Kinh tế Việt Nam đang đứng trước các cơ hội và thách thức to lớn

(BKTO) - Tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức để tìm được mô hình tăng trưởng mới theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đang là yêu cầu cấp bách đối với Việt Nam.




Quang cảnh Hội thảo

Đó là nội dung được nhấn mạnh tại Hội thảo Quốc tế lần thứ 3 với chủ đề: “Phát triển kinh tế và Kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa” (SEDBM 2020). Hội thảo do Học viện Tài chính và Trường Đại học Tài chính - Marketing phối hợp tổ chức ngày 25/9, tại Hà Nội.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học trong và ngoài nước đến từ các quốc gia phát triển, đang phát triển như: Mỹ, Australia, Nhật Bản, Newzealand, Lào... và các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS,TS. Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính - nhấn mạnh: Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu, đến nay, với sự xuất hiện của kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình toàn cầu hóa diễn ra mỗi lúc một khác, tác động cả tích cực và tiêu cực đến kinh tế - tài chính và an sinh xã hội.

Mặc dù Việt Nam đã tăng trưởng nhanh ngoạn mục trong hơn 3 thập kỷ qua nhưng sự chuyển đổi sang nền kinh tế thịnh vượng và hiện đại mới chỉ bắt đầu. Với mức thu nhập bình quân đầu người vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ của mức trung bình toàn cầu, Việt Nam đang cố gắng duy trì quỹ đạo tăng trưởng nhanh và đi theo con đường của các nền kinh tế Đông Á thành công khác đã gia nhập hàng ngũ các quốc gia thu nhập trung bình cao trong nửa thập kỷ qua. Tuy nhiên, bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước các cơ hội và thách thức to lớn. Do đó, tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức để tìm được mô hình tăng trưởng mới theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 là yêu cầu cấp bách đang đặt ra.

Việt Nam cần thay đổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu trong quá trình phát triển, trong đó cần thay đổi tỷ lệ các nguồn lực đóng góp cho tăng trưởng, ưu tiên cho động lực của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để nhảy vọt ở một số lĩnh vực. Việt Nam cũng cần ưu tiên cho động lực kinh tế tư nhân, hỗ trợ các DN đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; phát triển kinh tế số trong một số ngành, lĩnh vực; thúc đẩy tăng trưởng xanh và bao trùm; phát triển kinh tế vùng và xây dựng liên kết vùng, tạo các cực tăng trưởng và phát triển bền vững…

“Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn khi tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)... Tuy nhiên, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để tận dụng các ngoại lực, đưa đất nước đi lên và nếu chậm sửa đổi, các cơ hội vàng sẽ tiếp tục bị bỏ qua” - PGS,TS. Trần Đình Thiên nhận định.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã thảo luận và làm rõ một số vấn đề: điều kiện phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa; cẩn phải làm gì để phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa; vai trò, sự tác động của các yếu tố kinh tế, tài chính ngân hàng, kế toán, kiểm toán đến phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa; vấn đề chuyển đổi số hiện nay./.

Tin và Ảnh: THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Kinh tế Việt Nam đang đứng trước các cơ hội và thách thức to lớn