Kinh tế Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới: Hành trình chuyển mình để đột phá, vươn cao

(BKTO) - Chặng đường gần 40 năm đổi mới ghi dấu hành trình chuyển mình của đất nước với nhiều thành tựu nổi bật, mang lại những đổi thay đáng kể trên tất cả các phương diện, lĩnh vực. Đây là nền tảng để kỳ vọng đất nước bước lên những nấc thang phát triển cao hơn trong các thập niên tiếp theo.

sua_18.jpg
Việt Nam là điểm sáng tăng trưởng kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Ảnh: ST

Bước chuyển mình ngoạn mục

Nhìn lại chặng đường gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong suốt quá trình chuyển mình từ một nền kinh tế lạc hậu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã vươn lên trở thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu phát triển đáng ghi nhận. Theo đó, quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên rất nhanh. Năm 1986, Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Việt Nam chỉ khoảng 8 tỷ USD, xếp thứ 9/10 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2023, GDP Việt Nam đã đạt hơn 430 tỷ USD, tăng khoảng hơn 53 lần; GDP bình quân đầu người đạt mức gần 4.300 USD, tăng 58 lần so với những năm đầu đổi mới. Đặc biệt, giai đoạn 1986-2022, Việt Nam lọt top 5 nước có quy mô kinh tế tăng nhiều nhất thế giới.

Trên bình diện hội nhập quốc tế, gần 40 năm đổi mới cũng là một chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam hiện đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ; có quan hệ kinh tế, thương mại với hơn 230 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 300 tổ chức quốc tế. Cùng với đó, Việt Nam đã ký rất nhiều hiệp định thương mại song phương, hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, phủ rộng khắp các châu lục. Với việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đã giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 35 trên thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong top 20 của thế giới và là một trong những nền kinh tế được đánh giá là năng động, có độ mở cao nhất thế giới…

Tăng cường học hỏi kinh nghiệm để vượt qua các “bẫy” phát triển

Các chuyên gia cho rằng, những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong chặng đường gần 40 năm đổi mới là nền tảng, tiền đề quan trọng, tạo ra tiềm lực, sức mạnh, niềm tin vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong tương lai; hướng đến mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển có thu nhập cao trên thế giới.

Theo một số dự báo, đến năm 2030, quy mô GDP của Việt Nam đạt khoảng 800 tỷ USD, gấp 2,4 lần năm 2020. Đến năm 2045, quy mô GDP đạt khoảng 2.400 tỷ USD, gấp 3 lần năm 2030 và gấp 6,9 lần năm 2020.

Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới, xu hướng kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều chuyển biến, đem đến cả những thuận lợi và khó khăn đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Cùng với đó, về nội tại, bên cạnh thành tựu, đất nước ta vẫn đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức lớn, đơn cử như: Nền kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước; năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao…

Trước thực tế đó, đưa ra khuyến nghị nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển đất nước theo hướng nhanh, bền vững, ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho rằng, để bắt kịp với xu hướng phát triển chung của nền kinh tế thế giới, Việt Nam cần quan tâm, chú trọng phát triển những hình thái, lĩnh vực kinh tế mới đang nổi lên, như: kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; đồng thời đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp mới, như: Công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch…

Đặc biệt, Việt Nam cần tăng cường học hỏi những kinh nghiệm sinh động, phong phú của thế giới, nhất là kinh nghiệm của các quốc gia có trình độ phát triển tương đồng, gần với thực tiễn Việt Nam, cả bài học thành công và những bài học thất bại, từ đó sẽ giúp Việt Nam tìm ra giải pháp khả thi để giải quyết những khó khăn, thách thức, hạn chế, bất cập trong tiến trình đổi mới, hội nhập và phát triển. “Những kinh nghiệm để vượt qua các loại “bẫy” phát triển, không chỉ là “bẫy” thu nhập trung bình, mà còn là “bẫy” lao động giá rẻ, “bẫy” tăng trưởng nhưng tăng trưởng không xanh, phát triển ào ạt mà không tính đến bền vững và lâu dài, ảnh hưởng đến xã hội, môi trường… sẽ mang ý nghĩa thực tiễn trong việc hoạch định các đường lối phát triển, cải cách hệ thống chính sách, giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu đề ra trong phát triển bền vững tầm nhìn hướng tới năm 2045” - ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Đưa thêm khuyến nghị liên quan đến phát triển thương mại, ông Andrea Coppola - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - chia sẻ, trước kia, Việt Nam tập trung nhiều vào xuất khẩu dựa vào những ngành thâm dụng lao động, phát huy lợi thế về lao động và chi phí sản xuất thấp. Số liệu thống kê cho thấy, khối lượng xuất khẩu của Việt Nam tăng 10 lần trong vòng 20 năm trở lại đây, nhưng giá trị trung bình cho mỗi đơn vị xuất khẩu chỉ tăng 2 lần. Điều này cho thấy, để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao, Việt Nam cần hướng tới nâng cao giá trị xuất khẩu, khẳng định vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhấn mạnh đến vai trò của thị trường tài chính đối với sự phát triển đất nước, ông Nguyễn Xuân Thành - Đại học Fulbright Việt Nam - khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc thị trường tài chính, thị trường vốn để các thị trường này phát triển một cách lành mạnh, minh bạch, bền vững hơn. Đặc biệt, cần đẩy mạnh cải cách, đổi mới và quyết tâm cao hơn trong việc triển khai và thực thi các công cụ quản lý, điều hành dựa vào thị trường; đồng thời, phải đảm bảo tính an toàn của thị trường tài chính, thị trường vốn theo các thông lệ, chuẩn mực quốc tế./.

Cùng chuyên mục
Kinh tế Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới: Hành trình chuyển mình để đột phá, vươn cao