Kiểm toán trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường

(BKTO) – Kiểm toán trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường là xu hướng mà Kiểm toán nhà nước (KTNN) cần hướng tới. Bởi vậy, việc đề xuất các giải pháp tổ chức kiểm toán phù hợp là cần thiết.

tc-cuoc-1.jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Thùy Anh

Sáng 27/6, Ban Chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Tổ chức kiểm toán trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường” đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia trong Ngành để hoàn thiện Đề tài.

Đề tài do Cử nhân Nguyễn Thị Thái Hà - KTNN chuyên ngành II và ThS. Lê Văn Duẩn - KTNN chuyên ngành V - đồng chủ nhiệm.

Đề tài nghiên cứu thực trạng kiểm toán môi trường giai đoạn 2019-2022 của KTNN và đề xuất các giải pháp tổ chức kiểm toán trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường cho các giai đoạn tiếp theo.

Ban Chủ nhiệm Đề tài cho biết, trước đây, đa số các cuộc kiểm toán do KTNN thực hiện liên quan đến lĩnh vực môi trường chủ yếu tập trung vào việc đánh giá tính tuân thủ trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công… chưa chú trọng xem xét toàn diện công tác quản lý môi trường, cụ thể là Luật Bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, KTNN đã triển khai nhiều cuộc kiểm toán liên quan đến bảo vệ môi trường.

Giai đoạn 2020-2022, KTNN thực hiện khoảng 16 cuộc kiểm toán về môi trường. Ngoài các cuộc kiểm toán với mục tiêu đánh giá tính hiệu lực và tuân thủ trong hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường, KTNN còn thực hiện một số cuộc kiểm toán các chương trình liên quan đến bảo vệ môi trường.

Kết quả kiểm toán đã cho thấy nhiều vấn đề hạn chế về trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Ban Đề tài đã chỉ ra những hạn chế trong quá trình triển khai kiểm toán của KTNN và nguyên nhân như: Cơ sở pháp lý và hướng dẫn hoạt động kiểm toán chưa đầy đủ; nguồn nhân lực còn thiếu về số lượng; chất lượng công tác phối hợp với các cơ quan, địa phương còn bất cập từ khâu lập kế hoạch kiểm toán đến khâu giám sát việc thực hiện kiến nghị kiểm toán…

Nhóm tác giả cũng đã tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về kiểm toán trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường và bài học cho Việt Nam, như kinh nghiệm kiểm toán chất thải theo UNEP - Chương trình môi trường của Liên hợp quốc và UNIDO - Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc; kinh nghiệm kiểm toán môi trường tại Canada; kinh nghiệm kiểm toán môi trường ở châu Âu…

a-thang.jpg
Theo TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II, nên kiểm toán trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước trong việc sử dụng nguồn lực công để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về bảo vệ môi trường. Ảnh: Thùy Anh

Từ đó, Ban Chủ nhiệm Đề tài đề xuất 7 nhóm giải pháp để hoàn thiện tổ chức kiểm toán trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường của KTNN:

Hoàn thiện cơ sở pháp lý, hướng dẫn tổ chức kiểm toán trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường.

Xây dựng kế hoạch chiến lược về kiểm toán trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường.

Xây dựng các chủ đề kiểm toán trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường.

Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức kiểm toán trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường.

Tăng cường đào tạo nâng cao năng lực của kiểm toán viên và tuyên truyền, phổ biến về tổ chức kiểm toán trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường.

Tăng cường công tác phối hợp giữa KTNN và các Bộ, ngành trong kiểm toán trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường và theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Tăng cường hợp tác quốc tế về kiểm toán trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường của KTNN.

Tại Hội thảo, các chuyên gia nhận định đây là Đề tài mang tính thời sự, là một xu hướng kiểm toán mà KTNN cần hướng tới.

a-duan.jpg
ThS. Lê Văn Duẩn sẽ tiếp thu ý kiến để hoàn thiện Đề tài. Ảnh: Thuỳ Anh

Các nhà khoa học của KTNN cho rằng, để có cơ sở đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi trong việc tổ chức kiểm toán trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường của KTNN, Nhóm tác giả cần đánh giá đầy đủ hơn thực trạng kiểm toán nội dung này. Đồng thời lưu ý, trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường thuộc về nhiều Bộ, ngành, địa phương chứ không riêng gì Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Về tổ chức kiểm toán, theo các nhà khoa học của KTNN, nên theo hướng kiểm toán trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước trong việc sử dụng nguồn lực công để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về bảo vệ môi trường.

Từ đó, Nhóm tác giả đưa ra giải pháp tổ chức kiểm toán phù hợp từ khâu lập kế hoạch chiến lược, kế hoạch kiểm toán trung hạn, kế hoạch hằng năm, kế hoạch cuộc kiểm toán đến khâu công khai kết quả kiểm toán, theo dõi và kiểm tra thực hiện kiến nghị về bảo vệ môi trường…

ThS. Lê Văn Duẩn thay mặt Nhóm tác giả tiếp thu ý kiến góp ý của các nhà khoa học và sẽ bổ sung, chỉnh sửa Đề tài trước khi đưa ra Hội đồng nghiệm thu./.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường