Trình bày Báo cáo tổng kết công tác năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Nguyễn Thu Giang cho biết: Năm 2022, tập thể lãnh đạo, công chức KTNN chuyên ngành VI đã không ngừng nỗ lực, triển khai đồng bộ các giải pháp hữu hiệu với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành Kế hoạch công tác năm 2022 đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Cụ thể, đến ngày 30/11, KTNN chuyên ngành VI đã triển khai thực hiện 9 cuộc kiểm toán, trong đó, 6 cuộc đã phát hành báo cáo kiểm toán, 3 cuộc đang gửi báo cáo lấy ý kiến đơn vị.
Ngoài ra, thực hiện nhiệm vụ kiểm toán bổ sung, KTNN chuyên ngành VI đã tổ chức khảo sát, lập, hoàn thiện và trình lãnh đạo KTNN xét duyệt kế hoạch cuộc kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần của Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Nam, dự kiến triển khai trong tháng 12/2022.
Đặc biệt, trong năm 2022, thực hiện nhiệm vụ do KTNN phân công, KTNN chuyên ngành VI đã triển khai cuộc kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2021 tại Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) theo hình thức thí điểm kiểm toán từ xa.
Mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng KTNN chuyên ngành VI đã phối hợp với Trung tâm Tin học và các đơn vị liên quan hoàn thành cuộc kiểm toán đúng tiến độ, chất lượng, tạo tiền đề để KTNN thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động kiểm toán.
Đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý, năm 2022, KTNN chuyên ngành VI đã phối hợp với các đơn vị trong Ngành tham gia, đóng góp nhiều ý kiến sửa đổi, bổ sung các văn bản của Chính phủ và KTNN.
Ngoài ra, đơn vị thường xuyên tham gia ý kiến liên quan đến việc xây dựng các dự án Luật (như Luật Dầu khí sửa đổi), xử lý các vấn đề pháp lý cụ thể (Hợp đồng EPC nhà máy Alumin Tân Rai, Nhân Cơ; ý kiến về các dự án chậm tiến độ, thua lỗ); soạn thảo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.
Trong năm 2022, KTNN chuyên ngành VI cũng phối hợp chặt chẽ với Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán tăng cường kiểm soát chất lượng kiểm toán ngay từ khi lập đề cương khảo sát thu thập thông tin, xây dựng kế hoạch kiểm toán đến khi lập, xét duyệt, phát hành báo cáo kiểm toán.
Thành viên Tổ kiểm soát ngoài việc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát còn tham vấn chuyên môn cho Đoàn kiểm toán, qua đó giúp cho công tác kiểm toán được thực hiện đúng quy định, ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm, hạn chế trong tổ chức, thực hiện các cuộc kiểm toán.
Từ những thành tích đạt được trong năm 2022 và bám sát mục tiêu chung của Ngành trong năm 2023, KTNN chuyên ngành VI xác định phương hướng, các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp để thực hiện tốt kế hoạch công tác năm 2023 như sau:
Chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp, linh hoạt, sáng tạo trong công tác điều hành, phấn đấu hoàn thành các cuộc kiểm toán đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng; nâng cao chất lượng kết quả, kiến nghị kiểm toán; tiếp tục xây dựng đội ngũ kiểm toán viên “pháp luật nắm chắc, nghiệp vụ tinh thông, động cơ trong sáng”.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán cũng như điều hành của đơn vị. Trên cơ sở kinh nghiệm từ việc thực hiện cuộc kiểm toán từ xa tại Tập đoàn VNPT, tiếp tục nghiên cứu để lựa chọn phương án triển khai phù hợp đối với đơn vị khác trong tương lai.
Đồng thời, tổ chức theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị được kiểm toán và tổ chức cá nhân có liên quan thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 và các năm trước; xử lý kịp thời, dứt điểm những kiến nghị, khiếu nại và vướng mắc của đơn vị được kiểm toán trong và sau khi đã phát hành báo cáo kiểm toán.
KTNN chuyên ngành VI tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán trong tất cả các khâu, đặc biệt là trong giai đoạn kiểm toán để kịp thời tham gia ý kiến, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý, phù hợp với tình hình thực tế của các phát hiện, ý kiến kiểm toán. Cùng với đó, duy trì sự phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai có hiệu quả các kế hoạch công tác năm 2023 của Ngành.
Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ đánh giá cao những thành tích KTNN chuyên ngành VI đạt được trong năm 2022, đặc biệt là việc thực hiện thành công cuộc kiểm toán thí điểm từ xa Tập đoàn VNPT và kiểm toán chuyên đề quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản. Đây là hai cuộc kiểm toán thực hiện lần đầu, hình thức triển khai mới với nhiều đòi hỏi về kỹ thuật cao.
Bên cạnh đó, KTNN chuyên ngành VI đã làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ công chức, kiểm toán viên, phối hợp để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng kiểm toán và xây dựng pháp luật.
Thống nhất với phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp để thực hiện tốt kế hoạch công tác năm 2023, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ nhấn mạnh: Trong bối cảnh mới, KTNN chuyên ngành VI cần đặc biệt lưu ý vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán, phối hợp với Trung tâm Tin học rà soát lại các phần mềm kiểm toán doanh nghiệp.
Đồng thời, tăng cường kiểm soát chất lượng kiểm toán ở tất cả các khâu khảo sát, thu thập thông tin, lập kế hoạch kiểm toán, thu thập bằng chứng, nghiên cứu, đánh giá bằng chứng kiểm toán và đưa ra các kiến nghị phù hợp, đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng quy định.
Tại Hội nghị, thay mặt cho tập thể lãnh đạo, công chức, người lao động KTNN chuyên ngành VI, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Trần Văn Hảo tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo KTNN.
Năm 2023, KTNN chuyên ngành VI quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong đó, đơn vị sẽ tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho toàn bộ công chức, kiểm toán viên, người lao động; kiểm tra, kiểm soát, nâng cao chất lượng và rèn luyện kỹ năng kiểm toán; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cấp phòng, cấp vụ; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…/.