Kiến nghị kiểm toán và cơ chế thực thi

TS. NGUYỄN SĨ DŨNG - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội | 31/08/2023 19:08

(BKTO) - Dự kiến trong tháng 9/2023 này, Kiểm toán nhà nước (KTNN) sẽ được mời giải trình trước Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về tình hình thực hiện các kết luận, kiến nghị của mình. Đây là lần đầu tiên một phiên giải trình (thực ra, các nước trên thế giới gọi là phiên điều trần) như vậy được tổ chức ở nước ta.

13.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 trước Quốc hội. Ảnh tư liệu

Phiên giải trình là một cố gắng rất đáng được ghi nhận trong việc nâng cao chất lượng vận hành thể chế theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp. Suy cho cùng, phát hiện vấn đề và đưa ra các kiến nghị để xử lý là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn vẫn là thực thi các kiến nghị đã được đưa ra để giải quyết vấn đề. Trên thế giới, thực thi nghiêm túc, kịp thời các kiến nghị của cơ quan kiểm toán được coi là cách thức thiết thực để nâng cao chất lượng của nền quản trị quốc gia.

Để các kiến nghị của KTNN được thực thi cần phải có một cơ chế phù hợp. KTNN chỉ là một phần cấu thành của cơ chế này. Phần cấu thành trung tâm lại chính là Quốc hội. Hy vọng phiên giải trình sẽ góp phần làm rõ cơ chế này và giúp cải thiện sự vận hành của nó.

Thực ra, vai trò chính của KTNN là kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hiệu quả đối với các cơ quan và các chương trình của Nhà nước. Khi các vấn đề được phát hiện và các kiến nghị được đưa ra, thì việc thực thi thuộc trách nhiệm của các cơ quan được kiểm toán.

Ngoài ra, cũng cần nhấn mạnh rằng, các kiến nghị của KTNN về cơ bản mang tính chất khuyến nghị, chứ không mang tính chất bắt buộc. Mặc dù những kiến nghị này cung cấp những chỉ dẫn rất có giá trị, nhưng xử lý các vấn đề đã được phát hiện như thế nào lại thuộc quyền quyết định của các cơ quan được kiểm toán. Để thúc đẩy việc thực thi các kiến nghị của mình, KTNN chỉ có thể làm được một số việc sau đây:

Một là, đưa ra những kiến nghị rõ ràng và khả thi. Những kiến nghi như vậy sẽ giúp các cơ quan được kiểm toán có thể dễ dàng hiểu được phải làm gì và làm như thế nào để giải quyết vấn đề.

Hai là, lôi kéo các cơ quan được kiểm toán. KTNN có thể đối thoại mang tính chất xây dựng với các cơ quan được kiểm toàn trong quá trình kiểm toán, cũng như sau khi báo cáo kiểm toán được công bố để làm rõ vấn đề và đạt được sự thấu hiểu về những kiến nghị của mình.

Ba là, xác lập đúng ưu tiên. KTNN có thể hợp tác với các cơ quan được kiểm toán để căn cứ vào tầm quan trọng và tính cấp thiết của vấn đề mà xác lập ưu tiên khi đưa ra kiến nghị. Điều này sẽ giúp các cơ quan được kiểm toán tập trung nguồn lực để xử lý kịp thời những vấn đề nóng bỏng nhất.

Bốn là, công bố báo cáo kiểm toán kịp thời. Việc công bố báo cáo chậm có thể làm cho các kiến nghị mất tính thời sự, đồng thời các vấn đề cũng có thể trở nên nghiêm trọng hơn.

Năm là, theo dõi việc thực thi. KTNN có thể xây dựng phương thức theo dõi và định kỳ báo cáo về tình hình và tiến độ thực thi các kiến nghị của mình.

Sáu là, báo cáo với Quốc hội. KTNN có thể báo cáo với Quốc hội khi có những phát hiện và kiến nghị quan trọng để Quốc hội đòi hỏi các cơ quan được kiểm toán phải thực thi.

Để các kiến nghị của KTNN được thực thi cần phải có một cơ chế phù hợp. KTNN chỉ là một phần cấu thành của cơ chế này. Phần cấu thành trung tâm lại chính là Quốc hội. Hy vọng phiên giải trình sẽ góp phần làm rõ cơ chế này và giúp cải thiện sự vận hành của nó.

Như đã nói ở trên, Quốc hội là phần cấu thành trung tâm của cơ chế bảo đảm việc thực thi các kiến nghị của KTNN. Lý do là vì Quốc hội có vị thế và có quyền lực để làm điều này; thực thi các kiến nghị của KTNN là rất quan trọng để tiền thuế của dân được sử dụng một cách đúng đắn và hiệu quả, chất lượng quản trị quốc gia được nâng cao. Dưới đây là những việc mà nghị viện nhiều nước trên thế giới thường làm để bảo đảm thực thi các kiến nghị của cơ quan kiểm toán quốc gia.

Trước hết là xem xét kỹ lưỡng các báo cáo và các kiến nghị của cơ quan kiểm toán. Thông thường, các nghị viện trên thế giới thành lập ủy ban kiểm toán (hoặc giao cho ủy ban tài chính) làm công việc này.

Thứ hai, tổ chức điều trần. Tại các phiên điều trần, đại diện của cơ quan kiểm toán sẽ có điều kiện trình bày trước ủy ban kiểm toán những phát hiện và kiến nghị của mình. Điều này giúp nâng cao nhận thức và tạo ra áp lực của công luận.

Thứ ba, chất vấn. Các nghị sĩ có thể chất vấn các quan chức về tiến độ thực thi các kiến nghị của kiểm toán tại các phiên thảo luận và chất vấn của nghị viện.

Thứ tư, yêu cầu báo cáo về chương trình hành động. Nghị viện có thể đề nghị các cơ quan liên quan của chính phủ cung cấp báo cáo về chương trình hành động để thực hiện các kiến nghị của kiểm toán. Báo cáo này có khi sẽ được xem xét và mổ xẻ ở nghị viện.

Thứ năm, yêu cầu báo cáo về tiến độ thực thi các kiến nghị của kiểm toán. Nghị viện có thể yêu cầu chính phủ định kỳ báo cáo về tiến độ thực hiện các kiến nghị của kiểm toán.

Thứ sáu, xây dựng báo cáo về việc thực thi các kiến nghị của kiểm toán. Ủy ban kiểm toán của nghị viện có thể xây dựng báo cáo về tình hình thực thi các kiến nghị của kiểm toán và kiến nghị cách thức hành động tiếp theo.

Thứ bảy, áp đặt chế tài vì không thực thi kiến nghị của kiểm toán. Nghị viện có thể từ chối phê chuẩn ngân sách cho một chương trình cụ thể cho đến khi những kiến nghị của kiểm toán được thực thi để cải thiện tình hình.

Thứ tám, tổ chức điều tra về việc không thực thi kiến nghị của kiểm toán. Khi những kiến nghị quan trọng của kiểm toán không được thực thi, thì nghị viện có thể tổ chức ủy ban điều tra về việc này.

Thứ chín, ban hành nghị quyết áp đặt việc thực thi các kiến nghị của kiểm toán. Nghị viện có thể ban hành nghị quyết bắt buộc các cơ quan hữu quan của chính phủ phải thực thi các kiến nghị của kiểm toán.

Từ những phân tích trên, chúng ta có thể nhận thấy sự tham gia tích cực của Quốc hội vào việc bảo đảm thực thi các kiến nghị của KTNN là hết sức quan trọng.

Cuối cùng, một phần quan trọng khác của cơ chế bảo đảm thực thi các kiến nghị của KTNN là việc công bố công khai các báo cáo kiểm toán. Đây là cách để tạo ra áp lực của công chúng đối với các cơ quan được kiểm toán trong việc thực thi các kiến nghị của KTNN./.

Cùng chuyên mục
  • Nới lỏng chính sách tiền tệ: Cần hành động kịp thời
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Mỗi chính sách đều có hai mặt. Chính sách nới lỏng tiền tệ cũng vậy. Một mặt, nó có thể thúc đẩy kinh tế tăng trưởng; mặt khác, nó lại cũng có thể gây ra lạm phát.
  • Giải bài toán tăng trưởng
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Kinh tế phát triển theo chu kỳ: Đi lên rồi đi xuống; đi xuống rồi lại đi lên. Khi nó đi lên, mọi mục tiêu tăng trưởng đều rất dễ dàng đạt được. Khi nó đi xuống, đạt được những mục tiêu này là rất khó khăn.
  • Đối xử với thị trường bất động sản: Giận mà thương
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Bong bóng bất động sản tác động vô cùng tiêu cực đến nền kinh tế. Nhưng đóng băng bất động sản có vẻ cũng sẽ như vậy. Sự trầm lắng của thị trường bất động sản hiện nay đang là mối lo ngại của không chỉ nhiều nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp, nhiều ngân hàng mà còn đến cả nhiều nhà kinh tế. Để dễ cảm nhận, trong 6 tháng đầu năm 2023, thu tiền sử dụng đất cho ngân sách nhà nước đã giảm rất mạnh, chỉ đạt 31% dự toán.
  • Nâng tầm vị thế cho Kiểm toán nhà nước
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - 29 năm xây dựng và phát triển, Kiểm toán nhà nước (KTNN) ngày càng làm tốt và củng cố vững chắc hơn vị thế “người gác cổng cuối cùng” trung thành và đáng tin cậy của Đảng, công cụ mạnh mẽ của Nhà nước về kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Đồng thời, cung cấp kịp thời thông tin tạo căn cứ cần thiết và chính xác hỗ trợ quá trình thông qua các quyết định chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, dự toán, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, cũng
  • “Cảnh báo đỏ” đối với hành vi mua bán hóa đơn trái phép
    một năm trước Góc nhìn
    Mua bán hóa đơn là hành vi trái pháp luật, không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước (NSNN) mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh. Thế nhưng, không chỉ công khai mua bán hóa đơn trái phép trên mạng mà nhiều đối tượng xử dụng nhiều chiêu thức đối phó với cơ quan thuế trong đợt “truy quét” hóa đơn sai phạm đang diễn ra...
Kiến nghị kiểm toán và cơ chế thực thi