Lâm Đồng: Giao khoán bảo vệ rừng góp phần tăng thu nhập cho người dân

(BKTO) - Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã đẩy mạnh công tác giao khoán bảo vệ rừng cho nhân dân, qua đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên; đồng thời giúp người dân, nhất là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện cải thiện sinh kế, tăng thu nhập.

rung-lam-dong.jpg
Lực lượng kiểm lâm huyện Đơn Dương và các hộ nhận khoán trao đổi công việc tại một cánh rừng nằm sát khu dân cư thuộc xã Lạc Lâm. Ảnh: TS

Tại Hội nghị báo cáo viên tháng 8/2023 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức mới đây, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng (Quỹ) đã báo cáo kết quả thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng của tỉnh năm 2022.

Theo đó, số tiền thu ủy thác qua Quỹ đạt 437,9 tỷ đồng, chiếm 14,6% tổng thu toàn quốc và tăng 96,5 tỷ (12,8%) so với năm 2021. Diện tích rừng cung ứng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng là 399.150 ha, chiếm hơn 73% tổng diện tích rừng toàn tỉnh. Số tiền chi trả cho chủ rừng cung ứng là 455,670 tỷ đồng và chủ rừng là tổ chức nhà nước thành lập, chiếm hơn 98% số tiền chi trả.

Ông Nguyễn Văn Bằng - Phó Giám đốc Quỹ - cho biết, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng năm 2022 tăng cao so với năm 2021 đã hỗ trợ đáng kể nguồn chi từ ngân sách nhà nước cho công tác bảo vệ phát triển rừng.

Hoạt động khoán bảo vệ rừng từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng của các chủ rừng là tổ chức do Nhà nước thành lập tiếp tục góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho người dân tham gia bảo vệ rừng, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo và hộ dân sống gần rừng.../.

Năm 2023, Kiểm toán nhà nước kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam và 40 địa phương giai đoạn 2020-2022, trong đó có tỉnh Lâm Đồng. Mục tiêu của cuộc kiểm toán là đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng Quỹ tại địa phương; xác nhận tính đúng đắn, trung thực và hợp lý số liệu quyết toán của Quỹ giai đoạn 2020-2022. Đồng thời, qua kiểm toán sẽ phát hiện các bất cập của cơ chế, chính sách, tổ chức, điều hành và điều lệ của Quỹ để có kiến ​​nghị phù hợp; chỉ ra những hạn chế để kiến ​​nghị với đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng Quỹ...

Cùng chuyên mục
Lâm Đồng: Giao khoán bảo vệ rừng góp phần tăng thu nhập cho người dân