Liên minh châu Âu tăng cường phát triển năng lượng xanh

(BKTO) - Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh bằng cách thúc đẩy sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như gió và Mặt Trời. Những dữ liệu công bố mới đây cho thấy tỷ lệ "điện xanh" đạt mức cao ở một số quốc gia châu Âu.

nang-luong-tai-tao-cnn.jpg
Tỷ lệ điện tái tạo đã đạt mức cao kỷ lục tại một số quốc gia châu Âu - Nguồn: Internet

Tăng trưởng ấn tượng

Theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp năng lượng Mặt Trời châu Âu, công suất tấm quang điện Mặt Trời (PV) mới của 27 nước thành viên EU vào năm 2022 là 41,4 gigawatts (GW), tăng 47% so với năm trước đó.

Dữ liệu của Ember - tổ chức tư vấn năng lượng có trụ sở tại Anh - cho thấy trong tháng 4/2022, Bồ Đào Nha đã đạt được cột mốc quan trọng khi 51% điện năng của nước này đến từ năng lượng gió và Mặt Trời. Đây là lần đầu tiên Bồ Đào Nha vượt mốc 50% sản lượng điện hằng tháng là từ các nguồn tái tạo. Trong năm 2022, Bồ Đào Nha đã lắp đặt 0,9 GW tấm quang điện Mặt Trời, qua đó nâng tổng công suất năng lượng Mặt Trời lên 2,5 GW.

Chuyên gia phân tích Matt Ewen cho rằng: "Bồ Đào Nha đang bước vào giai đoạn tiếp theo của quá trình chuyển đổi năng lượng. Năng lượng gió và khả năng kết nối điện Mặt Trời đã thay thế than đá vào năm 2021, trong khi điện Mặt Trời đang dần giảm thiểu vai trò của khí đốt trong lưới điện."

Tại Tây Ban Nha, năng lượng gió và Mặt Trời chiếm tới 46% tổng sản lượng điện quốc gia, trong đó nguồn cung từ Mặt Trời đóng góp mức kỷ lục 4,2 terawatt-giờ (TWh) vào 4/2022.

Trong khi đó, Cơ quan thống kê quốc gia Phần Lan cho biết trong tháng này, tỷ lệ điện tái tạo chiếm mức cao kỷ lục 75% tổng sản lượng tiêu thụ điện. Điện gió tăng 41% trong năm 2022, chiếm tới 14,1% tổng sản lượng tiêu thụ điện, tương đương 11,6 TWh. Bộ Kinh tế và Lao động Phần Lan cho biết nước này đang có kế hoạch mở rộng sản xuất năng lượng gió từ đất liền sang các vùng ven biển.

Đan Mạch cũng hưởng lợi khi tiên phong triển khai các cam kết phát triển năng lượng xanh. Trong năm 2022, điện gió chiếm tới 48% sản lượng hệ thống điện quốc gia, trong khi điện gió ngoài khơi đạt mức đáng kể 2,3 GW.

Áo là quốc gia tiên phong toàn cầu trong sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Bộ Hành động vì khí hậu, Môi trường, Năng lượng, Di động, Đổi mới và Công nghệ Áo cho biết nước này có 78% sản lượng điện đến từ nguồn năng lượng xanh.

Chính phủ Áo đang hướng tới tham vọng loại bỏ năng lượng hóa thạch và đạt mức trung hòa carbon lần lượt vào năm 2030 và 2040. Để đạt được mục tiêu này, Áo đang có kế hoạch lắp đặt 1 triệu tấm quang điện Mặt Trời nhằm tăng sản lượng điện xanh lên 27 TWh trong năm 2030.

Từ lâu đã nổi tiếng là quốc gia sản xuất thủy điện, Thụy Điển có 43% tổng sản lượng điện quốc gia sản xuất từ nước trong năm 2021. Trong khi đó, năng lượng gió và điện Mặt Trời chiếm tổng cộng 18%.

Ngày 16/5 vừa qua, Chính phủ Thụy Điển đã phê duyệt 2 dự án điện gió cách bờ biển phía Tây nước này khoảng 20km và dự kiến cung cấp khoảng 6,5 TWh mỗi năm.

Tại Đức, Văn phòng thống kê liên bang của nước này cho biết điện than vẫn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất điện năm 2022. Tuy nhiên, năng lượng gió đã trở thành nguồn đóng góp thứ hai trong mạng lưới điện của nước này trong năm ngoái với 24,1%, trong khi điện Mặt Trời là 10,6%.

Năm 2022, các hệ thống quang điện ở Đức đã cung cấp tổng cộng 54,3 triệu MW giờ điện vào lưới điện, tăng 20% so với năm 2021, nâng tỷ lệ điện Mặt Trời trong tổng sản lượng điện của Đức lên mức gần 11% (năm 2021 là 9%).

Số liệu thống kê mới nhất cũng cho thấy ngày càng có nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình cá nhân ở Đức sử dụng các hệ thống năng lượng mặt trời để tạo ra điện.

Trong tháng 3/2023, tổng số gần 2,6 triệu hệ thống quang điện với tổng sản lượng khoảng 70.600 MW đã được lắp đặt trên các mái nhà và trên mặt đất. So với cùng kỳ năm 2022, số lượng hệ thống được lắp đặt mới đã tăng 16% và công suất lắp đặt mới tăng 21%.

Trong tương lai, Đức đang tìm cách tăng công suất điện Mặt Trời lên 400 GW vào năm 2040. Giám đốc điều hành Hiệp hội công nghiệp năng lượng Mặt Trời Đức Carsten Koernig cho biết tham vọng này đòi hỏi tăng gấp 3 lần công suất lắp đặt điện Mặt Trời trong vòng 3 năm tới.

Còn tại Croatia, chuyên gia năng lượng Ivor Balen cho biết năng lượng tái tạo hiện chiếm 29% tổng sản lượng tiêu thụ điện, trong đó điện gió và điện Mặt Trời là 2 nguồn phát triển với tốc độ nhanh nhất. Theo Chiến lược phát triển quốc gia, Croatia đặt mục tiêu năng lượng tái tạo chiếm 36,4% và chạm mốc 88% trong các năm 2030 và 2050.

Cần 113 tỷ euro cho cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo

dien-mat-troi.jpg
Nhà máy điện mặt trời O'MEGA1 ở Pháp - Nguồn: Internet

Theo nhiều chuyên gia, cuộc xung đột tại Ukraine có thể đánh dấu sự chuyển đổi căn bản trong cách thức các nước ở châu Âu và các khu vực khác đánh giá về an ninh năng lượng. Trong bối cảnh đó, phát triển năng lượng tái tạo được coi là giải pháp tối ưu để châu Âu tiến tới độc lập năng lượng trong dài hạn.

Theo nghiên cứu mới được công bố của tổ chức tư vấn Ember, EU đã tiết kiệm được 12 tỷ euro (12,96 tỷ USD) chi phí mua khí đốt kể từ khi xung đột bùng phát tại Ukraine, nhờ tăng cường sản xuất năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, châu Âu đã lần đầu tiên sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo nhiều hơn từ khí đốt vào năm ngoái.

Chủ tịch Viện Tài nguyên Thế giới, Ani Dasgupta, cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng đã đưa các nhà lãnh đạo châu Âu lại gần nhau, giúp chính sách năng lượng của khu vực thống nhất hơn bao giờ hết và cũng tham vọng hơn.

Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Fatih Birol, cho rằng phản ứng của các chính phủ trên thế giới hứa hẹn đưa đến bước ngoặt lịch sử hướng tới hệ thống năng lượng đảm bảo hơn, bền vững hơn và sạch hơn.

Tính đến năm 2021, khoảng 22% năng lượng sử dụng tại EU đến từ các nguồn tái tạo, nhưng tỷ lệ ở mỗi nước có sự chênh lệch đáng kể. Việc nhanh chóng chuyển đổi sang năng lượng tái tạo có vai trò quan trọng nếu EU muốn đạt được các mục tiêu chống biến đổi khí hậu, trong đó có mục tiêu đã được luật hóa là giảm mức phát thải ròng gây hiệu ứng nhà kính 55% vào năm 2030 so với mức ghi nhận năm 1990. Các mục tiêu liên quan năng lượng tái tạo cũng trở nên quan trọng hơn khi EU tìm cách giảm phụ thuộc và tiến tới chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2027.

Để đạt được những mục tiêu mới đề ra, EU cần đầu tư quy mô lớn cho các trang trại năng lượng gió và Mặt Trời, mở rộng quy mô sản xuất khí đốt tái tạo và củng cố mạng lưới điện châu Âu để có thể tích hợp nhiều năng lượng tái tạo hơn. EC ước tính khối này sẽ cần các khoản đầu tư bổ sung trị giá 113 tỷ euro cho cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo và hydro đến năm 2030, nếu các nước thành viên muốn độc lập về năng lượng.

Cùng chuyên mục
  • Việt Nam và Hàn Quốc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp
    10 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Ngày 21/6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan đã có buổi tiếp và làm việc với Bộ trưởng Cơ quan lâm nghiệp Hàn Quốc Nam Sung Hyun. Đại diện lãnh đạo hai cơ quan đã khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp, từ đó giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường, cuộc sống của người dân.
  • Triển vọng nào cho thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm?
    10 tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Theo giới chuyên gia, triển vọng thị trường chứng khoán (TTCK) 6 tháng cuối năm 2023 được dự báo lạc quan hơn. Xu hướng giảm lãi suất cùng hàng loạt các chính sách tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy tăng trưởng sẽ đồng thời thẩm thấu vào thị trường. Bên cạnh đó, lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết cũng sẽ tìm lại đà tăng trưởng dương từ quý III/2023 trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái.
  • Bệnh viện Phụ sản Trung ương: Khẳng định uy tín bằng chất lượng khám, chữa bệnh
    10 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Bệnh viện Phụ sản Trung ương là đơn vị đầu ngành về lĩnh vực sản phụ khoa, sơ sinh, chẩn đoán trước sinh, hỗ trợ sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Trải qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện thực sự đã trở thành địa chỉ khám bệnh, chữa bệnh tin cậy của nhân dân trong nước và quốc tế.
  • Hải Dương tích cực đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử
    10 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Để Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) được thực hiện có hiệu quả, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hải Dương đang nỗ lực ứng dụng công nghệ số để đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Điều này giúp người nông dân, đơn vị sản xuất giới thiệu trực tiếp sản phẩm tới người tiêu dùng.
  • Đánh giá rõ hiệu quả hoạt động của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích
    10 tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Theo đại biểu Quốc hội, cần có đánh giá rõ ràng về hoạt động của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, những ưu điểm và hạn chế, những khó khăn, vướng mắc, từ đó có điều chỉnh, sửa đổi cho hợp lý.
Liên minh châu Âu tăng cường phát triển năng lượng xanh