Lượng hóa công việc, khắc phục điểm "mờ" của ngành Văn hóa, thể thao và du lịch

(BKTO) - Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2021 của ngành Văn hóa, thể thao và du lịch (VH,TT&DL) được tổ chức ngày 14/7, bên cạnh việc ghi nhận, đánh giá những nỗ lực công tác của toàn Ngành trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng đã thẳng thắn chỉ ra những điểm “mờ”, điểm hạn chế của Ngành. Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị và toàn Ngành xác lập bộ chỉ số về đóng góp của văn hóa trong quá trình phát triển đất nước, lượng hóa được công việc đã thực hiện.



                
   

Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng đã thẳng thắn chỉ ra những điểm “mờ” của ngành VH,TT&DL. Ảnh: Cổng thông tin BộVH,TT&DL

   

Theo báo cáo trình bày tại Hội nghị, trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, tiến độ và chất lượng thực hiện xây dựng đề án, kế hoạch công tác, các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ giao đã có sự chuyển biến tích cực, từ nhận thức đến cách thức, kết quả thực hiện. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số nhiệm vụ chưa thể triển khai thực hiện, phải lùi, hoãn hoặc thôi không thực hiện.

Tại Hội nghị, các ý kiến phát biểu của đại diện các đơn vị, địa phương đã nêu lên những vấn đề còn bất cập, cần sự quan tâm chỉ đạo của Bộ VH,TT&DL như: vấn đề quy hoạch di sản tại địa phương đang bộc lộ sự thiếu đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa với Luật Xây dựng; quy định về đoàn nghệ thuật chuyên môn và những định hướng phát triển công nghiệp VH,TT&DL…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã nhắc lại 5 điểm sáng trong bức tranh thực hiện nhiệm vụ của Bộ 6 tháng đầu năm, như: chuyển biến rõ nét trong tư duy, tiếp cận lĩnh vực VH,TT&DL; công tác tham mưu của ngành đã từng bước được nâng cao chất lượng, trúng, sát và kịp thời hơn…; đồng thời đề nghị các đơn vị tiếp tục phát huy kết quả đạt được để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.

Trên tinh thần thẳng thắn nhìn nhận để tích cực xây dựng, phát triển cho Ngành, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, Bộ trưởng chỉ ra 4 điểm còn "mờ" của Ngành.

Thứ nhất là trong công tác tham mưu, chưa làm rõ được vị trí của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, chưa lan tỏa sức mạnh mềm của văn hóa, trong toàn hệ thống chính trị, góp phần làm thay đổi nhận thức, hiểu đúng, đủ và sâu sắc về Ngành.

Thứ hai, hệ thống cơ sở vật chất của Ngành còn yếu, thiếu. Cá biệt, có địa phương 3 thiết chế cơ bản đã quy định trong luật hiện nay vẫn chưa có, trong khi yêu cầu phát triển đòi hỏi phải có cơ sở vật chất tương xứng.

Thứ ba là việc chuyển hướng hoạt động của các đơn vị nghệ thuật theo hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy chưa đảm bảo. Trong quá trình tổ chức thực hiện áp dụng một cách cào bằng, chưa thấy được tính chất đặc thù để trình cấp có thẩm quyền cho phép xây dựng cơ chế, chính sách riêng.

Thứ tư là vấn đề nhân lực. Đội ngũ chưa đạt chuẩn, nhiều cấp chưa đồng bộ, vì vậy, tổ chức thực hiện khó khăn.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng yêu cầu toàn Ngành phải tìm cách khắc phục 4 điểm "mờ" này và phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết trong thời gian tới.

Về nhiệm vụ công tác trong 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng đặc biệt lưu ý toàn Ngành phải hoàn thiện cho được về thể chế và cơ chế chính sách phát triển VH,TT&DL đảm bảo đồng bộ hơn. Bên cạnh đó, từng bước xác lập bộ chỉ số về đóng góp của văn hóa trong quá trình phát triển. Bởi theo Bộ trưởng, chỉ khi lượng hóa được công việc của mình bằng chỉ số này thì chúng ta mới khẳng định được vị thế của ngành VH,TT&DL, cũng như có tiêu chí đánh giá thực hiện nhiệm vụ được giao.

“Các báo cáo bao giờ cũng chỉ có một câu duy nhất, ngắn như: văn hoá có sự chuyển biến hoặc văn hoá được phát huy. Còn văn hoá như thế nào có bao giờ những người làm công tác văn hoá thấy giật mình, tự nhiên chữ văn hoá đã biến mất trong các văn bản không? Trong khi quan điểm của Đảng ta đặt ra là văn hóa phải đặt ngang chính trị và ngang kinh tế. Đó là lỗi của chúng ta, chúng ta phải sửa sai” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
  • Du lịch nông thôn nhiều tiềm năng nhưng khai thác chưa hiệu quả
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại Hội thảo trực tuyến “Định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tổ chức mới đây.
  • Chia sẻ kinh nghiệm để phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) – Tại Hội thảo khoa học trực tuyến “Giáo dục Việt Nam 2011-2020” diễn ra chiều 14/7, trên cơ sở đánh giá những thành tựu phát triển giáo dục Việt Nam trong 10 năm qua, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các lĩnh vực ưu tiên chính mà ngành Giáo dục và đào tạo cần tập trung thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
  • Đốc thúc sử dụng vốn, giải ngân tại các dự án đầu tư giáo dục nghề nghiệp đúng cam kết, đúng tiến độ
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) – Đây là nội dung được lãnh đạo Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trao đổi tại buổi làm việc với Phái đoàn của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đánh giá về Dự án “Chương trình kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện” - dự án sử dụng vốn hỗ trợ của ADB.
  • Hiểu đúng tinh thần của "Quy chế tuyển sinh, đào tạo trình độ tiến sĩ" mới ban hành
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Nhằm tăng cường công tác quản lý đào tạo trình độ tiến sĩ, hướng tới đánh giá thực chất, nâng cao chất lượng đào tạo, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ thay thế Thông tư số 08/2017 (Thông tư 18). Theo dư luận, bên cạnh những quy định mới, phù hợp hơn thì một số quy định được cho là hạ thấp chuẩn. Báo Kiểm toán xin đề cập ý kiến của một số chuyên gia, cán bộ quản lý nhằm giúp bạn đọc có thêm góc nhìn khách quan và hiểu đúng tinh thần đổi mới của Quy chế này.
  • 1,8 triệu lao động không có việc làm do ảnh hưởng của Covid-19
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) – Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm tại nhiều địa phương. Đặc biệt, sự bùng phát lần thứ tư của đại dịch đã đẩy 1,8 triệu người lao động trên cả nước vào tình trạng không có việc làm.
Lượng hóa công việc, khắc phục điểm "mờ" của ngành Văn hóa, thể thao và du lịch