Kịp thời đôn đốc, hỗ trợ các đơn vị thực hiện kiến nghị kiểm toán

(BKTO) - Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán; thường xuyên đôn đốc các đơn vị thực hiện kiến nghị kiểm toán…, những nỗ lực của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã đem lại kết quả tích cực, khi các địa phương, đơn vị được kiểm toán ngày càng quan tâm hơn trong việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, cũng như có phản hồi kịp thời thông tin đến KTNN đối với các nội dung có liên quan.



                
   

Công tác rà soát việc thực hiện kiến nghị kiểm toán là yêu cầu quan trọng được đặt ra với các đơn vị kiểm toán. Ảnh: N.LỘC

   

Nghiêm túc thực hiện theo kiến nghị kiểm toán

Là một trong những địa phương được đánh giá là chấp hành tốt việc thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN, lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ cho biết, đây là trách nhiệm của địa phương, nhưng kết quả kiểm toán cũng giúp địa phương, đơn vị được kiểm toán nhìn nhận rõ hơn những thiếu sót trong thực hiện nhiệm vụ để từ đó cải thiện chất lượng, hiệu quả công việc.

Theo đó, trên cơ sở những kết quả, kiến nghị kiểm toán được nêu, Chủ tịch UBND Thành phố đã tổ chức họp và chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát và thực hiện nghiêm túc kết luận của kiểm toán và có báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng trong Thành phố. Nhờ đó, các kết quả kiểm toán có đề cập đến địa phương, đơn vị, đặc biệt là các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương của Thành phố qua các năm đều đạt kết quả thực hiện kiến nghị xử lý tài chính đều đạt trên 80%, các nội dung kiến nghị khác được địa phương nghiêm túc thực hiện.

Coi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn, hàng năm, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện nhiệm vụ này và công khai kết quả thực hiện của từng đơn vị.

Nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo địa phương, sự đôn đốc kịp thời, thường xuyên của đoàn kiểm toán nên các kiến nghị kiểm toán của KTNN đã được thực hiện tương đối đầy đủ, điển hình như những kiến nghị kiểm toán được KTNN chỉ ra trong chuyên đề kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn thu xổ số kiến thiết giai đoạn 2017-2019 tại tỉnh.
                
   

Kiểm toán viên KTNN khu vực V thực hiện rà soát hồ sơ kiểm toán, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán. Ảnh: NLỘC

   

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lê Quang Trung, đối với đề nghị địa phương thực hiện điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 33/2016/NQ-HĐND ngày 09/12/2016 của HĐND tỉnh đảm bảo phù hợp với quy định về tổ chức thực hiện dự toán hàng năm đối với nguồn thu xổ số kiến thiết.

Thực hiện kiến nghị của KTNN, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 về Quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách năm 2022, ổn định đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long thay thế Nghị quyết số 33/2016/NQ-HĐND ngày 09/12/2016 của HĐND tỉnh.

Ngoài việc quan tâm thực hiện kiến nghị kiểm toán, ngay sau khi cuộc kiểm toán kết thúc, địa phương cũng thường xuyên phối hợp với đơn vị kiểm toán của KTNN rà soát, thực hiện kết luận, kiến nghị tồn đọng từ các năm trước. Đơn cử như kiến nghị của KTNN về việc xem xét quy định về giá đất xây dựng công trình sự nghiệp tại khoản 3 Điều 4, Quyết định số 27/2014/QĐ-UBND ngày 19/12/2014 của UBND tỉnh để sửa đổi phù hợp với mục đích và thời gian sử dụng đất. Sau khi xem xét, tỉnh đã điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 trên địa bàn tại Quyết định số 05/2019/QĐ-UBND ngày 10/5/2019 của UBND tỉnh, thay thế cho quy định cũ trước đó.

Những kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán trên địa bàn TP. Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long... là những minh chứng điển hình cho sự phối hợp trong công tác giữa KTNN với các địa phương, đơn vị, cũng như nỗ lực trong việc thực hiện kiến nghị của KTNN từ địa phương và các đơn vị được kiểm toán.

Về phía KTNN, yếu tố hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán cũng ngày càng được chú trọng. Trong đó, nâng cao chất lượng kiểm toán, đảm bảo các đánh giá, kết luận, kiến nghị kiểm toán được đưa ra một cách đúng đắn, thuyết phục là yêu cầu quan trọng để đưa đến kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán cao.

Để thực hiện được điều này, ngoài việc chấp hành đầy đủ các quy định, quy trình kiểm toán, đòi hỏi mỗi kiểm toán viên cần phải nêu cao trách nhiệm nghề nghiệp và sử dụng cả xét đoán chuyên môn để đưa ra những đánh giá, kết luận, kiến nghị phù hợp, đảm bảo tính khả thi.

Tăng cường đôn đốc, theo dõi kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán

Đặc biệt, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán còn phải kể đến vai trò kiểm tra và đôn đốc các đơn vị được kiểm toán trong thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN.

Theo lãnh đạo Vụ Tổng hợp, đây cũng là một yêu cầu quan trọng được lãnh đạo KTNN đặc biệt nhấn mạnh và lưu ý các đơn vị kiểm toán phải quan tâm có giải pháp thực hiện, triển khai một cách thường xuyên, hiệu quả, song song với hoạt động kiểm toán.
         
Không đợi khi báo cáo kiểm toán được phát hành, ngay trong quá trình đoàn kiểm toán thực hiện và chuẩn bị kết thúc kiểm toán, lãnh đạo KTNN thường xuyên đôn đốc các đơn vị kiểm toán trao đổi về hướng thực hiện kiến nghị, nhắc nhở các cơ quan, địa phương, đơn vị được kiểm toán quan tâm thực hiện kiến nghị của KTNN, cũng như kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh.

Theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn, trong Quy trình kiểm toán của KTNN hiện hành dành một chương đề cập đến vấn đề theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Cụ thể, tại Điều 24 có nêu rõ trách nhiệm của đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán:
“1. Theo dõi, thu thập, tổng hợp thông tin về kết luận, kiến nghị kiểm toán của đơn vị được kiểm toán (gồm cả các kiến nghị chưa thực hiện của các năm trước)...
2. Đánh giá tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
3. Tổ chức các hoạt động nhằm đảm bảo hiệu quả, hiệu lực việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán: Đôn đốc hoặc kiểm tra việc thực hiện; xử lý khiếu nại, kiến nghị của đơn vị được kiểm toán về kết luận, kiến nghị kiểm toán.
4. Báo cáo kết quả việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

                
   

Cần tăng cường đôn đốc, theo dõi kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán. Ảnh: N.LỘC

   

Đại diện một số đơn vị kiểm toán cũng cho rằng, qua thực tế kiểm tra, đôn đốc cho thấy, quá trình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán cũng gặp nhiều khó khăn, do đơn vị được kiểm toán gặp khó khăn về tài chính; một số đơn vị liên quan phải thực hiện các thủ tục xác minh hoặc còn vướng mắc trong quá trình phối hợp thực hiện…

"Việc theo dõi, đôn đốc và hỗ trợ đơn vị thực hiện kiến nghị sẽ bao gồm cả việc lắng nghe phản hồi từ đơn vị, cũng như kịp thời giải đáp những băn khoăn, vướng mắc đặt ra, từ đó tạo sự đồng thuận để đơn vị thực hiện theo kiến nghị kiểm toán" - lãnh đạo một đơn vị kiểm toán cho biết.

Từ góc độ nghiên cứu, GS,TS. Nguyễn Hữu Ánh - Viện trưởng Viện Kế toán - Kiểm toán cho biết, không chỉ với KTNN Việt Nam, việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán luôn là vấn đề đặt ra với các cơ quan kiểm toán công trên thế giới. Kết quả thực hiện kiến nghị phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có ý thức, trách nhiệm của các đối tượng kiểm toán.

"Do đó, việc tăng cường kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện kiến nghị kiểm toán là cần thiết, bên cạnh những biện pháp hành chính trong quản lý khác để buộc các đối tượng kiểm toán phải chấp hành" -GS,TS. Nguyễn Hữu Ánh nêu, đồng thời đánh giá cao cách tiếp cận và nỗ lực của KTNN nhằm tạo sự chuyển biến trong việc chấp hành thực hiện kiến nghị kiểm toán những năm gần đây.
N.LỘC
Cùng chuyên mục
Kịp thời đôn đốc, hỗ trợ các đơn vị thực hiện kiến nghị kiểm toán