Chú trọng phòng vệ thương mại
Trong bối cảnh kinh tế đất nước đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện, vấn đề phòng vệ thương mại được nhiều đại biểu đặt ra khi góp ý vào dự thảo Luật Quản lý ngoại thương. Nhiều đại biểu cho rằng, việc luật hóa ba pháp lệnh về phòng vệ thương mại đã được ban hành từ những năm 2002 đến 2004 là cần thiết, phù hợp với Hiến pháp và các luật mới được ban hành về đầu tư kinh doanh.
Đại biểu Phạm Đình Toản (Hưng Yên) cho rằng, phòng vệ thương mại gắn liền với hoạt động ngoại thương nên cần được quan tâm sâu sắc để bảo vệ thị trường nội địa trước sự thâm nhập của hàng hóa nước khác. Trong thương mại quốc tế, các biện pháp phòng, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ được coi là ba trụ cột của hệ thống các biện pháp phòng vệ thương mại, được áp dụng để bảo vệ thị trường nội địa. Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn còn một số quy định chưa đảm bảo các yêu cầu, cần được cân nhắc, điều chỉnh. Điển hình như quy định về các điều kiện áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nêu trong dự thảo Luật chỉ bao gồm các điều kiện cứng theo quy định bắt buộc của Tổ chức thương mại thế giới WTO mà chưa có điều kiện mềm nhưng rất quan trọng đối với Việt Nam là điều kiện về lợi ích kinh tế - xã hội. Theo đó, ngay cả khi đã có đủ điều kiện cứng, biện pháp phòng vệ thương mại cũng sẽ không được áp dụng nếu ảnh hưởng bất lợi tới kinh tế - xã hội nói chung. “Đây là điều kiện rất quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh ở Việt Nam chưa hoàn hảo và do đó mỗi động thái về thuế trong các vụ điều tra phòng vệ thương mại đều có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng bất ổn trong thị trường” - đại biểu Toản nói.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà) đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung thêm nguyên tắc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, không gây tổn hại tới lợi ích kinh tế - xã hội Việt Nam. Bởi theo đại biểu, biện pháp phòng vệ thương mại cần phải hài hòa giữa việc bảo vệ một ngành sản xuất trong nước với việc không gây thiệt hại cho các bên liên quan khác của Việt Nam bao gồm nhà nhập khẩu và người tiêu dùng.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho ý kiến vào dự án Luật Quản lý ngoại thương Ảnh: TTXVN
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) nhận xét, hiện nay Việt Nam là thành viên chính thức của nhiều thiết chế thương mại khu vực và thế giới, điều này đồng nghĩa với việc chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận một sân chơi, luật chơi chung, bình đẳng với mọi nước khác. Tuy nhiên, dự thảo Luật mới đưa ra quy định phòng vệ khi DN nước ngoài vào nước ta chèn ép DN trong nước, chưa có quy định các biện pháp phòng vệ khi DN nước ta ra nước ngoài mà bị chèn ép. Do đó, cần nghiên cứu xem xét, bổ sung quy định này.
Minh bạch để tránh lạm quyền
Một trong những mục tiêu quan trọng mà dự án Luật Quản lý ngoại thương hướng tới đó là khắc phục sự thiếu minh bạch, thiếu thống nhất trong quản lý hoạt động ngoại thương… dẫn đến hạn chế, cản trở quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân theo tinh thần Hiến định. Tuy nhiên, việc dự thảo Luật có quá nhiều quy định mang tính nguyên tắc khung và giao cho Chính phủ quy định chi tiết khiến các đại biểu băn khoăn.
Đại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) cho rằng, trong 115 điều thì sơ bộ có đến trên 21 khoản, điểm trong các điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết, nghĩa là ban hành văn bản dưới luật, đó là chưa tính đến các điều giao cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ hướng dẫn thực hiện. Do vậy, những hạn chế, bất cập trong Luật Thương mại năm 2005 chưa khắc phục được nhiều trong dự án Luật này.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) thẳng thắn nhận xét, dự thảo Luật Quản lý ngoại thương là điển hình của “luật khung, luật ống” bởi nhiều vấn đề có thể quy định chi tiết ngay trong luật nhưng dự thảo lại quy định chung chung và giao cho Chính phủ như: các biện pháp cấm xuất khẩu, nhập khẩu, danh mục các biện pháp này phải tuân thủ các cam kết của WTO hoặc các hiệp định tự do thương mại khác… Theo đại biểu, dự thảo Luật trao quyền cho Bộ Công Thương trong nhiều trường hợp, nhưng trao quyền không đi kèm với căn cứ, tiêu chí nào nên rất dễ dẫn đến lạm quyền. “Dự thảo đẻ ra nhiều loại giấy phép mới mà không kèm theo bất cứ quy định nào về điều kiện, về căn cứ cấp giấy phép mà chỉ quy định duy nhất về cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép là Bộ Công Thương là không minh bạch”- đại biểu Lộc cho biết.
Cũng theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, mục tiêu của dự thảo Luật là nhằm chấm dứt các biện pháp quản lý ngoại thương đang được quy định bởi nhiều văn bản của nhiều cơ quan, khiến cho cơ chế quản lý ngoại thương thiếu thống nhất, không minh bạch, gây cản trở cho DN. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa làm được điều này. Trong khi đó, dự thảo Luật lại “ôm đồm” quá nhiều nội dung không cần thiết, làm phát sinh nhiều vấn đề quản lý mới với các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngoại thương, làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của họ.
Từ thực tế trên, các đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần giảm bớt các loại giấy phép để đảm bảo quyền tự do kinh doanh đã được Hiến định. Đặc biệt, đối với quy định về hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu, dự thảo Luật cần quy định cụ thể danh mục tương tự như Luật Đầu tư để áp dụng trực tiếp.