Mạnh dạn triển khai cơ chế đặc thù cho lĩnh vực đổi mới sáng tạo có tiềm năng tạo bứt phá

(BKTO) - “Nghiên cứu, mạnh dạn triển khai những cơ chế thử nghiệm, đặc thù cho các đối tượng, lĩnh vực ĐMST có tiềm năng tạo bứt phá và động lực mới cho nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đổi mới sáng tạo là một xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược, đòi hỏi khách quan và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Ảnh: Chính phủ

Sáng 28/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ Khánh thành cơ sở mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội.

Đẩy nhanh, mạnh hơn nữa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam

Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng cho rằng, đây là sự kiện 2 trong 1 rất quan trọng và ý nghĩa, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST); đánh dấu một bước trưởng thành mới của Trung tâm ĐMST quốc gia để đáp ứng được những yêu cầu và kỳ vọng của Chính phủ trong việc thúc đẩy khoa học công nghệ và hệ sinh thái ĐMST quốc gia.

Thủ tướng cho biết, thế giới đã và ngày càng phát triển bởi những tiến bộ khoa học công nghệ và ĐMST. ĐMST đang là một xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược, đòi hỏi khách quan và ưu tiên hàng đầu của đất nước ta để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Thời gian qua, các cấp, các ngành và cả xã hội đã rất quan tâm thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển khoa học công nghệ, ĐMST với những việc làm và hành động cụ thể, thiết thực.

Thủ tướng hoan nghênh, đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng những nỗ lực của cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, lãnh đạo Bộ qua các thời kỳ đã truyền cảm hứng, động lực và quyết tâm ĐMST mạnh mẽ cho các chủ thể liên quan; sự phối hợp tích cực của các Bộ, cơ quan, cũng như sự phối hợp, hỗ trợ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước để cùng xây dựng và phát triển Trung tâm ĐMST quốc gia, kết nối các chủ thể của hệ sinh thái ĐMST Việt Nam để tổ chức những chương trình có ý nghĩa như Triển lãm, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc hoàn thành đưa vào khai thác Trung tâm ĐMST quốc gia tại Hòa Lạc có vai trò, ý nghĩa to lớn trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; đó là sự khởi đầu của giai đoạn phát triển mới trong việc cung cấp hạ tầng đồng bộ để đẩy nhanh và mạnh hơn nữa hệ sinh thái ĐMST Việt Nam.

“Chúng ta tin tưởng việc khánh thành cơ sở của Trung tâm ĐMST quốc gia tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc - tạo ra không gian ĐMST mới cho đất nước ta; thể hiện rõ nét tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới để phát triển, trở thành hình mẫu ĐMST cho đất nước; đồng thời góp phần tạo nên một biểu tượng mới cho Việt Nam là điểm đến của ĐMST” - Thủ tướng chia sẻ.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng ghi nhận, biểu dương những kết quả rất đáng mừng, đáng trân trọng, hết sức ý nghĩa mà Trung tâm ĐMST quốc gia đạt được sau một thời gian ngắn chỉ mới 3 năm thành lập và phát triển, thể hiện khát vọng thịnh vượng cho quốc gia và sự tin tưởng vào một giai đoạn phát triển mới của đất nước dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ và ĐMST.

Trong khi đó, Triển lãm quốc tế ĐMST Việt Nam 2023 đã giới thiệu và lan tỏa hình ảnh “Quốc gia ĐMST” tới công chúng và cộng đồng ĐMST trên thế giới; cho thấy tiềm năng, lợi thế và những bước tiến của Việt Nam về ĐMST và việc tiếp cận, ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi lễ khai mạc Triển lãm VIIE 2023. Ảnh: Chính phủ

Hoàn thiện chính sách, xây dựng chương trình hành động

Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, thành phố Hà Nội và các Bộ, cơ quan, doanh nghiệp cần mạnh dạn, quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, tận dụng tốt hơn nữa các cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm phát huy tối đa hiệu quả của Trung tâm ĐMST quốc gia.

Thủ tướng gợi ý một số nhiệm vụ trọng tâm, mà trước hết là hoàn thiện thể chế, chính sách cho hoạt động ĐMST tại Việt Nam, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển trong thực tiễn của các chủ thể hệ sinh thái ĐMST, đặc biệt là các doanh nghiệp ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, cần nghiên cứu, mạnh dạn triển khai những cơ chế thử nghiệm, đặc thù cho các đối tượng, lĩnh vực ĐMST có tiềm năng tạo bứt phá và động lực mới cho nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.

Thứ hai, xây dựng chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động để tập trung phát triển những lĩnh vực có hàm lượng khoa học công nghệ, ĐMST và mang lại giá trị gia tăng cao cho Việt Nam trong giai đoạn tới như ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ hydrogen xanh, y tế, giáo dục, trí tuệ nhân tạo; chuẩn bị các điều kiện hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển các ngành, lĩnh vực.

Thứ ba, phát huy tinh thần hợp tác, kết nối hiệu quả, bền vững, toàn diện giữa các chủ thể của hệ sinh thái ĐMST, gồm khối doanh nghiệp, tập đoàn lớn; khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, khởi nghiệp sáng tạo; khối viện nghiên cứu, trường đại học; khối tổ chức hỗ trợ ĐMST, trung tâm ĐMST, các vườn ươm ĐMST…

Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ĐMST và khoa học công nghệ, đặc biệt là hợp tác giữa doanh nghiệp, tổ chức ĐMST trong nước với các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.

Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển Trung tâm ĐMST quốc gia, sớm triển khai công tác vận hành, thu hút các đối tác đầu tư, xây dựng cơ sở nghiên cứu và phát triển tại cơ sở mới của Trung tâm ĐMST quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc; hoàn thiện hạ tầng chiến lược kết nối, nhất là về giao thông và dịch vụ của Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Thứ sáu, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cùng tích cực, chủ động phối hợp để triển khai hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp theo chủ trương của Đảng, Nhà nước đã đề ra trong việc phát triển hệ sinh thái ĐMST, trong đó luôn đặt doanh nghiệp - người dân là trọng tâm của ĐMST. Tập trung xây dựng, hoàn thiện các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và các tỉnh khác…/.

Cùng chuyên mục
Mạnh dạn triển khai cơ chế đặc thù cho lĩnh vực đổi mới sáng tạo có tiềm năng tạo bứt phá