Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV: Thành công trên mọi phương diện

(BKTO) – Sáng 19/01, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh tham dự phiên họp.



                
   

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Thành công từ sự quyết đoán, chủ động, tích cực

Tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo Báo cáo Tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV của Tổng Thư ký Quốc hội. Theo đó, việc tổ chức Kỳ họp hoàn toàn có cơ sở chính trị và căn cứ pháp lý vững chắc. Trong quá trình chuẩn bị cũng như tổ chức thực hiện đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương; Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và nội quy kỳ họp Quốc hội, dù là kỳ họp bất thường nhưng đã làm đầy đủ các quy trình theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, quyết định tổ chức Kỳ họp và kết quả của Kỳ họp cho thấy sự trăn trở, tìm tòi, đổi mới của Quốc hội đối với việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội. Qua đó cũng cho thấy tính chủ động, nhanh nhạy, linh hoạt, quyết đoán, chủ động, tích cực của Quốc hội. Đặc biệt, Kỳ họp không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược và lâu dài.                
   

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp về mọi mặt, từ tất cả các khâu. Thành công đó đến từ ý tưởng đúng, sát thực tiễn, yêu cầu, sát đường lối, chính sách; chuẩn bị sớm và có sự phối hợp tốt giữa Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, UBTVQH… Đồng thời, Kỳ họp được tiến hành gọn, chỉ trong 4,5 ngày họp, song 4 nội dung được thảo luận kỹ, với hàng trăm ý kiến thảo luận đối với mỗi nội dung và có sự đồng thuận cao, từ Bộ Chính trị đến các Bộ, ngành, các đoàn thể, các đại biểu Quốc hội. Các văn bản, Nghị quyết của Kỳ họp cũng được ban hành rất nhanh.

Từ thành công của Kỳ họp, vấn đề đặt ra là phải tổ chức thực hiện sao cho tốt. Đây là nhiệm vụ của Chính phủ, song Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội phải giám sát nhanh, giám sát ngay và giám sát thường xuyên để đưa các chính sách, các văn bản mà Quốc hội đã quyết đi vào cuộc sống.

Từ thành công của Kỳ họp cũng cho thấy sự điều hành linh hoạt của lãnh đạo Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và Đảng đoàn Quốc hội. Những kinh nghiệm đó có thể đúc rút để vận dụng vào các kỳ họp của Quốc hội. Nhắc lại ý kiến của Chủ tịch Quốc hội từng phát biểu rằng nên có các kỳ họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, từ kinh nghiệm tổ chức kỳ họp bất thường lần này, có thể có những kỳ họp đi sâu vào một chuyên đề, một vài văn bản luật hoặc một vài đề án lớn về kinh tế - xã hội với ý nghĩa đưa chính sách đi ngay vào cuộc sống.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, thành công của Kỳ họp thể hiện sự chủ động, vào cuộc sớm, tính chuyên nghiệp trong hoạt động của Quố hội. Để việc tổ chức kỳ họp “bất thường” trở thành “bình thường”, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị sau này có thể chọn những nội dung quan trọng, đã được chuẩn bị kỹ và đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống để có thể tổ chức thêm các kỳ họp chuyên đề.

Báo cáo của Kiểm toán nhà nước là tài liệu rất quan trọng đối với đại biểu Quốc hội

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh đồng tình với dự thảo Báo cáo về kết quả Kỳ họp và ý kiến của các thành viên UBTVQH. Theo Tổng Kiểm toán nhà nước, để Kỳ họp đạt được kết quả như vậy là nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sự đầu tư thời gian, công sức của tất cả các Ủy ban của Quốc hội, của Chính phủ; sự điều hành, phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ cũng như Đảng đoàn Quốc hội. Đây là những kinh nghiệm rất quý báu để tiến tới tổ chức các kỳ họp khác.

Tổng Kiểm toán nhà nước đề xuất, thường trước khi tổ chức kỳ họp Quốc hội sẽ có cuộc làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội với Ban cán sự Đảng Chính phủ để chuẩn bị kỳ họp. Tại cuộc họp này nên dành thời gian nhất định cho việc tổng kết, đánh giá kỳ họp trước và bàn thảo cho kỳ họp sau và sớm chuẩn bị, có sự phối hợp tốt hơn nữa thì sẽ hiệu quả và chất lượng hơn.                
   

Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   
Về phía KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh, dù trong Luật đã có quy định nhưng đây là lần đầu tiên KTNN được giao nhiệm vụ có ý kiến về dự án quan trọng quốc gia, đó là Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. “KTNN đã rất nỗ lực, trong bối cảnh tài liệu phải vừa làm vừa xin song bằng sự cố gắng của mình, KTNN cũng đã đáp ứng một phần sự mong mỏi của UBTVQH cũng như của Quốc hội. Chúng tôi sẽ cố gắng trong thời gian tới để có sự chuẩn bị kỹ hơn trong việc tham gia ý kiến về các dự án trọng điểm quốc gia” - Tổng Kiểm toán nhà nước nêu rõ.

Đặc biệt, theo Tổng Kiểm toán nhà nước, sau khi 3 Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất thì trách nhiệm của KTNN càng thêm nặng nề. Trong 3 Nghị quyết đều có mục riêng giao nhiệm vụ cho KTNN. Tổng Kiểm toán nhà nước mong muốn trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH và các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, phối hợp để KTNN làm tốt nhiệm vụ được giao.

Nhấn mạnh thêm vai trò của KTNN, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, lần đầu tiên KTNN có ý kiến chính thức bằng văn bản về dự án quan trọng quốc gia gửi đại biểu Quốc hội ngay từ khi thẩm tra trước kỳ họp. Đây là tài liệu rất quan trọng để đại biểu Quốc hội dựa vào trong quá trình xem xét, thảo luận.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật KTNN đã quy định về việc KTNN có ý kiến về chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia, vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm trong vấn đề này để tạo điều kiện cho KTNN tiếp cận sớm các thông tin, tài liệu về các dự án này. Luật đã quy định thì phải thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, trong gói chính sách tài khóa tiền tệ triển khai sắp tới có thể có một số dự án thuộc dự án quan trọng quốc gia mà Quốc hội phải xem xét, quyết định. Trong quá trình chuẩn bị danh mục theo quy trình phải có Hội đồng nghiệm thu đánh giá cấp Nhà nước và phải có KTNN tham gia từ đầu.
Đ. KHOA


Cùng chuyên mục
Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV: Thành công trên mọi phương diện