Lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng: Vẫn còn chậm trễ

(BKTO) - Theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải (GTVT), các nhà đầu tư phải hoàn thành lắp đặt đồng loạt hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) đối với 28 trạm thu phí BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên trước ngày 30/6. Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai thực hiện vẫn còn chậm trễ.



Chủ trương quyết liệt nhưng thực hiện chưa nghiêm

Cuối năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận triển khai áp dụng công nghệ ETC trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Dự án này được chia thành 2 giai đoạn: từ năm 2016-2019 sẽ áp dụng dịch vụ ETC trên 1-2 làn, sau năm 2019 sẽ áp dụng tại tất cả các làn. Công ty trách nhiệm hữu hạn Thu phí tự động VETC được Bộ GTVT chỉ định làm nhà đầu tư với tổng mức đầu tư 1.524 tỷ đồng, theo dạng hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Nhà đầu tư được phép thu hồi vốn theo thời gian thu phí các dự án BOT.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trên, Bộ trưởng Bộ GTVT đã nhiều lần chỉ đạo các đơn vị liên quan phải hoàn thành cam kết, ký hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư các dự án BOT. Gần đây nhất, Bộ GTVT đã yêu cầu tất cả 28 nhà đầu tư phải hoàn thành ký hợp đồng dịch vụ ETC vào ngày 30/4 và ngày 30/6 phải vận hành thử nghiệm các trạm thu phí.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC Vũ Quang Lâm (nhà cung cấp dịch vụ ETC) cho biết: Trong quá trình tiếp xúc và đàm phán, bên cạnh những nhà đầu tư BOT có thiện chí hợp tác, một số nhà đầu tư lại đưa ra các lý do khác nhau nhằm trì hoãn quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng.

Còn tại cuộc họp về tiến độ lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc giai đoạn 1 áp dụng cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên diễn ra mới đây, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư - PPP (Bộ GTVT) Nguyễn Viết Huy cho biết, tính đến tháng 7, mới hoàn thành lắp đặt 13 dịch vụ ETC tại trạm và vận hành chạy thương mại 8 trạm thu phí. Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, Vụ đã mời tất cả các nhà đầu tư BOT và ETC họp đàm phán hợp đồng dịch vụ thu phí. Trong quá trình đàm phán, tất cả các nhà đầu tư BOT đều khẳng định ủng hộ chủ trương áp dụng dịch vụ ETC. Thế nhưng, đến nay, nhiều nhà đầu tư BOT vẫn chưa ký hợp đồng dịch vụ này. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư BOT chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GTVT.

Đẩy nhanh tiến độ lắp đặthệ thống ETC

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện, thực trạng trên xuất phát từ tư duy chưa muốn minh bạch của nhà đầu tư BOT. “Hiện tại, số liệu doanh thu thu phí của các trạm BOT vẫn chưa phải là chuẩn 100%, nếu tiến hành giám sát đột xuất là vẫn có vấn đề” - ông Huyện nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cũng khẳng định, một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến việc các nhà đầu tư chưa ký hợp đồng triển khai thu phí tự động không dừng là do e ngại về tính minh bạch trong thu phí. Nếu các nhà đầu tư còn tránh né vấn đề này thì việc triển khai lắp đặt hệ thống ETC sẽ tiếp tục bị chậm trễ. Hơn nữa, thời gian mà Bộ GTVT dành cho các nhà đầu tư BOT và nhà cung cấp dịch vụ ETC đủ để cho các bên nghiên cứu đàm phán và ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, việc ký kết hợp đồng không thực hiện được theo kế hoạch đã đặt ra là do nhiều nhà đầu tư BOT còn băn khoăn về tỷ lệ tính phí của nhà cung cấp dịch vụ. Một số nhà đầu tư cho rằng cần có nhiều nhà cung cấp dịch vụ để nhà đầu tư BOT có sự lựa chọn, chứ không thể ép chủ đầu tư ký hợp đồng với một đơn vị cung cấp.

Trước phản ánh của nhà đầu tư, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đề nghị nhà cung cấp dịch vụ ETC phải có sự thay đổi để sẵn sàng cạnh tranh với ít nhất từ 2 đến 3 nhà cung cấp dịch vụ. Quan điểm của Bộ GTVT là ủng hộ việc cạnh tranh minh bạch giữa các nhà cung cấp dịch vụ ETC. Bộ sẽ đưa ra khung tiêu chuẩn chung và chỉ đánh giá năng lực của các nhà cung cấp, còn việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ do nhà đầu tư BOT quyết định. Vụ PPP, Tổng cục Đường bộ cần sớm có văn bản yêu cầu các nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ ETC phải thúc đẩy, ký kết hoàn thiện hợp đồng lắp đặt công nghệ thu phí ETC trước 15/7 và triển khai hệ thống từ 15/8 tới.

Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ lắp đặt hệ thống ETC, ông Nguyễn Viết Huy kiến nghị, lãnh đạo Bộ GTVT cần yêu cầu các nhà đầu tư phải nhanh chóng ký hoàn thành hợp đồng dịch vụ với nhà cung cấp VETC để đơn vị này tiến hành lắp đặt, triển khai sớm và giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét dừng thu phí nếu các nhà đầu tư BOT không thực hiện bảo đảm tiến độ.

LÊ HÒA
Theo tuần Báo ra ngày 13-7-2017
Cùng chuyên mục
  • Hoàn thiện chính sách để hợp tác xã nông nghiệp phát huy thế mạnh
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 của 16 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và Bắc Trung Bộ diễn ra mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đánh giá: “Tình hình phát triển HTX nông nghiệp trong vùng đã có sự chuyển biến tích cực, song nhiều HTX chưa chuyển đổi hoặc đã chuyển đổi theo Luật hoạt động gặp nhiều khó khăn do không được tổ chức lại và không xác định được phương hướng hoạt động có hiệu quả thích ứng với tình hình hiện nay”.
  • Phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt “Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấuDN thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2017-2020”.
  • Thúc đẩy hiệu ứng lan tỏa của đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Ngày 16/6, Diễn đàn Doanhnghiệp Việt Nam giữa kỳ 2017 với chủ đề “Tăng cường liên kết khu vực đầu tưnước ngoài và đầu tư trong nước trong bối cảnh mới của nền kinh tế thế giới” đãdiễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 300 đại biểu.
  • Khủng hoảng thừa nông sản: Thiếu đồng bộ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Bộtrưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường thẳng thắn thừanhận, tình trạng nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ khó khăn như vừa qua là doBộ mới làm tốt khâu sản xuất, khâu chế biến và tổ chức thị trường còn yếu kém.
  • Doanh nghiệp Việt chưa chú trọng minh bạch thông tin
    7 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - “Báo cáo đánh giá thực tiễn công bố thông tin của doanh nghiệp: Đánh giá 30 doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam” do Tổ chức Minh bạch quốc tế và Tổ chức hướng tới Minh bạch tại Việt Nam lần đầu tiên thực hiện đã làm sáng tỏ phần nào bức tranh công bố thông tin của DN Việt Nam.
Lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng: Vẫn còn chậm trễ