Kinh tế châu Âu bất ổn gây ảnh hưởng xuất khẩu khu vực Đông Nam Á

(BKTO) - Xuất khẩu của khu vực Đông Nam Á bắt đầu phải đối mặt với những thách thức kinh tế tương tự châu Âu. Lo ngại ngày càng gia tăng khi các cuộc suy thoái, khủng hoảng xảy ra ở phương Tây có thể gây căng thẳng cho nỗ lực phục hồi kinh tế của các nước Đông Nam Á trong năm 2023.

thuong-mai-toan-cau(1).jpg
Rủi ro suy thoái của khu vực EU có thể đặt ra nhiều thách thức với hoạt động xuất khẩu của các nước Đông Nam Á - Ảnh sưu tầm

Xuất khẩu các nước Đông Nam Á đang giảm tốc

Theo tờ báo DW của Đức, hoạt động xuất khẩu của khu vực Đông Nam Á đang bắt đầu bị ảnh hưởng bởi các thách thức kinh tế mà châu Âu phải đối mặt. Giới phân tích ngày càng lo ngại rằng khả năng suy thoái ở phương Tây có thể đặt ra trở ngại đối với sự phục hồi kinh tế các nước Đông Nam Á trong thời gian còn lại của năm nay và sang cả năm 2023.

“Sự giảm tốc của ngành xuất khẩu ở Đông Nam Á sẽ trầm trọng thêm. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sụt giảm thêm, trong khi rủi ro suy thoái ngày càng cao. Liên minh châu Âu (EU) rất dễ rơi vào suy thoái vì khu vực này tiếp tục gánh chịu những cú sốc về nguồn cung và chi phí sinh hoạt từ cuộc xung đột Nga - Ukraine” - chuyên gia kinh tế Brian Lee Shun Rong thuộc Công ty tài chính Malayan Banking Berhad (Malaysia) nhận định. Đây là bối cảnh kinh tế mà Đông Nam Á phải đối mặt.

Các số liệu thương mại chính xác hơn của Đông Nam Á có thể sẽ được công bố vào cuối năm nay. Tuy nhiên, hiện ở toàn bộ khu vực này, các số liệu thống kê sơ bộ cho thấy kim ngạch xuất khẩu đã giảm kể từ tháng 7/2022.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan và Thuế vụ Campuchia, trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Campuchia, chiếm hơn một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đã tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đã chậm lại còn 19,9% trong tháng 7 và chỉ còn 2,7% trong tháng 8/2022. Đến tháng 9/2022, kim ngạch xuất khẩu của Campuchia đã giảm 7,5% so với cùng tháng năm ngoái.    

Ông Ken Loo, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc tại Campuchia, đã nói với báo DW rằng kim ngạch xuất khẩu của Campuchia sang các thị trường châu Âu dự báo sẽ tiếp tục giảm trong quý IV năm nay và đến năm 2023.

UOB Research, bộ phận phân tích của ngân hàng có trụ sở tại Singapore–UOB, cho biết tăng trưởng xuất khẩu của Malaysia có vẻ mạnh mẽ trong năm 2022, ở mức 26%, nhưng dự báo sẽ giảm xuống 1,3% trong năm 2023. Thái Lan và Myanmar, các nhà xuất khẩu dệt may lớn khác, cũng báo cáo xuất khẩu sang các nước EU giảm.           

“Lạm phát và suy thoái bao trùm ở châu Âu đã khiến kim ngạch xuất khẩu của khu vực Đông Nam Á chậm lại”

Lay Hwee Yeo, Giám đốc Trung tâm EU tại Singapore:

Phát biểu với báo DW, ông Lay Hwee Yeo nói: “Suy thoái kinh tế ở EU chắc chắn sẽ tác động lớn đến các nước Đông Nam Á do EU là một trong bốn đối tác thương mại hàng đầu của nhiều nước Đông Nam Á”.

EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chiếm khoảng 1/10 kim ngạch thương mại hàng năm của khu vực, nhưng chiếm một tỷ trọng cao hơn nhiều trong kim ngạch xuất khẩu của khối này.

Vấn đề phức tạp hơn khi nhiều nhà nhập khẩu ở châu Âu đang có lượng hàng tồn kho lớn do thương mại tăng vọt trong những tháng đầu của năm 2021 và sự dư thừa nguồn cung trong giai đoạn phục hồi từ đại dịch - theo ông Loo.

Nhiều thách thức cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam 

Báo cáo của Bộ Công Thương mới đây về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta cho thấy, trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa toàn cầu đang chậm lại, đặc biệt là từ hai thị trường hàng đầu của Việt Nam là Hoa Kỳ và EU, lượng đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại từ tháng 9 nên kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 10 ước tính tăng không nhiều so với tháng trước đó.

Trong tháng 10/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,27 tỷ USD, ước tính tăng 0,1% so với tháng trước (đạt 58,21 tỷ USD) và chỉ tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 616,24 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 15,9%; nhập khẩu tăng 12,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD.

Cụ thể, về xuất khẩu, tháng 10/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 30,27 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 7,55 tỷ USD, tăng 8,7% so với tháng trước nhưng giảm gần 5% so với so với cùng kỳ.

Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 312,8 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 80,36 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 25,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 232,46 tỷ USD, tăng 16,8%, chiếm 74,3%.

Bộ Công Thương cũng nhận định cũng còn nhiều thách thức đối với hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong đó,  lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia là các thị trường lớn của Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu, gây sụt giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các nước. Đồng thời, nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có Hoa Kỳ thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát gia tăng, dẫn tới đồng tiền bản địa mất giá so với đồng USD.

xuat-khau.jpg
Các đơn hàng từ nhà nhập khẩu có xu hướng giảm.  Ảnh tư liệu

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết.“Thị trường xuất khẩu đối mặt với thách thức bị thu hẹp thị trường khi kinh tế Hoa Kỳ và nhiều nước có nguy cơ rơi vào suy thoái, làm gia tăng áp lực lên nguồn thu ngoại tệ, cán cân thanh toán quốc tế..., dẫn tới nhiều hệ lụy cho tăng trưởng kinh tế và hoạt động xuất nhập khẩu trong nước do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn (trên 200% GDP)”,

Trong khi đó tại thị trường nội địa, đồng USD tăng giá gây tác động bất lợi đến nhập khẩu do hiện nay nước ta nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu sản xuất để phục vụ cho xuất khẩu. Tỷ lệ mất giá của đồng VND so với đồng USD trong xu hướng mất giá chung làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với các nước khác như Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia...

Việc tỷ giá USD tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thuộc các ngành nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu để gia công xuất khẩu (dệt may, da giày, điện tử, nhựa….), gây sức ép giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Các đơn đặt hàng từ phía nhà nhập khẩu có xu hướng giảm do tác động tiêu cực của lạm phát cao ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... kết hợp với lượng hàng tồn kho cao tại các hệ thống bán lẻ sẽ làm giảm hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề cập tới vấn đề, chuỗi cung ứng vẫn có nguy cơ gián đoạn, đặc biệt cung ứng nguyên nhiên vật liệu. Giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Xu hướng bảo hộ mậu dịch vẫn tiếp tục khi các quốc gia vẫn tăng cường việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước.

Trong khi đó doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung còn thiếu vốn và tiếp cận các nguồn vốn còn khó khăn, ảnh hưởng đến phục hồi và mở rộng sản xuất...

Trong 10 tháng năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 93,4 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 46,9 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 39,4 tỷ USD, tăng 22,3%. Xuất khẩu sang ASEAN ước đạt 28,9 tỷ USD, tăng 24%. Xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 15,4%. Xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 19,8 tỷ USD, tăng 22%.

Cùng chuyên mục
Kinh tế châu Âu bất ổn gây ảnh hưởng xuất khẩu khu vực Đông Nam Á