Kiến nghị kiểm toán góp phần hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về xây dựng

Từ kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN), Bộ Xây dựng đã rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế quản lý, tiêu chuẩn quốc gia về xây dựng, giúp nâng cao năng suất, giảm giá thành, tăng hiệu quả kinh tế. Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) Vũ Ngọc Anh đã chia sẻ với phóng viên Báo Kiểm toán về vấn đề này.

7-pgs.ts-anh(1).jpg
PGS,TS. Vũ Ngọc Anh. Ảnh: N.LỘC

Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong việc xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về xây dựng?

Hiện nay, khoảng 35,5% tổng ngân sách khoa học, công nghệ (KHCN) của Bộ Xây dựng được cấp cho chi thường xuyên; 4,5% ngân sách chi cho tăng cường năng lực, sửa chữa nhỏ cơ sở vật chất của các đơn vị sự nghiệp KHCN; 60% còn lại chi cho các nhiệm vụ KHCN giải quyết vấn đề phát sinh từ thực tiễn, các nhiệm vụ KHCN được giao và các hoạt động xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Là lĩnh vực liên ngành, gắn với hầu hết các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tạo cơ sở ứng dụng cho nhiều lĩnh vực khác. Những tiêu chuẩn được ban hành chính là minh chứng cho giá trị của KHCN làm thay đổi cuộc sống.

Theo đó, từ hoạt động nghiên cứu khoa học đã cung cấp các giải pháp để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn như: Các hướng dẫn kỹ thuật, sổ tay kỹ thuật, quy trình kỹ thuật giúp ích cho các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương; các doanh nghiệp, nhà thầu hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, quản lý, thi công xây dựng; nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất vật liệu xây dựng nhằm nâng cao năng suất, giảm giá thành, tăng hiệu quả kinh tế, đóng góp vào sự phát triển chung kinh tế - xã hội của đất nước…

Đáng chú ý, ngành xây dựng đã thực hiện rà soát, sửa đổi, hoàn thiện bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực xây dựng theo hướng cập nhật tiêu chuẩn mới, phù hợp với sự phát triển trên thế giới. Đơn cử, Bộ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực xây dựng trước đây gồm 29 quy chuẩn, sau khi được sắp xếp, tích hợp và quy hoạch lại còn 12 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, được Bộ Xây dựng ban hành tại Quyết định số 666/QĐ-BXD ngày 29/5/2020 và Quyết định số 843/QĐ-BXD ngày 12/7/2021…

Qua kiểm toán, KTNN đã chỉ ra nhiều vướng mắc, bất cập trong các quy định, quy trình về KHCN. Từ thực tiễn triển khai, ông đánh giá ra sao về vấn đề này?

Mặc dù Đảng và Chính phủ có nhiều chủ trương, chính sách để ưu tiên phát triển KHCN, muốn “cởi trói” về cơ chế cho các nhà khoa học. Tuy nhiên, quá trình triển khai cho thấy còn nhiều vấn đề phải tháo gỡ để KHCN phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

7-.jpg
Sự đổi mới, hoàn thiện tiêu chuẩn quốc gia về xây dựng, giúp nâng tầm đô thị. Ảnh: N.LỘC

Trong quá trình thực thi chính sách cho thấy, quy định pháp luật về KHCN còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tiễn, đúng như đánh giá của KTNN. Nguyên nhân chủ yếu do sự thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ giữa các quy định về hoạt động KHCN với các quy định có liên quan khác, dẫn tới nhiều chính sách ban hành mang ý nghĩa đột phá nhưng lại khó khăn khi triển khai.

Bên cạnh đó, quy trình phê duyệt danh mục, đề cương, dự toán chi tiết, quyết toán, thanh lý các nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) không phù hợp với tính chất, đặc thù nghiên cứu khoa học. Với các nhiệm vụ có tính chất cấp bách, đột xuất cần phải giao việc, giao kinh phí ngay nhưng phải tuân thủ theo quy trình nhiều bước và phải chờ cấp kinh phí theo quy định của Luật NSNN... Các vấn đề này đang là rào cản, không khích lệ các nhà nghiên cứu có tâm huyết tập trung nghiên cứu, đóng góp.

Ngoài ra, nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của KHCN trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, sức cạnh tranh còn hạn chế. Doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc đổi mới công nghệ; chưa có một hệ sinh thái để gắn kết giữa nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm, với chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Thị trường KHCN nói chung, trong lĩnh vực xây dựng nói riêng chưa phát triển...

Trước những bất cập như vậy, Bộ Xây dựng đã có giải pháp như thế nào để đảm bảo thực hiện tốt kiến nghị kiểm toán, cũng như đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra hiện nay, thưa ông?

Qua các đợt kiểm toán (2 năm 1 lần), bên cạnh việc ghi nhận những kết quả đạt được của Bộ, KTNN đã chỉ ra một số bất cập, thiếu sót trong quá trình quản lý và thực hiện nhiệm vụ KHCN tại Bộ Xây dựng như: Tổ chức giao nhiệm vụ theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, một số nhiệm vụ KHCN chưa thực hiện việc đăng ký Giấy chứng nhận sản phẩm KHCN với Bộ KHCN... Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các tồn tại này, trong đó phần lớn bắt nguồn từ vướng mắc trong quy định như đã nêu trên. Song, về phía Bộ, lãnh đạo Bộ đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị giải trình kịp thời, đầy đủ với KTNN, cũng như đã tổ chức chấn chỉnh nghiêm túc, triệt để.

Qua thực hiện kiến nghị kiểm toán, Bộ Xây dựng đã có những rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế quản lý nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, từng bước nâng cao chất lượng quản lý và thực hiện các nhiệm vụ KHCN của Bộ; chấn chỉnh, nhắc nhở, đôn đốc các đơn vị thực hiện các bước sau khi nghiệm thu cấp Bộ đúng quy định và hướng dẫn của Bộ KHCN.

Với vai trò là cơ quan tham mưu giúp việc lãnh đạo Bộ trong lĩnh vực KHCN và môi trường, Vụ KHCN và Môi trường đã tham mưu lãnh đạo Bộ đề ra giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý kinh phí hoạt động KHCN, cũng như thực hiện nhiệm vụ KHCN; đổi mới, hoàn thiện công tác lập kế hoạch, giao dự toán, đề tài...

Từ kiến nghị kiểm toán, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chế quản lý hoạt động KHCN của Bộ. Có thể nói, đây là văn bản rất quan trọng, điều chỉnh toàn bộ hoạt động KHCN của Bộ và từ đây, việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu của các đơn vị trực thuộc Bộ đã đi vào nền nếp. KTNN khi kiểm toán vấn đề này tại Bộ Xây dựng gần đây cũng đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực này.

Từ sự nỗ lực của toàn Ngành, cùng với tác động của các kiến nghị kiểm toán, Bộ đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ KHCN. Trong đó, Bộ đã đưa những ảnh hưởng của KHCN vào đổi mới hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật ngành xây dựng trên cơ sở chuyển đổi các tiêu chuẩn nòng cốt theo định hướng mới có tính đồng bộ, hội nhập quốc tế, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong các hoạt động xây dựng; hướng tới các tiêu chí tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, giảm thiểu phát thải, bảo vệ an ninh quốc gia.

Xin trân trọng cảm ơn ông/.

Cùng chuyên mục
  • Phát huy năng lực, trí tuệ cán bộ nữ Kiểm toán nhà nước
    một năm trước Kiểm toán
    (BKTO) - Được sự quan tâm của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước (KTNN), cấp ủy, Công đoàn và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc về công tác cán bộ nữ, nhất là với nhiều chính sách cụ thể trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm... đã tạo điều kiện để cán bộ nữ ngày càng phấn đấu và trưởng thành.
  • Kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách: Mục tiêu và kỳ vọng
    một năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chính thức triển khai kiểm toán Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách năm 2022 của 10 Bộ, cơ quan Trung ương, trong đó có KTNN. Sự chủ động, khẩn trương triển khai nhiệm vụ này nhằm góp phần thực hiện tốt mục tiêu của toàn Ngành và yêu cầu của Quốc hội.
  • Ngăn chặn tình trạng thao túng giá đất
    một năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Qua thực tiễn kiểm toán, Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực XIII chỉ rõ: Các quy định pháp luật cần ngăn chặn được những giao dịch có tính “thổi” giá hoặc “dìm” giá đất, những giao dịch giả tạo, hiện tượng thông đồng trong hoạt động đấu giá. Khi lựa chọn bất động sản để so sánh cần đánh giá loại trừ những giao dịch có dấu hiệu bất thường về giá.
  • Anh: Kiểm toán công tác thu Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phương tiện giao thông
    một năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Kiểm toán nhà nước Vương quốc Anh (NAO UK) vừa công bố báo cáo thường niên về việc thu Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phương tiện giao thông (VED) của Cơ quan Cấp phép lái xe và phương tiện giao thông (DVLA) - cơ quan chịu trách nhiệm thu VED theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
  • Không ngừng bồi đắp lòng yêu nước, tự hào nghề nghiệp từ lời dạy của Bác
    một năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Ngày 31/10, Đảng ủy Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực V đã tổ chức Hội nghị Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với chuyên đề “Nêu cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cho toàn thể đảng viên, công chức và người lao động đơn vị.
Kiến nghị kiểm toán góp phần hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về xây dựng