Kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách: Mục tiêu và kỳ vọng

(BKTO) - Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chính thức triển khai kiểm toán Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách năm 2022 của 10 Bộ, cơ quan Trung ương, trong đó có KTNN. Sự chủ động, khẩn trương triển khai nhiệm vụ này nhằm góp phần thực hiện tốt mục tiêu của toàn Ngành và yêu cầu của Quốc hội.

6-thay(1).jpg
Toàn cảnh Hội nghị Công bố quyết định kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022. Ảnh: H.THÀNH

Thực thi pháp luật, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội

Kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách các Bộ, cơ quan Trung ương là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch kiểm toán năm 2023. Việc triển khai nhiệm vụ này còn nhằm thực thi các quy định của pháp luật. Theo Điều 71 Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015, KTNN phải kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN và báo cáo quyết toán ngân sách địa phương trước khi trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê chuẩn. Điều 33 Luật KTNN quy định: “Việc kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN các cấp thực hiện trước khi Quốc hội, Hội đồng nhân dân phê chuẩn quyết toán ngân sách…”. Nội dung này cũng đã được cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và kế hoạch kiểm toán trung hạn của KTNN qua từng thời kỳ.

Tại Hội nghị công bố quyết định kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 ngày 30/10, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cũng nhấn mạnh: Việc triển khai kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương nhằm thực hiện Luật KTNN, Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2030 và đáp ứng yêu cầu của Quốc hội. KTNN phải thực hiện nhiệm vụ này để hướng tới kiểm toán 100% báo cáo quyết toán ngân sách hằng năm giai đoạn 2026-2030. Đây là cơ sở để KTNN tổng hợp số liệu, xây dựng báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách hằng năm trình Quốc hội.

Do vậy, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung mong rằng các Bộ, ngành chia sẻ nhiệm vụ này của KTNN. “Có những đơn vị, KTNN sẽ phải trở lại làm việc lần thứ hai bởi theo quy định của pháp luật, các Bộ, cơ quan hoàn thành báo cáo quyết toán ngân sách vào ngày 01/10 hằng năm. Vì vậy, sau thời điểm này, KTNN mới có thể kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm: “KTNN là đơn vị sử dụng NSNN như các Bộ, cơ quan khác. Vì vậy, báo cáo quyết toán ngân sách của KTNN cũng được kiểm toán”.

Theo các quyết định ban hành ngày 27/10/2023, KTNN kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 của 10 Bộ, cơ quan Trung ương gồm: KTNN; Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Mục tiêu, nội dung, phạm vi kiểm toán

Để góp phần thực hiện tốt mục tiêu của toàn Ngành và yêu cầu của Quốc hội, các cuộc kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 của 10 Bộ, cơ quan Trung ương sẽ tập trung đánh giá: Tính trung thực, hợp lý của báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022; việc chấp hành pháp luật trong thẩm định, xét duyệt, tổng hợp lập báo cáo quyết toán ngân sách; việc chấp hành pháp luật trong công tác quyết toán NSNN theo các nội dung dự toán được giao; công tác quản lý tài chính ngân sách. Kết quả kiểm toán sẽ cung cấp thông tin, số liệu tin cậy, kịp thời cho các cơ quan có thẩm quyền thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát quá trình quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Năm 2022, KTNN kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2021 của 25 đơn vị Bộ, cơ quan Trung ương và 60 địa phương. Trên cơ sở kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN trong năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 91/2023/QH15 ngày 30/6/2023 đề nghị KTNN lưu ý công tác quyết toán ngân sách địa phương, Bộ, cơ quan Trung ương đối với khoản mục chi chuyển nguồn trong báo cáo quyết toán.

Nội dung kiểm toán gồm: Công tác dự toán; việc tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN, quyết toán vốn đầu tư năm 2022; việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ quản lý tài chính - kế toán. Theo chia sẻ của các trưởng đoàn kiểm toán, tùy thuộc vào đơn vị được kiểm toán, nội dung kiểm toán có thể sẽ chi tiết, đầy đủ hoặc rút gọn. Chẳng hạn, đối với những đơn vị đã được KTNN kiểm toán công tác quản lý tài chính công, tài sản công trước đó, đoàn kiểm toán sẽ không kiểm toán việc lập, phân bổ, giao dự toán mà chỉ tập trung đánh giá việc lập báo cáo quyết toán ngân sách.

Phạm vi kiểm toán: Niên độ ngân sách năm 2022 và các thời kỳ trước, sau có liên quan của các đơn vị được kiểm toán. Thời hạn kiểm toán tại 10 Bộ, cơ quan Trung ương là từ 20-30 ngày, tính từ ngày bắt đầu triển khai cuộc kiểm toán (ngày 01/11/2023).

Quyết tâm thực hiện tốt cuộc kiểm toán

Mục tiêu, nội dung, phạm vi của các cuộc kiểm toán được đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan nhất trí cao. Cho rằng KTNN đã có nhiều đổi mới trong hoạt động kiểm toán, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận kỳ vọng kết quả của cuộc kiểm toán sẽ giúp Bộ chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, quyết toán để công tác này được hoàn thiện và đi vào nền nếp hơn.

Theo Kế hoạch kiểm toán năm 2023, KTNN tổ chức kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 của 27 Bộ, cơ quan Trung ương và 38 địa phương.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cũng mong rằng, báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 của KTNN được kiểm toán theo đúng quy định, đảm bảo tinh thần chỉ đạo cũng như kỳ vọng của Ban cán sự đảng KTNN trong giai đoạn hiện nay.

Từ thực tiễn hoạt động của ngành mình, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định chia sẻ: Con đường đến đích của khoa học công nghệ chồng chất khó khăn. Tính bất định và rủi ro luôn đi kèm với những thành công. Mong rằng, KTNN có sự chia sẻ về tính đặc thù, tính mới, thậm chí chưa có tiền lệ trong hoạt động này.

Đại diện các Bộ, cơ quan Trung ương cũng cam kết sẽ cử đầu mối cung cấp tài liệu, phối hợp chặt chẽ và tạo thuận lợi cho các đoàn kiểm toán trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Về phía KTNN, để hoàn thành tốt các cuộc kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các đoàn kiểm toán của KTNN chuyên ngành III cần thực hiện nghiêm Luật KTNN, Luật Phòng, chống tham nhũng và các quy định của Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị; đồng thời đề nghị các đoàn kiểm toán sớm hoàn thành danh mục tài liệu để đơn vị được kiểm toán chủ động cung cấp.

Chia sẻ với khối lượng công việc rất lớn của các Bộ, cơ quan Trung ương, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung quán triệt: “Giảm thiểu sự phiền hà cho các đơn vị được kiểm toán là yêu cầu mà các đoàn kiểm toán cần thực hiện nghiêm túc trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ”; đồng thời mong rằng, các đoàn kiểm toán quyết tâm hoàn thành tốt kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách, không chỉ trong năm 2023 mà cả các năm tiếp theo./.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách: Mục tiêu và kỳ vọng