Kiến nghị kiểm toán giúp nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công

VIẾT CHUNG (thực hiện) | 18/09/2023 17:01

(BKTO) - Từ kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN), tỉnh đã tăng cường quản lý đầu tư công, thường xuyên rà soát để đảm bảo các chương trình, dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm được triển khai theo quy định của Luật Đầu tư công; đảm bảo hiệu quả. Đây là chia sẻ của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên với Báo Kiểm toán.

Chính phủ đang nỗ lực đốc thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Vậy địa phương đang triển khai những biện pháp nào để kích hoạt mạnh mẽ nhiệm vụ này, thưa ông?

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, ngay từ cuối năm 2022, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai các nghị quyết của Chính phủ, nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; giao chỉ tiêu kế hoạch nhà nước và kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 cho các cơ quan đơn vị, UBND các huyện, thị xã thành phố các chủ đầu tư dự án để tổ chức triển khai ngay từ những ngày đầu năm 2023.

a.jpg
Ông Trịnh Văn Diễn - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Nguyễn Lộc

Tỉnh Hưng Yên đã quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2022; đồng thời triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023; trong đó như:

Ban thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 44-CT/TU ngày 15/3/2023 về lãnh đạo thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025; trong đó yêu cầu: hoàn thành quyết định chủ trương đầu tư các dự án trước ngày 30/6/2023, phê duyệt các dự án đầu tư và phân bổ vốn cho từng dự án trước ngày 31/12/2023; rút ngắn thời gian triển khai, thi công các dự án đầu tư gắn với đảm bảo chất lượng công trình, phấn đấu kể từ khi có quyết định phê duyệt dự án đầu tư, dự án nhóm A triển khai thi công không quá 3 năm; dự án nhóm B triển khai không quá 2 năm; dự án nhóm C triển khai thi công không quá 1 năm…

Triển khai thực hiện kế hoạch, Thường trực Tỉnh ủy thường xuyên đi kiểm tra thực địa, đôn đốc, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh ngay từ tháng 02/2023.

UBND tỉnh thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; thường xuyên tổ chức các cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư dự án triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, phấn đấu hoàn thành kế hoạch vốn đã giao.

Ông có thể cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác quản lý, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh thời gian qua?

Qua 3 năm triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, mặc dù chịu nhiều tác động cũng như những khó khăn, thách thức từ đại dịch Covid-19, giá cả nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, nguồn cung hạn chế, lạm phát…, tỉnh Hưng Yên vẫn duy trì tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hằng năm vượt so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Cụ thể, năm 2021, toàn tỉnh giải ngân 6.248,6 tỷ đồng, đạt 161% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (3.880,2 tỷ đồng); năm 2022, toàn tỉnh giải ngân 9.972 tỷ đồng, đạt 214% so với kế hoạch được giao (4.570,2 tỷ đồng). Tính đến giữa tháng 7/2023, toàn tỉnh giải ngân 4.120 tỷ đồng, đạt 34,3% so với kế hoạch được giao (12.006,4 tỷ đồng), dự kiến đến hết năm giải ngân vẫn vượt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Để đạt được những kết quả này, ngoài sự nỗ lực của địa phương, KTNN cũng đóng góp một phần quan trọng thông qua hoạt động kiểm toán. Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi mong KTNN tiếp tục tổ chức kiểm toán định kỳ về ngân sách nhà nước tại địa phương, qua đó hỗ trợ cho tỉnh nói chung và ngành kế hoạch, đầu tư nói riêng nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Đồng thời, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm toán để các đơn vị được kiểm toán có thể trao đổi, phối hợp và cung cấp tài liệu qua hệ thống mạng.

b.jpg
Hoạt động kiểm toán giúp địa phương đạt được nhiều kết quả tích cực. Ảnh: Nguyễn Lộc

Như ông đã nêu, KTNN có đóng góp nhất định vào kết quả giải ngân đầu tư công của tỉnh. Là cơ quan tham mưu cho tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất những giải pháp nào để thực hiện tốt các kiến nghị kiểm toán, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công tại địa phương?

Thực hiện kiến nghị của KTNN, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực tham mưu, đôn đốc triển khai nhiều công tác, gắn với chức năng, nhiệm vụ được giao, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý chuyên ngành, lĩnh vực.

Cụ thể, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ưu tiên bố trí vốn cho các công trình, dự án đã hoàn thành, dự án chuyển tiếp, không đầu tư dàn trải, nhiều dự án khởi công mới trong giai đoạn 2021-2025 đã được phân bổ cơ bản đủ vốn cấp tỉnh quản lý trong 2 năm.

Sở cũng tăng cường quản lý đầu tư công, thường xuyên rà soát để đảm bảo các chương trình, dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm được triển khai theo quy định của Luật Đầu tư công; quản lý chặt chẽ việc sử dụng các nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Đồng thời thường xuyên phối hợp, trao đổi với các cơ quan, đơn vị, các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư dự án trong triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

Theo dõi, đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công định kỳ theo chế độ báo cáo quy định; trong đó, chú trọng kết quả thực hiện, những bất cập, hạn chế, qua đó đưa ra những đề xuất kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết khó khăn, vướng mắc kịp thời.

Năm 2023, tỉnh Hưng Yên được Thủ tướng Chính phủ giao vốn đầu tư 12.006,4 tỷ đồng, bao gồm 2.447,1 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương và 9.559,3 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành phân bổ 100% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Qua 6 tháng triển khai thực hiện, nhìn chung, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đạt được kết quả khá so với bình quân chung cả nước và so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến ngày 18/7/2023, giải ngân được 4.120 tỷ đồng, đạt 34,3% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 1.673 tỷ đồng so với 6 tháng năm 2022, tương ứng mức tăng 68,4%.

Về công tác xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, Sở đã thực hiện rà soát nợ đọng xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh hằng năm, qua đó làm cơ sở để UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong việc xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản. Đến năm 2022, đã xử lý dứt điểm số nợ đọng xây dựng cơ bản cấp tỉnh quản lý.

Về công tác đôn đốc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh, Sở Tài chính theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của các công trình, dự án; ban hành nhiều văn bản đôn đốc các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, qua đó góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của toàn tỉnh./.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục
Kiến nghị kiểm toán giúp nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công