Các dự án đô thị xanh vay vốn ADB chưa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn

(BKTO) - Qua kiểm toán tại các Ban quản lý dự án thực hiện Dự án đô thị xanh vay vốn ADB tại tỉnh: Hà Giang, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế, Kiểm toán nhà nước (KTNN) kết luận các dự án đều chưa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn. Tuy số vốn bố trí cho các Dự án bị thiếu nhưng trong quá trình thực hiện, tỷ lệ giải ngân đạt thấp và phải hủy dự toán rất lớn.

t5.jpg
Tổng số vốn giải ngân từ khi triển khai Dự án đô thị xanh tại tỉnh Thừa Thiên Huế đến hết ngày 30/6/2022 chỉ đạt 29,7% trên tổng số vốn được giao. Ảnh sưu tầm

Chưa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Hà Giang, Chủ đầu tư không lập, không cập nhật kế hoạch tổng thể thực hiện Dự án, cũng như không lập kế hoạch thực hiện Dự án hằng năm theo quy định tại Nghị định số 16/2016/NĐ-CP. Trách nhiệm này được KTNN chỉ rõ thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế và Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hà Giang.

Còn tại tỉnh Vĩnh Phúc, KTNN phát hiện, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được bố trí chưa phù hợp với tổng mức đầu tư được phê duyệt tại Quyết định số 975/QĐ-UBND ngày 29/3/2017.

Cụ thể, so với tổng mức đầu tư được phê duyệt, vốn ODA bố trí thiếu 4,496 tỷ đồng và vốn đối ứng bố trí thiếu 22,418 tỷ đồng. Tình trạng này cũng xảy ra đối với Dự án tại tỉnh Hà Giang và Thừa Thiên Huế.

Theo kết quả kiểm toán, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Hà Giang bố trí vốn cho Dự án chưa phù hợp với tổng mức đầu tư được duyệt tại Quyết định số 2599a/QĐ-UBND ngày 26/11/2018 của UBND tỉnh Hà Giang.

Trong đó, vốn ODA bố trí thiếu 151,635 tỷ đồng; vốn đối ứng bố trí thiếu 26,667 tỷ đồng. Thế nhưng KTNN cũng chỉ rõ, tỉnh Hà Giang đã xây dựng Kế hoạch vốn hằng năm lũy kế đến năm 2022 chưa phù hợp với Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, vốn đối ứng lập cao hơn 25,35 tỷ đồng so với Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã phê duyệt và cao hơn so với tổng mức đầu tư đã được duyệt.

Đáng chú ý hơn cả là tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bố trí cho Dự án thiếu 612,068 tỷ đồng vốn ODA và thiếu 25,648 tỷ đồng vốn đối ứng so với tổng mức đầu tư được duyệt tại Quyết định số 1139/QĐ-UBND ngày 13/5/2022 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tuy số vốn bố trí cho Dự án bị thiếu nhưng trong quá trình quản lý, sử dụng của các địa phương lại bộc lộ nhiều bất cập. KTNN phát hiện tại tỉnh Vĩnh Phúc, số dự toán được giao không sử dụng hết phải hủy từ khi thực hiện Dự án đến hết năm 2021 là gần 480,65 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng bị hủy 242,005 tỷ đồng và vốn ODA bị hủy 238,644 tỷ đồng.

Cùng với việc chưa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn thì tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch cũng đạt thấp khi tính đến ngày 30/6/2022, tỷ lệ giải ngân mới là 309,496 tỷ đồng, chỉ đạt 24,27% so với kế hoạch vốn được giao.

Tương tự, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, việc sử dụng vốn cũng chưa hiệu quả khi dự toán không sử dụng hết phải hủy là 460,304 tỷ đồng (vốn đối ứng bị hủy 18,704 tỷ đồng, vốn ODA bị hủy 441,599 tỷ đồng). Tổng số giải ngân từ khi triển khai đến hết ngày 30/6/2022 là 359,07 tỷ đồng, đạt 29,7% trên tổng số vốn được giao.

Còn tại tỉnh Hà Giang, dự toán vốn không sử dụng hết phải hủy là 379,13 tỷ đồng. Đây cũng là địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp nhất trong 3 tỉnh được kiểm toán, cụ thể giá trị giải ngân là 160,836 tỷ đồng, chỉ đạt 17,2% trên tổng số vốn được giao.

Quản lý tài chính, dự án đầu tư xây dựng công trình chưa chặt chẽ

Đánh giá về việc chấp hành chế độ tài chính, kế toán và Hiệp định vay vốn, viện trợ, KTNN cho biết, tại tỉnh Vĩnh Phúc, đến thời điểm kiểm toán, Kho bạc Nhà nước chưa xác nhận ghi thu, ghi chi 5,997 tỷ đồng. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đơn vị chưa ghi giảm nguồn vốn ODA (vốn vay) số tiền 715 triệu đồng.

Còn tại tỉnh Hà Giang, tại thời điểm ngày 30/6/2022, các đơn vị đã thực hiện đối chiếu công nợ với các nhà thầu theo quy định nhưng chưa đầy đủ. Tỷ lệ đối chiếu nợ phải trả đạt 85,49% (3,585 tỷ đồng/4,193 tỷ đồng); tỷ lệ đối chiếu nợ phải thu đạt 83,43% (34,767 tỷ đồng/41,673 tỷ đồng).

Trách nhiệm của những bất cập trên thuộc về các Ban quản lý dự án tại các tỉnh: Hà Giang, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế - KTNN nêu rõ.

Liên quan đến việc chấp hành chế độ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và Hiệp định vay vốn, viện trợ, KTNN đã phát hiện một số bất cập tại tỉnh Hà Giang khi lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh Dự án.

Đơn cử, công trình kè bờ sông Miện đã không tính toán ổn định của kè chân và kè bậc cấp. Hệ số ổn định tại các mặt cắt của công trình kè bờ sông Miện, bờ Tây sông Lô, bờ Nam suối Mè chưa đảm bảo theo quy định, sau đã được tính toán, điều chỉnh tại bước thiết kế bản vẽ thi công.

Bên cạnh đó, việc xác định cơ cấu nguồn vốn cho một số khoản chi tư vấn quản lý dự án chưa phù hợp, dẫn đến quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, làm ảnh hưởng đến tiến độ Dự án.

Để tháo gỡ, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức nhiều cuộc họp với chủ đầu tư, tư vấn, ADB và các cơ quan liên quan, chỉ đạo các ban, sở, ngành khẩn trương giải quyết những vướng mắc.

Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm toán, những khó khăn, vướng mắc liên quan đến chi phí tư vấn quản lý dự án vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Về công tác thiết kế, dự toán, KTNN chỉ ra tại tỉnh Vĩnh Phúc, công tác khảo sát, thiết kế còn chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, quá trình thực hiện phải cắt giảm, điều chỉnh một số khối lượng công việc tại gói thầu VY-CW02 giá trị 285 triệu đồng; gói thầu VY-CW05 giá trị 2,292 tỷ đồng.

Dự toán còn tính chưa chính xác về khối lượng, trùng chi phí một số công việc tại gói thầu VY-CW03 giá trị 560 triệu đồng; tại tỉnh Thừa Thiên Huế có gói thầu số 35 phải điều chỉnh giá trị 69 triệu đồng; gói thầu rà phá bom mìn của Dự án tại tỉnh Hà Giang phải điều chỉnh 30 triệu đồng.

Hơn nữa, dự toán còn tính sai định mức, đơn giá nhân công làm tăng giá trị dự toán 2,398 tỷ đồng của Dự án ở tỉnh Hà Giang; thậm chí còn tính thêm chi phí một số chuyên đề làm tăng giá trị dự toán gói thầu lập báo cáo đánh giá tác động môi trường số tiền 111 triệu đồng.

Đối với gói thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án ở tỉnh Vĩnh Phúc đã dự toán nội dung lập quy hoạch chi tiết 1/500 phát triển hệ thống cây xanh tại khu vực phía Nam hồ Đầm Vạc chưa phù hợp với quy định làm tăng giá trị dự toán gần 644 triệu đồng.

Cũng tại Dự án này, chi phí biên dịch hồ sơ được xác định ở mức 50% chi phí lập báo cáo nghiên cứu khả thi của các hợp phần với tổng số tiền 1,256 tỷ đồng là chưa đủ cơ sở và chưa tuân thủ quy định của Bộ Xây dựng.

Tuy nhiên, KTNN nêu rõ, những vấn đề tồn tại này không làm ảnh hưởng đến kết quả lựa chọn nhà thầu, giá trúng thầu, giá hợp đồng và chi phí đầu tư, do dự toán được duyệt là 19,942 tỷ đồng, còn giá trị hợp đồng là 16,78 tỷ đồng…/.

Cùng chuyên mục
Các dự án đô thị xanh vay vốn ADB chưa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn