Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) trong dự báo mới nhất đều có những đánh giá lạc quan, nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 từ 7% lên 7,5% GDP, cao hơn 1 điểm phần trăm so với dự báo của 3 tháng trước đó.
Moody’s vào tháng 9/2022 đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định (chỉ kém mức đầu tư một bậc). Fitch cũng đang xếp Việt Nam ở hạng BB và triển vọng tích cực.
Ngân hàng Standard Chartered vừa qua cũng đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 6,7% lên 7,5% cho năm 2022 và từ 7% lên 7,2% cho năm 2023. Lạm phát sẽ tăng dần và đạt 5,5% trong năm 2023.
Ngân hàng UOB (trụ sở tại Singapore) thậm chí còn nâng mức dự báo tăng trưởng cả năm 2022 của Việt Nam lên 8,2% từ mức công bố 7% trước đó. Nikkei Asia đánh giá Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 8 thế giới về đà phục hồi sau đại dịch Covid-19. Việt Nam được kỳ vọng trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt qua cả Đức và Anh…
Những thành quả trên là hội tụ sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, sự đoàn kết và ủng hộ của người dân, đặc biệt là từ việc chuyển hướng chiến lược từ “Zero Covid” sang mở cửa, phục hồi kinh tế hiệu quả và bám sát các nguyên tắc nền tảng xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Nổi bật là xây dựng nền dân chủ, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện chính sách ngoại giao độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, đối tác tin cậy, trách nhiệm vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển; hướng đến con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực và mục tiêu của phát triển.
Thành công là to lớn, song chúng ta không tự mãn và chủ quan trước nhiều yếu tố mới xuất hiện, chưa từng có tiền lệ và tình hình biến động nhanh, phức tạp, khó lường, vượt khỏi khả năng dự báo.
Năm 2023 Việt Nam đạt ngưỡng 100 triệu dân và quy mô GDP cán mốc 10 triệu tỷ đồng. Dù nền kinh tế Việt Nam đang có đà phục hồi mạnh mẽ, nhưng những bất định cũng gia tăng.
Thực tiễn cho thấy, dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp, có nguy cơ “dịch chồng dịch”, trong khi tâm lý chủ quan đang lan rộng, công tác phòng, chống dịch và năng lực y tế dự phòng còn không ít hạn chế.
Đặc biệt là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam đang đối diện với áp lực điều hành giá, lãi suất, tỷ giá trước xu hướng lạm phát toàn cầu tăng cao và chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương Mỹ và châu Âu (hai thị trường xuất khẩu chính, chiếm 41% thị phần xuất khẩu của Việt Nam). Sự ổn định vi mô và bảo đảm các cân đối lớn trong nước cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trước xu hướng kinh tế thế giới đang ở thời điểm mong manh, tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái cục bộ ngắn hạn ở một số nền kinh tế lớn và biến đổi khí hậu ngày càng bất thường, cùng với các căng thẳng địa chính trị khu ngày càng phức tạp.
Hơn nữa, thực tiễn cũng đòi hỏi cần có nhiều đột phá thực sự và đồng bộ, thực chất cả trong nhận thức và thể chế trong tháo gỡ điểm nghẽn về ổn định cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu (nổi bật là xăng dầu) cho sản xuất, đời sống, nhất là dịp lễ, tết và đầu năm 2023; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kiểm soát và lành mạnh hóa các thị trường: Trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và thị trường tín dụng, lao động; cũng như trong tái cơ cấu kinh tế và định hướng lại hoạt động sản xuất kinh doanh...
Đồng thời, chủ động khai thác tốt hơn các cơ hội kinh tế gắn với việc tham gia các FTA thế hệ mới, từ mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Mỹ - ASEAN mới được thiết lập tại Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Mỹ lần thứ 10 diễn ra ở Campuchia, cũng như từ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Đức cùng diễn ra trong trung tuần tháng 11/2022.
Phát huy các thành công, không chủ quan, tự mãn và khai thác tốt hơn các động lực từ nền tảng đã có, chủ động nhận diện và linh hoạt vượt qua các thách thức… tất cả nhằm tiếp tục hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 mà Chính phủ đề ra, như: Tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5-6%.../.