Dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN, cùng toàn thể công chức KTNN chuyên ngành V.
Trình bày Báo cáo Tổng kết công tác năm 2023 và Kế hoạch công tác năm 2024, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V Lê Văn Duẩn cho biết, năm 2023, KTNN chuyên ngành V đã chuẩn bị và cung cấp đầy đủ các dữ liệu, thông tin, phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện báo cáo của Ngành phục vụ các đoàn kiểm tra, giám sát, các kỳ họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo yêu cầu như: rà soát số liệu và thông tin kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; phối hợp tham gia ý kiến đối với Dự thảo Luật Đấu thầu và một số vấn đề lớn về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Dự án Hồ chứa nước Ka Pét...
Qua kiểm toán, đơn vị đã kiến nghị xử lý tài chính 1.340,6 tỷ đồng. Trong đó, tăng thu NSNN 35,3 tỷ đồng; giảm chi NSNN 116,4 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 1.188,8 tỷ đồng.
Tính đến 20/11/2023, KTNN chuyên ngành V đã hoàn thành 10/10 cuộc kiểm toán, đã phát hành 15/15 báo cáo kiểm toán (BCKT).
Cùng với đó, các kết luận kiến nghị kiểm toán của đơn vị cũng đạt được những kết quả tích cực: 15/15 BCKT có kiến nghị chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; 6 BCKT có kiến nghị tổ chức rà soát, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân và xem xét xử lý theo quy định đối với một số tồn tại được phát hiện qua kiểm toán; kiến nghị Ban chỉ đạo Trung ương các CTMTQG sửa đổi, chỉ đạo các thành viên ban chỉ đạo và các Bộ có liên quan khẩn trương xây dựng, ban hành, sửa đổi theo thẩm quyền để hướng dẫn thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững, trong đó sửa đổi Thông tư số 46/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính và Thông tư số 10/2022/TT-BYT của Bộ Y tế...
Việc xây dựng kế hoạch kiểm toán năm và trung hạn được KTNN chuyên ngành V tổ chức thực hiện trên cơ sở bám sát các văn bản hướng dẫn của KTNN. Kế hoạch kiểm toán tổng quát của các đoàn kiểm toán đáp ứng được các yêu cầu về mục tiêu, trọng tâm và nội dung kiểm toán, thực hiện theo đúng Quy trình kiểm toán của KTNN.
Năm 2023, KTNN chuyên ngành V đã tổ chức thực hiện 10 cuộc kiểm toán theo 03 đợt. Đến nay, các cuộc kiểm toán đã thực hiện đảm bảo kế hoạch được phê duyệt, các BCKT đã phát hành đều đảm bảo đúng và vượt thời gian quy định.
KTNN chuyên ngành V đã quán triệt để việc đạt được các mục tiêu, trọng tâm, nội dung kiểm toán tới các đoàn kiểm toán ngày từ khâu khảo sát, thu thập thông tin lập, thẩm định kế hoạch kiểm toán đến quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán được duyệt; việc lập, thẩm định dự thảo BCKT tại Hội đồng thẩm định cấp Vụ cũng được đưa ra ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo.
Năm 2023, KTNN chuyên ngành V trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm toán 02 CTMTQG phục vụ công tác giám sát của Quốc hội gồm: CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và CTMTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021 đến 2025.
KTNN chuyên ngành V đã phổ biến tới các kiểm toán viên việc gắn kết quả kiểm toán với đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của công chức hàng năm; quán triệt về tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng thành viên đoàn, tổ kiểm toán và đoàn kiểm toán.
Việc xây dựng phương án tổ chức kiểm toán năm 2023 được đơn vị thực hiện bám sát chỉ đạo của lãnh đạo KTNN, hướng dẫn của Ngành, cụ thể: xây dựng phương án tổng thể cả 03 đợt kiểm toán từ đầu năm, gắn trách nhiệm của Trưởng đoàn kiểm toán ngay từ giai đoạn khảo sát lập kế hoạch kiểm toán của từng cuộc kiểm toán; công tác nhân sự các đoàn kiểm toán được thực hiện đảm bảo dân chủ, công khai và minh bạch.
Thực hiện nâng cao chất lượng thẩm định của Hội đồng cấp Vụ thông qua việc phân công và gắn trách nhiệm cụ thể của các tổ thẩm định, các tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán và của Phòng Tổng hợp.
KTNN chuyên ngành V đã tổ chức rà soát một cách nghiêm túc, toàn diện và lập báo cáo tổng hợp gửi Vụ Tổng hợp kết quả việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm và tổng hợp danh sách các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện kiến nghị kiểm toán và danh sách tổ chức, cá nhân chưa thực hiện kiến nghị của KTNN theo quy định.
Trong năm, đơn vị đã thành lập và thực hiện 01 cuộc kiểm tra định kỳ, 02 cuộc kiểm soát chất lượng kiểm toán đột xuất.
Bên cạnh đó, KTNN chuyên ngành V đã ban hành Kế hoạch số 96 ngày 16/3/2023 về kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2023; công văn số 23 ngày 31/01/2023 về việc tổ chức thực hiện công tác rà soát, cập nhật tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán, sau rà soát số liệu thực hiện bổ sung tăng thêm 50,3%, tương đương 220 tỷ đồng.
Kết quả đối chiếu kiến nghị với Kho bạc Nhà nước 100% giá trị được đề nghị, tương đương hơn 196 tỷ đồng theo Thông tư 16 ngày 18/3/2019 của BTC...
Về kế hoạch công tác năm 2024, ông Duẩn cho biết, trên cơ sở mục tiêu tổng quát công tác năm 2024 của Ngành, là năm trọng tâm thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2021-2025 và năm đặc biệt với các hoạt động lớn kỷ niệm 30 năm thành lập Ngành, KTNN chuyên ngành V xác định mục tiêu nhiệm vụ công tác năm 2024 như sau:
Trình Tổng Kiểm toán nhà nước dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2024 xem xét phê duyệt với 09 đoàn kiểm toán, tổ chức thành 03 đợt kiểm toán.
Dự kiến tổ chức 09 đoàn kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán từ tháng 5-11/2023; tiếp tục rà soát kết quả thực hiện kiểm tra, kết luận kiến nghị kiểm toán các năm trước để có biện pháp hiệu quả đôn đốc, tăng tỷ lệ thực hiện.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán; tổ chức một số Đoàn kiểm soát đột xuất các cuộc kiểm toán trong năm.
Tổ chức tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm từ hoạt động thực tế của đơn vị phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao. Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng các phần mềm vào hoạt động kiểm toán...
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, KTNN chuyên ngành V xác định: Quán triệt các nghị quyết của Ban Cán sự Đảng KTNN, Đảng ủy KTNN và Chỉ thị của Tổng Kiểm toán nhà nước trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành đơn vị.
Bám sát kế hoạch công tác, văn bản hướng dẫn xây dựng nội dung, mục tiêu, trọng yếu kiểm toán của Ngành và các nhiệm vụ được lãnh đạo KTNN phân công để xây dựng kế hoạch và chương trình hành động năm cụ thể, phù hợp với đặc thù của chuyên ngành và đảm bảo hiệu quả.
Tăng cường công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, chú trọng nâng cao trách nhiệm kiểm soát của Tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán, năng lực thẩm định của Hội đồng thầm định cấp Vụ...
Cũng tại Hội nghị, Phó Kiểm toán trưởng Lê Văn Duẩn đã trình bày Báo cáo Tổng kết công tác Đảng năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024.
Chỉ đạo Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung ghi nhận và đánh giá cao kết quả công tác năm 2023 của KTNN chuyên ngành V; đồng thời đánh giá cao sự đoàn kết, đồng lòng, thống nhất trong chỉ đạo của Ban chấp hành Đảng bộ cũng như toàn thể đảng viên trong Đảng bộ.
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, là một đơn vị chuyên môn sâu, năm 2023, KTNN chuyên ngành V đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao, kể cả trong phát hành BCKT cũng như tổ chức rà soát thực hiện kiến nghị kiểm toán.
Đặc biệt, trong năm, KTNN chuyên ngành V đã phục vụ tốt cho Đoàn giám sát của Quốc hội liên quan đến 02 CTMTQG. Đơn vị đã phối hợp rất chặt chẽ để cung cấp cho lãnh đạo KTNN và Đoàn giám sát để có những thông tin kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh đó, đơn vị đã chủ trì, phối hợp với KTNN khu vực XIII để cung cấp thông tin theo yêu cầu của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với kế hoạch công tác năm 2024, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước lưu ý KTNN chuyên ngành V một số nội dung:
Thứ nhất, đơn vị phải xác định được bối cảnh rất đặc thù của năm 2024, để từ đó định hướng nhiệm vụ và trọng trách của mỗi kiểm toán viên cũng như tập thể. Bởi, kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng có những biến động và khó khăn, sẽ tác động đến công việc hằng ngày của kiểm toán viên.
Thứ hai, thực hiện nghiêm Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Bên cạnh việc chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo KTNN, của Đảng ủy KTNN đối với việc nâng cao chất lượng và đạo đức công vụ, thì Quy định số 131-QĐ/TW là sát sườn, là định hướng chỉ đạo xuyên suốt của cả nhiệm kỳ đối với KTNN và kiểm toán viên. Bởi vậy, đơn vị phải rất lưu ý và phải tổ chức thực hiện nghiêm.
Thứ ba, tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng xét duyệt cấp Vụ của các dự thảo BCKT; lưu ý tăng cường hơn trong công tác kiểm soát chất lượng toán trong quá trình kiểm toán và công tác xét duyệt dự thảo BCKT của Hội đồng cấp Vụ.
Thứ tư, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đối với công tác hành chính hàng ngày và nhiệm vụ quan trọng trọng hơn là ứng dụng phần mềm kiểm toán trong hoạt động kiểm toán. Đơn vị phải thực hiện được các phần mềm ứng dụng dự án đầu tư xây dựng cơ bản; đồng thời đặt ra các đề bài cho Trung tâm tin học về ứng dụng phần mềm kiểm toán trong hoạt động đầu tư, giúp Ngành đánh giá lại các phần mềm KTNN trong lĩnh vực này.
Thứ năm, đối tượng làm việc của KTNN chuyên ngành V hơi đặc thù, đó là các nhà thầu. Cho nên, kiểm toán viên phải rất thận trọng trong hành vi ứng xử, đặc biệt đối với nhà thầu.
Thứ sáu, hưởng ứng kỷ niệm 30 năm thành lập Ngành, phải khơi dậy được lòng tự hào đối với Ngành, tự hào vì đã được đứng trong đội ngũ của KTNN.
Thay mặt tập thể đơn vị, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V Trần Hải Đông tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước; đồng thời khẳng định tập thể đơn vị sẽ nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao./.