Kinh tế Ninh Bình có nhiều khởi sắc

(BKTO) - Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 10 của tỉnh Ninh Bình tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 8.700 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ; lũy kế 10 tháng năm 2023 đạt gần 80.000 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ.

xuat-khau-lay-lai-da-tang-truong-nhung-thang-cuoi-nam-7c171.jpg
Dây chuyền sản xuất gia công các sản phẩm giày dép của Công ty TNHH Vienergy, Khu công nghiệp Phúc Sơn (thành phố Ninh Bình). Ảnh: TS

Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế tỉnh có nhiều khởi sắc trên tất cả các lĩnh vực. Sản xuất nông nghiệp bảo đảm trong khung thời vụ, công tác điều tra, dự tính, dự báo, theo dõi các đối tượng dịch hại cây trồng được thực hiện kịp thời.

Sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển ổn định, không bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Công tác xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được tập trung chỉ đạo thực hiện theo kế hoạch. 

Hoạt động thương mại và dịch vụ trong tháng tiếp tục diễn ra sôi động, tất cả các nhóm hàng hóa đều có mức tăng cao. Xuất khẩu có tín hiệu tích cực sau nhiều tháng suy giảm. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn như: quần áo; xi măng, clanke; giầy dép; camera và linh kiện điện thoại...

Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 10 năm 2023 của tỉnh Ninh Bình tăng 21,5% so với cùng kỳ. Mức tăng của tháng 10 là rất khả quan, chấm dứt chuỗi tăng trưởng âm suốt 2 quý đầu năm, nâng giá trị xuất khẩu quý III tăng 6,6%. 

Du lịch tiếp tục phát triển mạnh mẽ, chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng được nâng cao. 10 tháng đầu năm, toàn tỉnh đón 5,86 triệu lượt khách, tăng gấp 1,9 lần so với cùng kỳ; doanh thu đạt 5.509,4 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ.

Công tác quản lý Nhà nước về xây dựng, giao thông, tài nguyên môi trường được tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng lập các quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. 

Kết cấu hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, nhất là các công trình dự án trọng tâm, quan trọng, có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo, thực hiện tốt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được chăm lo ngày một tốt hơn. 

ubnd-tinh-tap-trung-cac-giai-phap-thao-go-kho-khan-cho-nguoi-7d760.jpg
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị là một trong các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Ảnh: TS

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc, trong bối cảnh tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, tác động đến hoạt động sản xuất công nghiệp, thu ngân sách, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội trong 2 tháng cuối năm, các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục tập trung đánh giá cụ thể tình hình thực tiễn, từ đó xây dựng kế hoạch, mục tiêu phấn đấu trong năm 2024 ở tất cả các ngành, các lĩnh vực.

Trong đó, tập trung thực hiện liên quan đến thu chi ngân sách, đầu tư công, tiến độ triển khai các dự án trọng điểm về giao thông. Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu cho ý kiến về công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch chung của tỉnh. Các ngành Văn hóa, Du lịch tiếp tục phối hợp thực hiện tốt các hoạt động, sự kiện từ nay đến cuối năm; thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa. 

Các sở, ngành, đơn vị, địa phương trên tinh thần nhiệm vụ được giao tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, nỗ lực vượt khó, đề xuất các giải pháp để Ninh Bình hoàn thành và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra./.

Cùng chuyên mục
Kinh tế Ninh Bình có nhiều khởi sắc