVN
Kết quả của cuộc kiểm toán này cũng chỉ ra những vướng mắc của 3 dự án nhà máy nhiệt điện (Sông Hậu 1, Long Phú 1, Thái Bình 2) chậm tiến độ. Theo đó, tính đến ngày 30/9/2018, các dự án đều chậm tiến độ so với kế hoạch điều chỉnh được duyệt và có thể tiếp tục bị chậm, ảnh hưởng đến thời gian phát điện thương mại, tiềm ẩn phát sinh tăng chi phí đầu tư do yếu tố trượt giá, tỷ giá, chi phí quản lý dự án, chi phí lãi vay và các chi phí khác liên quan đến khoản vay, chi phí lưu kho bãi thiết bị…, làm giảm hiệu quả kinh tế của dự án so với phương án đã duyệt, có khả năng mất cân đối dòng tiền trả nợ cho các khoản vay đến hạn.
Cụ thể, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 đã chậm tiến độ khoảng 18 tháng, Long Phú 1 chậm khoảng 14 tháng và Thái Bình 2 chậm khoảng 52 tháng. Tiến độ các dự án bị chậm ngoài nguyên nhân do các vướng mắc về chế độ, chính sách; do khó khăn trong huy động vốn; ảnh hưởng của lệnh cấm vận còn có nguyên nhân do năng lực của một số nhà thầu hạn chế, một số công việc chủ đầu tư và nhà thầu triển khai thực hiện chậm so với kế hoạch, trong quá trình thực hiện dự án để xảy ra các sự cố.
Bên cạnh đó, việc tiếp nhận các DN và dự án của Vinashin về PVN tại thời điểm bàn giao còn nhiều khó khăn và yếu kém, tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng đến tình hình tài chính của PVN khi phát sinh nghĩa vụ trả nợ thay cho Vinashin nhưng đến nay chưa được giải quyết…
Thực tế kiểm toán cho thấy, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất nay là Công ty DQS tiếp tục khó khăn, doanh thu chủ yếu từ các hợp đồng đóng mới, sửa chữa trong ngành ngày càng bị thu hẹp, sụt giảm và không đủ bù đắp chi phí; tình hình tài chính của Công ty ngày càng mất cân đối nghiêm trọng, tiềm ẩn rủi ro đối với các khoản đã trả nợ thay cho Vinashin liên quan đến DQS.
Tại Dự án Khu công nghiệp Tàu thủy Nghi Sơn có nhiều vướng mắc về pháp lý đến nay không thể giải quyết dứt điểm, tài sản hầu hết được hình thành từ nguồn vốn vay, quy mô công suất lắp đặt lớn hơn nhiều lần so với nhu cầu thực tế của thị trường, tài sản dở dang lớn nhưng kém phẩm chất, không đồng bộ, không phát huy được hiệu suất sử dụng… Từ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị PVN cần tiếp tục làm việc với Bộ, ngành liên quan để xử lý các tồn đọng liên quan đến các DN và dự án mà PVN tiếp nhận từ Vinashin.
ĐỨC HUY
Theo Báo Kiểm toán số 41 ra ngày 10-10-2019