Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm. |
Cụ thể, theo số liệu từ NBS, trong tháng Ba vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc (CPI), thước đo chính đánh giá lạm phát, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2019, giảm nhẹ so với mức tăng 5,2% của tháng Hai và thấp hơn mức dự báo tăng 4,9% của các nhà phân tích tham gia khảo sát của Bloomberg.
Đây cũng là mức tăng yếu nhất của chỉ số này kể từ tháng 10/2019. Xét theo cơ sở hàng tháng, chỉ số CPI của nước này trong tháng Ba giảm 1,2% so với tháng Hai. Đáng chú ý, giá thực phẩm, vốn chiếm gần 1/3 tỷ trọng trong CPI, đã giảm mạnh 3,8% trong tháng trước.
Giá ngũ cốc và giá dầu giữ ở mức ổn định trong tháng Ba, trong khi giá rau giảm 12,2% do nguồn cung tăng vào mùa Xuân.
Giá thịt lợn bắt đầu đi xuống khi Chính phủ Trung Quốc thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường nguồn cung để giảm thiểu tác động của dịch tả lợn châu Phi và dịch Covid-19.
Giá thịt cơ bản giảm khoảng 6,9% so với một tháng trước đó, song tăng 116,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy vậy, so với cùng kỳ năm 2019, giá thực phẩm tại Trung Quốc vẫn tăng 18,3% do sự bùng phát của dịch Covid-19, qua đó "đóng góp" 3,7 điểm phần trăm cho mức tăng trưởng hàng năm của CPI.
Trong quý 1/2020, CPI của Trung Quốc tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Báo cáo của NBS cũng cho thấy, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng Ba vừa qua cũng đã giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy các nhà sản xuất của nước này vẫn đang chịu tổn thương từ đại dịch Covid-19.