Vì vậy, nhiệm vụ của KTNN là phải kiểm soát chặt chẽ tất cả tài sản quốc gia, ngăn chặn cho được tham nhũng, thất thoát, tiêu cực để xây dựng một nền tài chính quốc gia lành mạnh, công khai, minh bạch, sử dụng có hiệu quả. Đây là nhiệm vụ quan trọng của KTNN. Để làm được điều đó, đầu tiên KTNN phải hoạt động thực sự độc lập, không chịu một sức ép nào, chỉ tuân thủ pháp luật. Tất cả hoạt động kiểm toán phải trên cơ sở nền tảng pháp luật.
Thứ hai, KTNN phải làm đúng quy trình, chặt chẽ từ khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán (KHKT) đến quá trình kiểm toán, kết luận và xử lý sau kiểm toán. Phải lấy hiệu quả, chất lượng làm chính, tránh hình thức và phải đi đến cùng vấn đề kiểm toán.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.Ảnh: PHÙNG NGUYÊN
Những năm qua, KTNN đã có những bước phát triển mạnh mẽ, hiệu quả kiểm toán mang lại rất cao, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội ghi nhận, nhân dân, cử tri rất tin tưởng. KTNN đã kiểm soát, thu hồi về NSNN, phòng tránh được thất thoát, lãng phí rất lớn. Tôi đánh giá rất cao những kết quả đó của KTNN. Đặc biệt, vừa qua, lần đầu tiên Tổng Kiểm toán Nhà nước đã trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2014 với nhiều phát hiện kiểm toán quan trọng trước Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ nhất đã được các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đánh giá cao. Thực tế hàng năm, KTNN đều có Báo cáo kiểm toán gửi Quốc hội, nhưng việc Báo cáo kiểm toán được trình bày trước Quốc hội, được công khai đã gây được tiếng vang lớn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn những tồn tại, hạn chế. Vấn đề quản lý tài chính công, tài sản công là rất rộng nhưng độ phủ của kiểm toán còn hạn chế, kiểm soát chưa hết, hiện mới đạt khoảng 50% số đối tượng được kiểm toán. Bên cạnh đó, KTNN mới chủ yếu thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động còn ở mức độ nhất định. Đồng thời, tính pháp lý của Báo cáo kiểm toán chưa cao, việc tuân thủ báo cáo kiểm toán và các kiến nghị kiểm toán còn hạn chế, vẫn có tình trạng vi phạm các quy định của Luật KTNN.
Từ những kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, yếu kém, tôi đề nghị trong thời gian tới KTNN cần tập trung vào một số vấn đề sau: Thứ nhất, KTNN cần củng cố lại toàn bộ tổ chức bộ máy, đặc biệt là công tác cán bộ, vì đây là yếu tố quyết định. KTNN phải chấn chỉnh tốt vấn đề này.
Thứ hai, KTNN phải tập trung nâng cao số lượng các cuộc kiểm toán. Cùng với việc tăng biên chế, KTNN phải xem lại quy trình kiểm toán sao cho gọn nhẹ, nhưng vẫn phải sâu, đảm bảo chất lượng kiểm toán. Cùng với đó, phải chuyển mạnh sang kiểm toán hoạt động. Ngoài các cuộc kiểm toán tổng hợp mang tính thường xuyên giúp cho quyết toán NSNN, KTNN cần đẩy mạnh kiểm toán chuyên đề, tập trung vào các chuyên đề bức xúc, phát sinh, tiềm ẩn nhiều tiêu cực như: các dự án ODA, BOT, BT, PPP… Qua đó thấy được những tồn tại, yếu kém để đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Chúng ta cũng thấy rằng, lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay vẫn là khâu để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực nhiều nhất, mặc dù đã có Luật Đầu tư công, Luật Phòng chống tham nhũng... Tôi đề nghị KTNN phải nêu cụ thể địa chỉ những công trình, dự án của tỉnh nào, địa phương nào gây thất thoát, lãng phí, sai phạm lớn, để tăng cường công khai, minh bạch.
Liên quan đến việc sử dụng tài sản công, tài nguyên. Đây đều là những lĩnh vực còn nhiều bất cập, không chỉ tham nhũng mà cả lãng phí. Tôi đề nghị KTNN không những chỉ ra sai phạm mà còn phải đẩy mạnh công khai kết quả kiểm toán, minh bạch, làm rõ những đối tượng sai phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ ba, KTNN phải tăng cường công tác phân tích, đánh giá chính sách. Không phải chỉ phân tích đúng sai, mà phải đánh giá được chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa hiện nay như thế nào? Đã hợp lý chưa? Đồng thời, phải tuân thủ các quy định của luật pháp về trình Quốc hội kết quả kiểm toán theo niên độ.
Thứ tư, KTNN phải tham gia ngay vào xây dựng Kế hoạch tài chính 5 năm, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, dự toán NSNN theo quy định của Luật KTNN.
Về các kiến nghị của KTNN, hiện nay, hệ thống pháp luật đã hoàn chỉnh, quan trọng nhất là triển khai thực hiện. Luật đã giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và KTNN quy định chi tiết, cụ thể. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ra Nghị quyết để cụ thể hóa Luật.
Chúng tôi cũng ủng hộ Đề án tổ chức và biên chế của KTNN đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 phù hợp với Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020. KTNN cần trình sớm vì biên chế phải tăng lên thì mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ. Tôi cũng cơ bản đồng tình với kiến nghị của KTNN về vấn đề tiền lương, phụ cấp và trang phục của KTNN.
Liên quan đến việc phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra khác, theo quy định KHKT của KTNN là độc lập sau khi xin ý kiến Quốc hội. Tuy nhiên, có tình trạng thấy KTNN vào kiểm toán thì nhiều đơn vị cho kiểm tra nội bộ. Điều này cũng tốt, song phải tuân thủ nguyên tắc là tất cả các cơ quan thụ hưởng ngân sách phải được kiểm toán, để khẳng định quyết toán có đúng không. Do đó, KTNN cần có ý kiến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản gửi Chính phủ để tránh tình trạng trùng lắp, chồng chéo như hiện nay.
KTNN cũng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các Ủy ban của Quốc hội, đặc biệt, nên có thêm quy chế phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Tôi cũng đồng ý với việc KTNN thành lập Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm toán, với nhiệm vụ là vừa tổ chức đào tạo bồi dưỡng cán bộ vừa nghiên cứu khoa học.
HỒNG TÙNG