Lợi nhuận ngân hàng liệu có tiếp đà giảm?

(BKTO) - Bức tranh kinh doanh quý III và 9 tháng năm 2023 của các ngân hàng cho thấy, lợi nhuận của nhiều nhà băng suy giảm. Xu hướng này liệu có tiếp tục diễn ra trong quý IV/2023 và năm 2024?

loi-nhuan-ngan-hang.jpg
Hoạt động cho vay gặp nhiều khó khăn khiến lợi nhuận của các ngân hàng sụt giảm. Ảnh minh họa

Nhiều nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận giảm

Đến thời điểm này, 28 ngân hàng thương mại (NHTM) đã công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm 2023. Kết quả cho thấy, nhiều ngân hàng suy giảm về lợi nhuận sau cuộc chạy đua huy động vốn nhưng lại khó cho vay.

 Top 10 ngân hàng có lợi nhuận sau thuế cao nhất 9 tháng đầu năm 2023 gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Vị trí thứ hạng trong top 10 ngân hàng sở hữu lợi nhuận sau thuế cao nhất 9 tháng cũng có sự xáo trộn. Mặc dù phần lớn các ngân hàng đều giữ được phong độ ổn định nhưng mức tăng trưởng không quá lớn so với cùng kỳ năm 2022. 

Toàn hệ thống chỉ ghi nhận 13 ngân hàng có mức lợi nhuận sau thuế tăng trưởng dương trong 9 tháng đầu năm. Dẫn đầu đà tăng trưởng của toàn ngành là Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với mức tăng 66%, mang về 5.460 tỷ đồng lợi nhuận. Tiếp đến là Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tăng 47,8%; Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) tăng 24,6%...

Trong khi đó, rất nhiều ngân hàng bị sụt giảm mạnh về lợi nhuận. Điển hình là Ngân hàng TMCP Bản Việt (BV Bank) có lợi nhuận tăng trưởng âm 85%.

Lợi nhuận của một số ngân hàng khác cũng giảm đáng kể, như: Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) giảm 59,6%; Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) giảm 46,5%; Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) giảm 25,7%; Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) giảm 22,5%; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) giảm 21,8%; Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) giảm 16,3%...

Bức tranh hoạt động kinh doanh ngân hàng quý III và 9 tháng năm 2023 cho thấy, 8/28 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý III có lợi nhuận chưa vượt qua mốc 50% kế hoạch năm, điển hình là VietABank mới thực hiện được 46%, VietBank mới thực hiện được gần 44% sau 9 tháng. Lợi nhuận tăng trưởng chậm, thậm chí bị âm dẫn đến nguy cơ một số ngân hàng khó hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đề ra từ đầu năm.

TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Tài chính (Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) - lý giải, mảng kinh doanh cốt lõi của nhiều ngân hàng tăng trưởng âm trong quý III/2023, thậm chí trong cả 9 tháng đầu năm là bởi tình trạng “thừa tiền” khiến ngân hàng khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng vay vốn, trong khi đó, số dư tiền gửi vẫn tiếp tục tăng, nhiều ngân hàng chưa thể cho vay lượng vốn đã huy động giá cao trước đó, điều này tạo thêm áp lực trả lãi.

Cùng với những khó khăn trong hoạt động cho vay, nguyên nhân khiến các ngân hàng sụt giảm lợi nhuận là do thu nhập lãi thuần giảm, tín dụng tăng trưởng thấp, biên lãi ròng (NIM) thu hẹp (lãi suất huy động cao, lãi vay giảm), trong khi chi phí hoạt động, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng…

Lợi nhuận ngân hàng - lạc quan hay bi quan?

Với những diễn biến không mấy thuận lợi trong quý III và 9 tháng năm 2023, tại cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2023 do Ngân hàng Nhà nước thực hiện, các tổ chức tín dụng (TCTD) đều giảm mức độ kỳ vọng về kết quả kinh doanh và lợi nhuận thời gian tới.

Theo đó, 66,7 - 72,1% TCTD cho rằng, tình hình kinh doanh sẽ cải thiện trong quý IV và cả năm 2023 (thấp hơn tỷ lệ 70,3-74,8% của kỳ điều tra trước). 82,6% TCTD dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng trưởng dương so với năm 2022. Trong khi đó, 13,8% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm; 3,7% TCTD ước tính lợi nhuận không thay đổi.

CEO WiGroup - ông Trần Ngọc Báu - cho rằng, các ngân hàng đang phải “gồng mình” để duy trì lợi nhuận. Dự báo, quý IV/2023, chi phí hoạt động của ngân hàng sẽ tăng mạnh do yếu tố mùa vụ. Nếu tổng doanh thu đầu ra vẫn đi ngang, chưa kể đến việc chi phí dự phòng có thể tăng thì lợi nhuận quý IV sẽ phải thấp hơn quý III rất nhiều.

Theo dự báo của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, kết quả hoạt động ngân hàng năm 2023 - 2024 có thể giảm mạnh so với các năm trước, đặc biệt là TCTD quy mô nhỏ. Lý do là bởi tình hình hoạt động của các TCTD hiện nay gặp nhiều khó khăn, nợ xấu và nợ rủi ro tiềm ẩn có xu hướng tăng cao. Trong khi đó, các TCTD vẫn phải triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất, miễn giảm phí dịch vụ cho các doanh nghiệp và người dân theo chỉ đạo của Chính phủ.

Trái với những nhận định trên, các chuyên gia phân tích chứng khoán lại khá lạc quan về triển vọng của hoạt động ngân hàng. Cụ thể, theo bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc SSI Research, lợi nhuận của ngành ngân hàng có thể đạt mức 17% năm 2024 dựa trên nhiều yếu tố: Tín dụng có thể tăng trưởng khá hơn năm 2023, đặc biệt vào nửa cuối năm khi kinh tế thế giới phục hồi, xuất khẩu tăng rõ ràng hơn, tiêu dùng đẩy mạnh trở lại, NIM sẽ được cải thiện trong năm tới do mức lãi suất trung bình thấp hơn, thu nhập từ phí của ngân hàng cũng được cải thiện.

Chia sẻ thêm về triển vọng ngành ngân hàng, bà Nguyễn Thị Phương Lam - Giám đốc Phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) - nhận định: Trong năm nay, các ngân hàng đang nhận được sự hỗ trợ lớn từ chính sách. Năm sau, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) hay NIM, tăng trưởng tín dụng sẽ phụ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế. Với những kỳ vọng về việc nền kinh tế năm tới tốt hơn, tổng thu nhập của các ngân hàng sẽ tốt hơn./.

Cùng chuyên mục
Lợi nhuận ngân hàng liệu có tiếp đà giảm?