Trao đổi thêm về vấn đề này, TS. Trần Văn Thế - chuyên gia về đầu tư đối tác công tư (PPP), Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho rằng: "Không chỉ các dự án BOT giao thông trước đây, ngay cả những dự án hạ tầng giao thông triển khai sau khi Luật PPP được ban hành, dù đã có phần vốn nhà nước hỗ trợ (tối đa lên đến 50%) thì các nhà đầu tư cũng cần phải huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng. Bởi, các dự án giao thông có tổng vốn rất lớn, nếu chỉ dùng phần vốn tự có của doanh nghiệp thì không doanh nghiệp nào có thể làm được".
Theo đó, việc các doanh nghiệp huy động vốn từ các tổ chức tín dụng hay các nguồn khác để đầu tư hạ tầng giao thông là phù hợp với quy định hiện hành cũng như thông lệ quốc tế.
Các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông có dư nợ ở các ngân hàng là điều rất bình thường. Do đó, cần nhận thức đúng về vấn đề này, tránh cách hiểu lệch lạc, suy diễn, gây ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp trong vấn đề đầu tư hạ tầng giao thông
TS. Trần Văn Thế
Trên một số phương tiện thông tin đại chúng đăng tải các bình luận về việc hiện nay nhiều doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức PPP đang vay nợ dài hạn hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí cả chục nghìn tỷ đồng tại các ngân hàng thương mại.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Hùng - Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả - Nhà đầu tư hạ tầng giao thông hàng đầu trong nước cho biết, đây là vấn đề không có gì mới, được đề cập nhiều lần. Đối với Đèo Cả, doanh nghiệp cũng đã chủ động thông tin một cách công khai, minh bạch. Theo đó, dư nợ là một phần của đầu tư PPP, không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp do đây là khoản tài trợ phục vụ đầu tư hạ tầng giao thông và được đảm bảo bằng nguồn thu phí, không ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp và lợi ích cổ đông.
Ông Nguyễn Hữu Hùng cho biết thêm, các khoản nợ được hợp nhất từ các công ty là doanh nghiệp dự án đầu tư hạ tầng giao thông là các khoản tiền bảo hành, kinh phí chờ quyết toán, trong đó một phần tồn tại đến từ trách nhiệm của Nhà nước đã cam kết nhưng chưa giải quyết, mặc dù dự án đã được thanh tra, kiểm toán nhiều lần và cơ quan thanh kiểm tra đã có nhiều kiến nghị tháo gỡ.
Nhận định các dự án đầu tư theo hình thức PPP của Tập đoàn Đèo Cả, TS. Trần Văn Thế khẳng định rằng : "Các dự án PPP đều có tổng vốn đầu tư rất lớn, lên đến hơn 20 nghìn tỷ đồng đã được đầu tư ở giai đoạn trước, có ý nghĩa quan trọng lúc bấy giờ cũng như đến nay. Với quy mô dự án như vậy, nếu đầu tư ở thời điểm hiện nay, chỉ tính riêng phần trượt giá sẽ dẫn đến tăng cao thì suất đầu tư gấp khoảng 2 lần trước đây. Tôi cho rằng kể cả khi xét về quy mô, Đèo Cả đã có tầm nhìn khá tốt khi hoạch định trước là 6 làn xe đủ đảm bảo, kịp thời kết nối đồng bộ với cao tốc Bắc Nam hiện nay".
Ngoài ra ông cho biết, lĩnh vực bất động sản hiện vẫn đang trong tình trạng khủng hoảng thừa khiến một lượng lớn vốn đang ứ đọng ở các ngân hàng không thể giải ngân. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông hiện đang rất lớn cả ở đầu tư công và đầu tư PPP. Do đó, việc huy động vốn vay để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông ở thời điểm này là rất phù hợp.
“Các dự án PPP giao thông đang triển khai với sự tham gia của nguồn vốn nhà nước tối đa lên đến 50% tổng vốn đầu tư. Mặc dù vậy, hiệu quả đầu tư dự án vẫn chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư, nhất là ngân hàng tài trợ vốn cho dự án. Do đó, một số dự án đặc thù, cơ quan có thẩm quyền đang đề xuất nâng phần vốn hỗ trợ của nhà nước lên trên 50% để phương án tài chính đảm bảo hiệu quả. Việc này càng tăng thêm niềm tin của nhà đầu tư và các ngân hàng khi bỏ vốn vào đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức PPP quy mô lớn" - ông Thế nói.
Tuy nhiên, ông Thế cũng cho rằng, dù đang thừa vốn nhưng không phải dự án PPP giao thông nào phía ngân hàng cũng cho vay. "Từ trước đến nay, khi các ngân hàng cấp tín dụng cho doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng giao thông đều có sự xem xét, thẩm định rất kỹ lưỡng, đặc biệt là phương án tài chính của dự án. Chỉ có những dự án đảm bảo phương án tài chính khả thi, có khả năng thu hồi vốn thì nhà đầu tư dự án đó mới được ngân hàng xem xét, thẩm định để cấp vốn" - ông Thế thông tin.
Theo đó, một số rủi ro của dự án như lưu lượng giao thông, lộ trình tăng phí, cam kết của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền… khi xảy ra cần được các bên cùng nhau giải quyết để tháo gỡ khó khăn./.