Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác công - tư

(BKTO) - Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy xã hội hóa, hợp tác công - tư, khuyến khích đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đến năm 2025.

xuong-may-gia-cong-hang-xuat-khau-qua-thi-truong-my-cong-ty-trach-nhiem-huu-han-may-mac-dony-xa-vinh-loc-a-huyen-binh-chanh-thanh-pho-ho-chi-minh..jpg
Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác công - tư. Ảnh minh họa

Theo đó, TP. Hồ Chí Minh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn sau đại dịch Covid-19.

Các sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân (UBND) quận, huyện, TP. Thủ Đức chủ động tích cực thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia một cách thực chất. Trong đó, tập trung cải cách một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà theo phản ánh từ các doanh nghiệp, cụ thể là các lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, môi trường, lao động; cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh, các thủ tục quản lý kiểm tra chuyên ngành, không ban hành các điều kiện kinh doanh mới không thực sự cần thiết hoặc có hiệu quả quản lý thấp hơn hiệu quả về kinh tế, xã hội.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh - nghiên cứu, kiến nghị cụ thể về cơ chế tài chính hỗ trợ phù hợp với tình hình hoạt động của doanh nghiệp để hỗ trợ đúng đối tượng và hiệu quả. Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp đang còn hoạt động về giảm lãi suất cho vay, giảm khoảng cách giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay đối với các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 (như du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống, vận tải) nhằm chia sẻ khó khăn, giúp các doanh nghiệp phục hồi, phát triển và đóng góp trở lại cho lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

UBND Thành phố kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chính sách, giải pháp tạo thuận lợi hơn về tiếp cận vốn để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, kéo giảm lãi suất vay vốn. Xem xét sửa đổi các tiêu chí, điều kiện cho vay gói ưu đãi lãi suất 2% theo hướng tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, kết nối cung cầu hàng hóa; hỗ trợ về mặt bằng sản xuất; hỗ trợ lao động; hỗ trợ về thuế, hải quan.

Thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ thúc đẩy xã hội hóa, hợp tác công - tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển quy mô, nâng cao khả năng cạnh tranh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, chủ trì tham mưu UBND Thành phố về các đề án: Huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2030; Nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn 2030; Thực hiện phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa; quy trình, quy chế phối hợp thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư trên địa bàn.

Rà soát, kiến nghị Trung ương các cơ chế, quy định phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng điều kiện tập trung kinh tế theo pháp luật cạnh tranh, bảo đảm quốc phòng, an ninh khi nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, sáp nhập, mua lại doanh nghiệp tại Thành phố nhằm huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu đối với trường hợp những dự án của các nhà đầu tư chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố thì đề xuất bổ sung vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng dự án.

Sở Công Thương triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa công nghiệp chủ lực. Xây dựng và triển khai chiến lược phát triển 3 ngành chủ lực của Thành phố gồm cơ khí - tự động hóa, cao su - nhựa, lương thực thực phẩm theo hướng tạo giá trị gia tăng cao, xanh và phát triển bền vững./.

Cùng chuyên mục
Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác công - tư