Chính sách thuế đối với hàng hóa và công nghệ còn bất cập
Thời gian qua, Nhà nước có nhiều hình thức ưu đãi và hỗ trợ khác nhau nhằm thúc đẩy các hoạt động KHCN phát triển; trong đó ưu đãi về thuế là một trong những công cụ chủ yếu. Theo đó, các hình thức ưu đãi thuế bao gồm: Ưu đãi về thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN); miễn giảm thuế nhập khẩu; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và chính sách khấu hao nhanh, tăng chi phí được trừ khi tính thuế TNDN đối với doanh nghiệp KHCN…
Tại Hội thảo “Chính sách thuế đối với hoạt động KHCN - Thực trạng và giải pháp” do Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam phối hợp với Phân hội Kiểm toán viên nhà nước Việt Nam tổ chức mới đây, các chuyên gia đánh giá, các hình thức ưu đãi thuế hiện khá đa dạng và có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động KHCN; góp phần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp KHCN. Tuy nhiên, từ thực tiễn tổ chức triển khai cho thấy, chính sách thuế đối với hàng hóa và công nghệ vẫn có một số hạn chế, bất cập làm giảm hiệu quả tác động của chính sách này.
PGS,TS. Lê Xuân Trường - Học viện Tài chính - chỉ rõ, sự bất hợp lý trong quy định về hoàn thuế Giá trị gia tăng (GTGT) dẫn đến triệt tiêu tác dụng của quy định về đối tượng được áp dụng thuế suất 5%, trong đó có thuế suất 5% đối với dịch vụ KHCN. Cụ thể, theo quy định, từ ngày 01/7/2016, cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có lũy kế số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết từ 4 quý (hoặc 12 tháng) trở lên không được hoàn thuế GTGT mà chuyển khấu trừ sang kỳ tiếp theo. Với quy định này, “vô hình trung, việc áp dụng thuế suất 5% tạo ra bất lợi cho cơ sở cung cấp dịch vụ KHCN. Bởi lẽ, nếu áp dụng thuế suất 10% thì cơ sở cung cấp dịch vụ thu được tiền thuế GTGT từ người tiêu dùng, song với thuế suất 5% thì phần thuế GTGT đầu vào ứng ra trả thay cho người tiêu dùng không được thu lại, dẫn đến bị ứ đọng tiền vốn” - ông Trường phân tích.
Tương tự, với chính sách ưu đãi thuế TNDN chủ yếu theo thu nhập mà không theo chi phí dẫn đến hai bất lợi. Một là, khi tổ chức hoạt động KHCN không có lợi nhuận thì ưu đãi này không có ý nghĩa trong thực tiễn. Hai là, đối với những công ty đa quốc gia thuộc phạm vi áp dụng thuế Tối thiểu toàn cầu thì việc ưu đãi theo thu nhập cũng không còn ý nghĩa do bị áp thuế Tối thiểu toàn cầu.
Theo báo cáo của UNESCO, chi phí đầu tư cho R&D của Việt Nam năm 2017 là 0,53% GDP trong khi trung bình thế giới là 2,13% và của Thái Lan 1%, Singapore 1,92%, Trung Quốc 2,12%, Hoa Kỳ 2,82%, Nhật Bản 3,21%... Từ số liệu trên cho thấy chi phí cho R&D của Việt Nam đang thua xa các nước trong khu vực và thế giới, thấp hơn 3 lần đối với trung bình của thế giới. Điều này có thể xuất phát từ chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho R&D hiện nay nói chung và ưu đãi thuế nói riêng chưa được quan tâm thích đáng.
Ông Nguyễn Văn Được - Ủy viên Ban Chấp hành VICA
Cùng quan tâm đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Được - Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Kế toán hành nghề Việt Nam (VICA) - cho rằng, chính sách ưu đãi thuế cho lĩnh vực KHCN hiện vẫn chỉ tập trung trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh khai thác, sử dụng và chuyển giao KHCN dưới hình thức doanh nghiệp hoặc tổ chức...; chưa có các chính sách ưu đãi thuế căn cơ cho các chủ thể là cá nhân.
Đối với chính sách nghiên cứu, phát triển (R&D), hiện nay, chính sách ưu đãi hỗ trợ mới chỉ dừng lại ở chính sách “được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN”, chưa thực sự khuyến khích tổ chức, cá nhân tích cực tham gia đầu tư, hoạt động R&D, đổi mới sáng tạo đối với KHCN. “Điều này dẫn đến chi phí cho R&D tại Việt Nam còn khiêm tốn và hạn chế so với chuẩn chung của thế giới, dẫn đến chất lượng của KHCN chưa cao” - ông Được đánh giá.
Gia tăng các chính sách ưu đãi thuế
Từ những bất cập trong áp dụng chính sách ưu đãi thuế đối với KHCN được chỉ ra, tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học kiến nghị, Nhà nước và Chính phủ cần xây dựng và luật hóa tổng thể các chính sách ưu đãi và hỗ trợ, trong đó có chính sách ưu đãi thuế, từ khâu R&D, đổi mới sáng tạo đến khâu khai thác, sử dụng và chuyển giao KHCN phù hợp, thống nhất với định hướng phát triển kinh tế, xã hội và định hướng Chiến lược phát triển KHCN.
Cùng với đó, cần tiếp tục và gia tăng các chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động KHCN, đặc biệt là gia tăng ưu đãi đến hoạt động KHCN trọng điểm quốc gia. Nhà nước cần tiếp tục mở rộng, gia tăng và kéo dài mức ưu đãi, thời gian và đối tượng ưu đãi cho các đối tượng KHCN trọng tâm, trọng điểm; hạn chế và thu hẹp các đối tượng KHCN không cần thiết ưu đãi thuế. Đồng thời, xây dựng và thiết lập các “hàng rào” chống lại các hiện tượng “quay vòng ưu đãi thuế” đối với các dự án trong hoạt động KHCN đã hết thời hạn ưu đãi thuế, tránh trục lợi chính sách.
Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam sẽ áp dụng thuế Tối thiểu toàn cầu vào năm 2024 thì chính sách ưu đãi thuế TNDN sẽ không còn phát huy hiệu quả trong một số trường hợp. Do đó, cần phải thay thế, sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi và hỗ trợ khác để tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư cũng như thu hút nguồn vốn FDI trong bối cảnh mới.
“Các chính sách ưu đãi và thu hút đầu tư thay thế cho chính sách ưu đãi thuế có thể là: Hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư, đặc biệt là hỗ trợ kinh phí nghiên cứu phát triển, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tạo liên kết và kết nối môi trường và thị trường R&D phát triển, tạo cơ chế thông thoáng về thủ tục hành chính, ổn định kinh tế - xã hội và đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng, ổn định và minh bạch…” - ông Nguyễn Văn Được đề xuất.
Các ý kiến cũng đề xuất, ngoài việc tập trung vào lĩnh vực đầu tư của tổ chức kinh tế (doanh nghiệp) thì cần quan tâm xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi thuế đối với cá nhân trực tiếp tham gia sáng tạo, nghiên cứu, khai thác và phát triển KHCN như: Tiếp tục cho miễn, giảm thuế Thu nhập cá nhân đối với các đối tượng nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, giảm trừ khi tính thuế Thu nhập cá nhân đối với các khoản tài trợ liên quan đến KHCN…/.